Vẻ đẹp lộng lẫy cùng loạt tiện ích “có một không hai” bên dòng sông Sài Gòn

Được giới thượng lưu nhà giàu đánh giá là một trong những khách sạn sang trọng hàng đầu tại TP Hồ Chí Minh, Mia Saigon Luxury Boutique Hotel (Mia Saigon) nằm ở vị trí “vàng” đắc địa ngay sát bờ sông Sài Gòn thuộc địa bàn phường An Phú, TP Thủ Đức.

Với thiết kế sang trọng lấy cảm hứng từ kiến trúc Đông Dương thanh lịch, không gian thoáng đãng nhìn ra bờ sông Sài Gòn hiền hòa và dịch vụ cao cấp thượng hạng, Mia Saigon là lựa chọn tuyệt vời để thư giãn sau những ngày làm việc bận rộn.

leftcenterrightdel
Hồ bơi nước mặn lớn nhất trong thành phố, nằm ngay sát sông Sài Gòn. Ảnh: Agoda.com 

Điểm nhấn của Mia Saigon chính là hồ bơi nước mặn ngoài trời dài 25m, hồ bơi nước mặn lớn nhất trong thành phố. Hồ bơi này được Mia Saigon bố trí nằm ngay sát sông Sài Gòn, du khách có thể vừa ngâm mình trong hồ bơi nước mặn, vừa ngắm cảnh hoàng hôn trên sông…

Một điểm nhấn thú vị khác chính là khu nhà hàng của Mia Saigon. Được bố trí nằm ngay sát sông Sài Gòn, qua lớp cửa kính trong suốt, thực khách có thể vừa tận hưởng những món ăn đẳng cấp châu Âu, vừa trò chuyện và ngắm toàn cảnh sông Sài Gòn…

leftcenterrightdel
Được bố trí nằm ngay sát sông Sài Gòn là khu nhà hàng của Mia Saigon. Ảnh: Agoda.com

Chỉ đôi bước đi bộ từ khu nhà hàng là tới bến thủy nội địa của Mia Saigon. Đây được xem là một trong vài bến thủy nội địa đẹp nhất còn tồn tại dọc sông Sài Gòn.

Hiếm có một khách sạn đẳng cấp năm sao nào tại TP Hồ Chí Minh mà vừa có hồ bơi nước mặn dài 25m, vừa có bến thủy nội địa nằm sát bờ sông Sài Gòn như tại Mia Saigon. Đây được xem là lợi thế to lớn, khẳng định vị trí hàng đầu trong giới kinh doanh khách sạn, resort tại TP Hồ Chí Minh.

Theo tìm hiểu trên Agoda, để tận hưởng một đêm nghỉ tại Mia Saigon, du khách sẽ phải bỏ ra ít nhất khoảng 06 triệu đồng, còn nếu chọn phòng Tổng thống thì sẽ phải chi tới gần 15 triệu đồng…

leftcenterrightdel
Phần khoanh đỏ là hồ bơi nước mặn lớn nhất TP Hồ Chí Minh, nhà hàng sát bờ sông, bên thủy nội địa của Mia Saigon. Ảnh: A.X

Cuộc chơi kín tiếng của bà Tạ Thiên Nga

Theo tìm hiểu, chủ đầu tư Mia Saigon là Công ty TNHH Đầu Tư KAT (Công ty KAT). Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 10/2014 tại TP Hồ Chí Minh. Ngành nghề đăng ký chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê (chi tiết: Kinh doanh bất động sản).

Đến khoảng tháng 08/2016, vốn điều lệ Công ty KAT đạt 55 tỷ đồng. Danh sách thành viên có sự góp mặt của cổ đông Lâm Di Linh với 0,1% và bà Tạ Thiên Nga (còn được biết đến với tên gọi khác là Julie Thien Nga Lam) sở hữu đến 99,9% cổ phần còn lại.

Cập nhật tại thời điểm tháng 5/2020, vốn điều lệ Công ty KAT đạt 165 tỷ đồng. Lúc này, bà Tạ Thiên Nga nắm giữ 99,939%, còn Lâm Di Linh sở hữu 0,061%.

Trong những lần công bố tiếp theo của Công ty KAT trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đều không cập nhật thêm lần tăng vốn nào khác của công ty. Hiện nay, bà Bùi Thị Hoàng Quỳnh (sinh năm 1983) đang giữ vai trò giám đốc, kiêm người đại diệp pháp luật Công ty KAT.

Ngoài Công ty KAT, bà Tạ Thiên Nga còn giữ vai trò cổ đông, và đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp khác có tuổi đời thành lập quá một thập kỷ.

leftcenterrightdel
Mia Saigon nằm ở vị trí “vàng” đắc địa ngay sát bờ sông Sài Gòn thuộc địa bàn phường An Phú, TP Thủ Đức. Ảnh: A.X 

Đơn cử, với tên gọi Julie Thien Nga Lam (Tạ Thiên Nga) đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển du lịch Cam Ranh. Đơn vị này được thành lập vào năm 2003 tại tỉnh Khánh Hoà. Cập nhật đến năm 2016, vốn điều lệ công ty đạt 172,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, bà Tạ Thiên Nga còn là Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm Phan. Doanh nghiệp này được thành lập năm 2009, có địa chỉ trụ sở chính ở TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, bà Tạ Thịên Nga còn đứng tên tại Công ty TNHH MTV Đầu tư Thiên Lâm. Công ty này thành lập vào năm 2011, có địa chỉ trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, bà Nga còn là Giám đốc và sở hữu đến 97,5% vốn của Công ty TNHH Nha Trang Biển Đảo (Khánh Hoà). Công ty TNHH Nha Trang Biển Đảo thành lập năm 2008, vốn điều lệ hiện nay đạt 39 tỷ đồng.

Liên quan đến Công ty TNHH Nha Trang Biển Đảo, theo tìm hiểu, vào ngày 30/10/2015, ông Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký Quyết định số 3079/QĐ-UBND để giao cho Công ty TNHH Nha Trang Biển Đảo thuê 36.764,7m2 đất và 71.031,8m2 đất có mặt nước ven biển tại khu Ba Lố, thôn Cù Hin, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm để dử dụng vào mục đích xây dựng khu du lịch sinh thái (đất thương mại dịch vụ) nhưng không thông qua đấu giá. Khu đất này đang được kinh doanh dịch vụ du lịch với tên gọi Mia Nha Trang Resort...

leftcenterrightdel
Để được nghỉ 01 đêm tại Mia Nha Trang resort (khu Ba Lố, thôn Cù Hin, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) du khách phải trả một khoản tiền không hề nhỏ. Ảnh: Agoda.com

Trong một vụ việc giao “đất vàng” khác không thông qua đấu giá ở Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh đã bị pháp luật xử lý. Cụ thể, tháng 12/2023, Hội đồng Xét xử TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt bị cáo Lê Đức Vinh (cựu Chủ tịch UBND tỉnh) mức án 3 năm 6 tháng tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Dự án Nha Trang Golden Gate, số 28E Trần Phú, TP Nha Trang.

Hội đồng Xét xử TAND tỉnh Khánh Hòa xác định hành vi của các bị cáo (trong đó có bị cáo Lê Đức Vinh) là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm trật tự quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.

Hội đồng Xét xử cũng nhận định, các bị cáo đã gây ra dư luận xấu, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước do đó cần có mức hình phạt nghiêm khắc.

Những sai phạm của các bị cáo này là để cho Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang được thực hiện dự án nhà ở không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc đấu thầu dự án, dẫn đến thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 137,7 tỷ đồng…

Bà Tạ Thiên Nga còn được biết đến trong thương vụ mua bán 35,74% vốn trong Công ty Bắc Bình với giá 0 đồng.

Cụ thể, liên quan đến đại án của ông Trần Phương Bình, cơ quan điều tra cho biết, ông Trần Lệ Nguyên, VinaCapital và các lãnh đạo của hai tập đoàn này có liên quan đến sai phạm của ông Trần Phương Bình, cựu Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng Tín dụng Ngân hàng Đông Á Bank trong vụ đại án tại ngân hàng này. Nổi bật nhất là sự việc tại dự án 11 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, trong quá trình triển khai dự án 11 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, TP Hồ Chí Minh, vào khoảng tháng 09/2016, trong khi ông Trần Phương Bình đang gặp khó khăn về tài chính, ông Trần Lệ Nguyên (cổ đông hiện hữu) đã đề nghị ông Bình chuyển nhượng 35,74% vốn góp tại Công ty Bắc Bình với giá 0 đồng, nếu không thì hai vị này sẽ không thu xếp tiền để trả nợ Đông Á Bank và không tiếp tục đầu tư dự án.

Đồng thời, Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Tây Nam - pháp nhân góp vốn bằng gần 17.000m2 đất cũng sẽ không tiếp tục hợp tác với Công ty Bắc Bình.

Với các lý do nêu trên, ngày 20/09/2016, ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo ông Cao Ngọc Hải ký hợp đồng bán 35,74% vốn góp trong Công ty Bắc Bình cho ông Trần Lệ Nguyên và bà Tạ Thiên Nga với giá 0 đồng.


Chu Tuấn - Quang Dân