Bộ Tài chính đang nghiêng về giải pháp thứ nhất là tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế SDĐNN và thời gian miễn thuế sẽ áp dụng trong 5 năm để phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp, đời sống khu vực nông thôn và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Dự kiến chủ trương này sẽ được Chính phủ lập đề nghị xây dựng dự án nghị quyết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua đề nghị bổ sung dự án nghị quyết vào Chương trình Xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 vào tháng 9/2024. Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua nghị quyết tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025).

Giảm thu khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, đồng thời hỗ trợ đối với nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa.

Việc miễn giảm thuế SDĐNN đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế...

Trong 20 năm qua, tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm trong giai đoạn 2003 - 2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011 - 2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017 - 2018 và đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021 - 2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.

leftcenterrightdel
 Nếu tiếp tục miễn thuế SDĐNN thêm 5 năm sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển nông nghiệp nông thôn. Ảnh: TQ

Để ngành nông nghiệp “bứt phá”

Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cho thấy, việc miễn thuế đã đạt hiệu quả trong từng giai đoạn. Nếu như giai đoạn đầu (giai đoạn 2001 - 2010) thực hiện miễn, giảm thuế SDĐNN, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam từ 1 con số đã tăng lên 2 con số.

Năm 2001, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 4,7 tỷ USD; năm 2005, đã tăng lên 8,5 tỷ USD, gấp 2,1 lần năm 2001; năm 2007 đạt 10,9 tỷ USD và đến năm 2010 đạt 19,15 tỷ USD (tăng gần 5 lần so với năm 2001). 

Giai đoạn tiếp tục mở rộng đối tượng được miễn, giảm thuế SDĐNN và tiến tới miễn thuế SDĐNN (2011 - 2018), kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc, góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa Việt Nam lọt vào top 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất trên thế giới.

Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 25 tỷ USD. Đến năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông sản đã đạt khoảng 40,5 tỷ USD (tăng 10 lần so với năm 2001). Trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2019, 2020 vẫn đạt con số ấn tượng 41,2 tỷ USD.

Giai đoạn kéo dài thời hạn miễn thuế SDĐNN theo Nghị quyết số 107/2020/QH14 (2021 - 2023) đã nâng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng từ 48,70 tỷ USD (năm 2021) lên 53,22 tỷ USD (năm 2022, 2023).

Chọn giải pháp nào “ích nước, lợi ngành nông”

Trước những kết quả đã đạt được, Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN trong thời gian tới như quy định hiện hành là cần thiết để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng nghị quyết để kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN trong 5 năm, kể từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030.

Sở dĩ chọn mốc 5 năm thay vì 10 năm, theo lý giải của Bộ Tài chính, Việt Nam đang trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhau.

leftcenterrightdel
 Nếu tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN sẽ giảm thu ngân sách khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. Ảnh: TQ

Do tác động nặng nề của dịch bệnh và biến động địa chính trị toàn cầu, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nửa đầu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 đã chậm lại đáng kể.

Theo báo cáo kinh tế giữa kỳ 2021 - 2025 của Quốc hội, việc đảm bảo phấn đấu đạt chỉ tiêu GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7% là rất khó khăn. Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã được ban hành góp phần làm thay đổi đáng kể nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Việc tiếp tục thực hiện miễn thuế trong thời hạn 5 năm 2026 - 2030 sẽ góp phần động viên người nông dân yên tâm sản xuất, thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phù hợp với Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, chu kỳ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt với cây lâu năm.

Ngoài ra, miễn thuế trong giai đoạn 5 năm cũng tương ứng và phù hợp với các điều kiện cam kết về hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần hỗ trợ cho người nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

 

 

 

 

Trần Quý