Năm 2020 dự kiến kim ngạch xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7%

Tham dự hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận về các lợi ích chiến lược và những điểm cần lưu ý đối với SMEs để thực thi hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA); các ngành hàng, các mặt hàng tiềm năng, và định hướng thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU); vai trò của chính quyền các cấp ở địa phương trong việc hỗ trợ các DN SMEs trên địa bàn quán triệt, triển khai thực thi hiệu quả EVFTA; định hướng hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ SMEs khai thác hiệu quả cơ hội mang lại từ EVFTA cũng như chia sẻ về việc tận dụng cơ hội và dự phòng thách thức từ EVFTA.

Ngày 30/3/2020, Hội đồng châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA. Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA vào ngày 8/6 tới đây.

Với hiệp định này, Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển duy nhất trên thế giới và là quốc gia thứ hai trong ASEAN có hiệp định thương mại tự do với EU - cộng đồng kinh tế hàng đầu trên thế giới với quy mô GDP lên gần 18.300 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 40% ngoại thương toàn cầu.

EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng mà Việt Nam tham gia, cam kết một cách bình đẳng với đối tác phát triển về mọi mặt.

Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta có sự chuẩn bị chủ động, kỹ lưỡng và bài bản cho việc thực thi một hiệp định EVFTA như lần này. Đây cũng là cơ hội để chúng ta có thể thúc đẩy quá trình tái cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu, tái cơ cấu các chuỗi cung ứng theo định hướng đa dạng hơn, bền vững hơn.

Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030, tập trung vào một số ngành như nhóm hàng nông sản; nhóm ngành chế biến, chế tạo; nhóm ngành dịch vụ.

Ngay trước mắt, với việc thực thi EVFTA, DN Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19 thời gian vừa qua.

Đồng thời cũng là cơ hội tốt giúp Việt Nam bước vào để lấp đầy chỗ trống trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây là tiền đề quan trọng để DN khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh.

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của DN Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.

Theo TS Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội SMEs Việt Nam, cơ hội mà EVFTA mang lại sẽ đi cùng với khó khăn, thách thức mà khi thực thi hiệp định, DN phải đối mặt. Để tận dụng tối đa các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại, đồng thời thực thi một cách nghiêm chỉnh các quy định của EVFTA, Chủ tịch Hiệp hội đề xuất Chính phủ cần đẩy nhanh tiến trình cải cách các thủ tục hành chính, cùng với đó là chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách cũng như chỉ đạo tăng cường triển khai tuyên truyền về nội dung của Hiệp định và hướng dẫn thực hiện các nội dung cam kết, các quy định nêu trong EVFTA.

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Trần Thanh Hải, việc thực thi EVFTA là một chiến lược dài hạn nhằm giúp DN Việt Nam, đặc biệt là SMEs tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh. Một số DN xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may, da giày, đồ nội thất, thủy sản có quy mô lớn và kinh doanh bài bản vào thị trường EU.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Công thương phát biểu tại Hội nghị "Hỗ trợ SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA". Ảnh: LP

Để việc thực thi hiệp định có hiệu quả, theo ông Hải, trong thời gian tới, một trong những việc các DN Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. Các DN cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU.

Cơ hội tái cấu trúc chuỗi cung ứng bị đứt gãy do covid-19

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do và khung khổ hội nhập cả song phương và đa phương mà Việt Nam đã đàm phán ký kết, phê chuẩn và tổ chức triển khai, đến nay, chúng ta có được tiến trình hội nhập hoàn chỉnh và toàn diện, đón bắt kịp thời xu thế phát triển chung của thế giới.

Những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, và mới đây nhất là EVFTA là những miếng ghép giúp Việt Nam hoàn thiện dần chiến lược hội nhập.

Theo Bộ trưởng, thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nói riêng, cùng với những khung khổ hội nhập trước đó, chúng ta đã có chiến lược hội nhập hoàn chỉnh với quan hệ thương mại tự do với 15/20 nền kinh tế lớn nhất của thế giới.

Như vậy những điều kiện để phát triển thị trường, đảm bảo được nhu cầu và năng lực sản xuất và cạnh tranh của nền kinh tế của các DN đang ngày càng gia tăng.

Những điều kiện ưu đãi về thuế quan về thuận lợi hóa thương mại, các điều kiện và những hàng rào kỹ thuật, cách tiếp cận thị trường cũng như gắn kết với các tập quán và hình thức thương mại văn minh và phát triển sẽ là nền tảng quan trọng cho nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường cho cộng đồng DN và SMEs.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đối với EVFTA, lần đầu tiên chúng ta đạt tới tỉ lệ ưu đãi cao nhất trong số các đối tác thương mại của Việt Nam. Có thể thấy, trong vòng 7 năm đầu tiên khi thực thi hiệp định, việc cắt giảm thuế quan cho các mặt hàng sản phẩm của Việt Nam sang EU lên tới 97%.

Theo đó, điều kiện cạnh tranh và năng lực cạnh tranh sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong bối cảnh chung của thế giới mới vẫn đang tiếp tục toàn cầu hóa đồng thời đang phải đối mặt với rất nhiều biểu hiện của bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đơn phương trong các quan hệ thương mại và hệ thống chính trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, những thuận lợi về cải cách thế chế và cơ chế hợp tác song phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện và khẳng định vị thế trung tâm của khu vực trong việc thu hút đầu tư để tiếp tục cải thiện trình độ công nghệ, trình độ nguồn nhân lực, năng suất lao động.

Thêm vào đó là những cơ hội tham gia vào tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng mới đang bị đứt gãy do Covid-19 và những tình huống mới trong bối cảnh chung của khu vực và toàn cầu...

Lê Phương