Theo báo cáo tổng hợp kết quả chính từ 248 báo cáo kiểm toán của 135 nhiệm vụ kiểm toán tổ chức trong năm 2023 đối với niên độ ngân sách năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước hơn 21,346 nghìn tỷ đồng, kiến nghị khác hơn 28,595 nghìn tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc hủy bỏ một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 198 văn bản. Đồng thời, kết quả kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán năm trước cho thấy 92% kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước đã được thực hiện.

Nhiều dự án kéo dài thời gian giải ngân nhưng không giải ngân hết

Trong lĩnh vực thu ngân sách Nhà nước, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu các loại thuế, phí lệ phí, các khoản thu khác... vẫn diễn ra tại các đơn vị được kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước xác định số phải nộp ngân sách Nhà nước tăng thêm 3,841 nghìn tỷ đồng. 

Tổng nợ thuế do cơ quan thuế quản lý (chưa bao gồm nợ dầu thô và nợ ngoài ngành thuế) đến 31/12/2022 là hơn 158,914 nghìn tỷ đồng tăng 36% so với năm 2021. Tổng nợ thuế do cơ quan hải quan quản lý đến 31/12/2022 là hơn 7,298 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021;

Lũy kế từ khi thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 đến 30/6/2023, đã thực hiện khoanh, xóa nợ đối với 704.614 người nộp thuế với số tiền là hơn 28,398 nghìn tỷ đồng; xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với 390.074 người nộp thuế, với số tiền là hơn 8,773 nghìn tỷ đồng. Kết quả kiểm toán cho thấy, còn tình trạng khoanh, xóa chưa phù hợp với trạng thái tại website tracuunnt.gdt.gov.vn (cơ quan thuế và cơ quan hải quan); một số trường hợp người nộp thuế có ngày thay đổi thông tin gần nhất tại website tracuunnt.gdt.gov.vn sau ngày cơ quan hải quan ban hành quyết định khoanh nợ. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị cơ quan thuế, hải quan rà soát việc khoanh, xóa nợ thuế để xử lý theo quy định. 

Trong lĩnh vực chi ngân sách Nhà nước, còn tình trạng 44 dự án nguồn ngân sách Trung ương được kéo dài thời gian giải ngân, thanh toán từ năm 2021 sang năm 2022 nhưng không giải ngân hết trong năm 2022 phải hủy bỏ với số tiền 348,7 tỷ đồng và tiếp tục được bố trí kế hoạch vốn năm 2022 nhưng vẫn không giải ngân được, phải kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 là 611 tỷ đồng hoặc hủy bỏ 1,418 nghìn tỷ đồng, bằng 80% kế hoạch vốn giao năm 2022. 

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư tại một số bộ, cơ quan Trung ương thấp dưới 50% kế hoạch vốn được giao; tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi chỉ đạt 47%. Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Tài chính, khoản giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi trước năm 2019 chưa được ghi thu, ghi chi còn lớn (hơn 4,445 nghìn tỷ đồng), qua kết quả kiểm toán còn chênh lệch so với số báo cáo của Bộ Tài chính là hơn 3,268 nghìn tỷ đồng. 

Số nợ đọng xây dựng cơ bản đến ngày 31/12/2022 còn lớn, trong đó còn nợ đọng xây dựng cơ bản trước ngày 01/01/2015 tại các đơn vị được kiểm toán là hơn 2,163 nghìn tỷ đồng, năm 2022 còn để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. 

Trong hoạt động chi thường xuyên và các nguồn kinh phí khác, một số địa phương, ngân sách tỉnh hoặc ngân sách huyện giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc chưa giữ lại hoặc giữ lại chưa đủ 10% tiết kiệm; giao dự toán nhưng không có nhiệm vụ chi cụ thể; giao dự toán không có trong tiêu chí, định mức phân bổ dự toán hoặc vượt định mức chi thường xuyên của Hội đồng nhân dân tỉnh...

Quản lý, sử dụng một số nguồn kinh phí còn nhiều tồn tại

Việc quản lý, sử dụng một số nguồn kinh phí còn chưa đúng nhiệm vụ chi, sai nguồn; chưa trích lập, báo cáo đầy đủ nguồn cải cách tiền lương. Một số địa phương còn chưa hoàn trả ngân sách Trung ương đối với nguồn kinh phí bổ sung có mục tiêu và chương trình mục tiêu quốc gia còn tồn số tiền hơn 9,176 nghìn tỷ đồng; chưa thu hồi kịp thời các khoản tạm ứng từ ngân sách Trung ương; còn tình trạng tạm ứng kéo dài quá thời hạn chưa thu hồi; chưa bố trí dự toán để thu hồi các khoản ứng trước từ ngân sách địa phương. Một số khoản kinh phí viện trợ đã được bộ, cơ quan Trung ương tiếp nhận trong năm 2022 chưa được tổng hợp báo cáo bổ sung dự toán làm căn cứ quyết toán hơn 4,133 nghìn tỷ đồng. Một số dự án được bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương nhưng thực hiện chậm, đến thời điểm ngày 31/12/2023 chưa giải ngân hết kế hoạch vốn được giao là 572,6 tỷ đồng, nhưng chưa được các địa phương nộp ngân sách Nhà nước theo quy định. Một số địa phương sử dụng nguồn dự phòng ngân sách địa phương chi cho một số nhiệm vụ chưa phù hợp Điều 10 Luật Ngân sách Nhà nước là 53,94 tỷ đồng; bố trí dự phòng ngân sách tại cấp tỉnh hoặc cấp huyện chưa đảm bảo tỷ lệ quy định. 

Việc chi chuyển nguồn có xu hướng tăng cao so với năm trước (tăng 47,7% so với năm 2021). Nếu không tính chuyển nguồn nguồn cải cách tiền lương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thì chuyển nguồn năm 2022 sang năm 2023 là 426.952 tỷ đồng, tăng 55.917 tỷ đồng so năm 2021. Kết quả kiểm toán tại một số địa phương cho thấy còn chuyển nguồn kinh phí không phù hợp quy định hơn 11,785 nghìn tỷ đồng; một số địa phương chuyển thiếu hơn 12,665 nghìn tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương năm 2022 sang 2023; một số địa phương thực hiện chi chuyển nguồn chưa đủ thủ tục. 

Về nợ công, tính đến 31/12/2022, tổng số nợ công 3.557.668,28 tỷ đồng giảm 1,63% so với năm 2021, bằng 37,26% so với GDP. Các chỉ tiêu nợ công năm 2022 trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Nợ công bình quân đầu người là 35,77 triệu đồng/người giảm 0,94 triệu đồng/người so với năm 2021 (năm 2021 là 36,71 triệu đồng/người). 

Các bộ, ngành, địa phương quyết toán ngân sách chậm

Kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán còn cho thấy, một số bộ, cơ quan Trung ương lập báo cáo quyết toán chậm so với quy định; tổng hợp một số chỉ tiêu chưa chính xác; chưa gửi báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 về Kiểm toán Nhà nước trước ngày 01/10/2023 theo quy định. 

Một số chủ đầu tư tại các bộ, cơ quan Trung ương tổng hợp, lập báo cáo quyết toán chưa khớp đúng theo chỉ tiêu, số liệu; lập chưa đầy đủ theo mẫu biểu, thiếu thuyết minh, không đối chiếu hoặc đối chiếu, xác nhận với Kho bạc Nhà nước không đầy đủ; chậm gửi báo cáo quyết toán, tổng hợp quyết toán từ báo cáo quyết toán chưa được xét duyệt, chưa thể hiện ngành, lĩnh vực, còn thiếu nội dung, chưa điều chỉnh giảm số liệu kiến nghị đã thực hiện trên báo cáo quyết toán vốn đầu tư công niên độ 2022, không nộp báo cáo quyết toán niên độ, không lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước năm 2022...

Kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương cho thấy, một số địa phương hạch toán chuyển nguồn kinh phí không phù hợp quy định hơn 11,785 nghìn tỷ đồng (Kiểm toán Nhà nước đã điều chỉnh tương ứng tại báo cáo quyết toán của 39 địa phương, chi tiết tại mục chi chuyển nguồn). 

Kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022 trình Quốc hội cho thấy, tại 23 địa phương được kiểm toán, Hội đồng nhân dân phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách địa phương nhưng chưa điều chỉnh đầy đủ số liệu theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại các báo cáo kiểm toán, báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, trong đó có 12 địa phương chưa điều chỉnh giảm quyết toán, giảm chi chuyển nguồn ngân sách địa phương, giảm kết dư ngân sách địa phương để nộp trả ngân sách Trung ương số tiền hơn 1,488 nghìn tỷ đồng. 

Kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước điều chỉnh báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội chưa được Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh trong báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022 

Một số bộ, cơ quan Trung ương, địa phương gửi báo cáo quyết toán không đúng thời gian theo quy định; 06 bộ, cơ quan Trung ương đến thời điểm kết thúc kiểm toán (08/3/2024) Bộ Tài chính chưa có thông báo thẩm định số liệu quyết toán năm 2022. 

Hoàng Nam