Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức.

Thông tin này được cho biết tại buổi họp báo về Diễn đàn Kinh tế- Xã hội năm 2023 sáng ngày 17/9.

Giải thích lý do lựa chọn chủ đề Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho hay, năm 2023, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái.

Trong nước, dù kinh tế vĩ mô duy trì ổn định nhưng tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn, một số động lực tăng trưởng suy giảm; thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản tiềm ẩn không ít rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường lao động gặp nhiều khó khăn.

“Đứng trước bối cảnh đó, đòi hỏi phải sớm có giải pháp ứng phó trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài”, ông Sơn nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các giải pháp đưa ra nhằm tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng để giúp đất nước tận dụng thời cơ, ứng phó, vượt qua thách thức, phát triển bền vững.

4 nội dung chính sẽ được bàn thảo

Ông Sơn thông tin, diễn đàn sẽ tập trung trao đổi, thảo luận 4 nhóm nội dung chính.

Đầu tiên là làm rõ bối cảnh quốc tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi, phát triển của kinh tế thế giới; chính sách kinh tế của các nước lớn, các đối tác thương mại chính của Việt Nam và tác động đến Việt Nam.

Thứ hai, đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và giai đoạn 3 năm 2021-2023; nhận diện các nút thắt, rào cản với sự phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm các vấn đề của đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, rào cản với doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường tài chính - tiền tệ…

Nhóm nội dung thứ ba là rà soát, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trong đó làm rõ các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm.

Cuối cùng là phát hiện, đề xuất các dư địa, tiềm năng phát triển; đồng thời đề xuất các giải pháp, chính sách để khơi thông nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra.

“Các ý kiến, tham luận tại diễn đàn sẽ là nguồn thông tin hữu ích cung cấp thêm luận cứ khoa học, thực tiễn để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra các nội dung thuộc chức năng; là nguồn thông tin đầu vào quan trọng để đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại kỳ họp thứ 6 sắp tới”, ông Sơn nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn nói thêm, thành công của Diễn đàn Kinh tế năm 2021 và năm 2022 đã để lại nhiều bài học quý, nhiều luận cứ khoa học có tính thực tiễn, cung cấp các thông tin, định hướng hữu ích, phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, điều hành, nhất là công tác hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước.

Ngoài phiên khai mạc và phiên bế mạc, Diễn đàn gồm 1 phiên toàn thể và 2 phiên chuyên đề, cụ thể gồm:

Phiên chuyên đề 1 với chủ đề: “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”;

Phiên chuyên đề 2 với chủ đề: “Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới”.

Phiên toàn thể và tọa đàm cấp cao với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu khai mạc, tham dự phiên toàn thể và phát biểu kết luận, bế mạc diễn đàn.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng thay mặt các cơ quan đồng chủ trì phát biểu đề dẫn.

Hương Giang