Tác động tích cực lẫn tiêu cực

Hiện, Quảng Trị đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo miền Trung với hàng loạt các dự án điện gió đã và đang được triển khai. Để phát triển bền vững và định hướng lâu dài, Quảng Trị đã triển khai nhiệm vụ đánh giá tổng thể tác động của các dự án điện gió đến môi trường, tài nguyên môi trường và kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nhiệm vụ do liên danh Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế và Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng và Khoáng sản DICO thực hiện từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2022. Tổng kinh phí nhiệm vụ gần 2,7 tỷ đồng.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh: Mục tiêu của nhiệm vụ đặt ra nhằm đánh giá được các tác động tổng hợp đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế - xã hội của các dự án phát triển điện gió trên địa bàn. Từ đó, làm cơ sở đề xuất các giải pháp, chiến lược phát triển bền vững năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và xây dựng được cơ sở dữ liệu về điện gió phục vụ công tác quản lý, giám sát… quy hoạch và phát triển, bảo vệ môi trường bền vững ở các địa phương.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Minh Tân

Báo cáo tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Hợp, Trường Đại học Huế, đại diện nhóm chuyên gia thực hiện nhiệm vụ cho biết: Đối tượng thực hiện nhiệm vụ là 31 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch và cấp chủ trương đầu tư với tổng công suất 1.177,2 MW. Trong đó, có 19 dự án đã đi vào hoạt động và 12 dự án đang trong quá trình thi công tại 3 huyện Hướng Hóa, Đakrông và Cam Lộ.

Với hàng loạt dự án điện gió đi vào hoạt động đã mang lại sự thay đổi lớn cho khu vực miền núi khó khăn của tỉnh Quảng Trị. Qua điều tra tại 247 hộ (thuộc 10 xã, tại 31 điểm triển khai dự án điện gió) và 31 cán bộ quản lý, cho thấy việc triển khai các dự án điện gió đã có những tác động tích cực đến kinh tế - xã hội của địa phương.

leftcenterrightdel
 Với 80km đường được làm mới, cải tạo từ các dự án điện gió đã tạo điều kiện đi lại, phát triển cho người dân vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Minh Tân

Trong đó, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, tăng việc làm cho một bộ phận lao động (dù chỉ tạm thời), có kinh phí đền bù để sử dụng các mục đích khác nhau.

Đặc biệt, với 80km đường được làm mới, cải tạo từ các dự án điện gió với mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng đã tạo điều kiện phát triển, đi lại cho người dân vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ và hiện đại hóa nông lâm nghiệp ở các huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Trị.

Cơ sở để Quảng Trị phát triển bền vững

Trên cơ sở nhận nhận diện các tác động, kết hợp phân tích sự phù hợp của quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, nhóm thực hiện nhiệm vụ cùng các nhà nghiên cứu, chuyên gia đã đề xuất chiến lược và các giải pháp phát triển điện gió bền vững trong giai đoạn 2022 - 2025 và đến năm 2030.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đồng ý với các giải pháp mà nhóm thực hiện nhiệm vụ đưa ra với các dự án sẽ được triển khai. Trong đó, cần hạn chế đầu tư phát triển ở các vùng được xác định có nguy cơ sạt lở cao; thực hiện các giải pháp kỹ thuật chống sạt lở đất, kiểm soát ô nhiễm môi trường và bảo vệ đa dạng sinh học, kết hợp với các giải pháp khác.  

Ngoài ra, cần thực hiện các giải pháp hỗ trợ khác, bao gồm: Sinh kế và việc làm của các hộ bị thu bồi đất và ưu tiên sử dụng lao động tại chỗ; thống nhất quy định về thu hồi và đền bù đất; sớm ổn định chỗ ở cho  các hộ dân phải di dời; chính quyền phối hợp với chủ  đầu tư dự án thực hiện công tác truyền thông để giải thích rõ các tác động tích cực và tiêu cực của phát triển điện gió. 

Theo PGS.TS Võ Văn Minh, Đại học Đà Nẵng, nhiệm vụ được thực hiện sẽ giúp tỉnh Quảng Trị có căn cứ để quyết định cấp phép, hoạch định phát triển kinh tế - xã hội, triển khai các dự án sinh kế, an sinh xã hội… Qua đó, hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường thông qua các biện pháp kiểm soát một cách khoa học được những ô nhiễm về môi trường, đất và không khí.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo UBND Quảng Trị phát động lễ trồng cây xanh tại dự án điện gió. Ảnh: Minh Tân

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh: Để tiếp tục phát triển các dự án điện gió trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến của các thành viên nhằm hoàn thiện báo cáo trước khi nghiệm thu, công bố, chuyển giao kết quả của nhiệm vụ để các sở, ngành, địa phương quản lý, khai thác có hiệu quả; chủ động đề xuất các hướng nghiên cứu chuyên sâu hơn theo khuyến cáo của nhiệm vụ để tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện và làm cơ sở cho quy hoạch cho phát triển bền vững trên địa bàn toàn tỉnh về lâu dài.

Hội thảo là bước quan trọng để địa phương đánh giá được được tổng thể những tác động của các dự án điện gió đã và đang, sẽ triển khai. Từ đó, để các cấp quản lý, chính quyền địa phương, ngành chức năng có những kết quả khoa học, đầy đủ nhằm phát triển bền vững trong tương lai như lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng đã nhiều lần khẳng định ''không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế''.

Minh Tân