Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, những tháng vừa qua là khoảng thời gian đầy khó khăn, thách thức đối với chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng. Kể từ ngày 3/5/2021, Đà Nẵng đã ghi nhận hơn 4.800 ca nhiễm Covid-19. Để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, TP đã triển khai xây dựng kịch bản tiếp cận phù hợp, tuỳ theo tình hình diễn biến của dịch bệnh trong từng giai đoạn.

Tháng 7/2021, sự xuất hiện của biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm và phức tạp đòi hỏi phải áp dụng các biện pháp cấp bách và nghiêm ngặt để khống chế dịch bệnh. Với quan điểm bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, từ ngày 16/8, TP đã thực hiện đợt phong tỏa “chưa từng có trong tiền lệ” với hàng loạt yêu cầu đặt ra cao hơn Chỉ thị 16/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong 20 ngày, toàn TP đã tạm dừng hầu hết mọi hoạt động, thực hiện triệt để biện pháp “ai ở đâu ở yên đó”; đồng thời áp dụng nghiêm ngặt quy trình “3 tại chỗ” với số lượng nhân công cho phép tối đa 30% nhằm duy trì sản xuất tối thiểu, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng và hoạt động của doanh nghiệp.

Hiện nay, tuy vẫn còn những ca lây nhiễm, nhưng nằm trong phạm vi hẹp, trong các khu vực có khả năng kiểm soát. Với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp quyết liệt, đến nay công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng đã đạt được mục tiêu khống chế được nguồn lây trên phạm vi toàn TP, từng bước mở lại các hoạt động phục hồi và phát triển kinh tế.

Lãnh đạo TP ghi nhận và cảm ơn các doanh nghiệp đã thấu hiểu, chia sẻ và “đồng cam cộng khổ” cùng chính quyền, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch. Việc triển khai các mô hình “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đến” đã gây gia tăng chi phí và phát sinh nhiều vấn đề trong vận hành nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều rất chủ động xây dựng phương án thích nghi với bối cảnh dịch bệnh và phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Chính sự nỗ lực của các doanh nghiệp đã giúp đảm bảo “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận rằng, các biện pháp mạnh nhằm khống chế dịch bệnh vừa qua đã tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP. Nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí giải thể. Thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, chính quyền TP đã nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất trong phạm vi thẩm quyền cho phép để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Mặc dù vậy, nhiều giải pháp khi triển khai trong thực tế vẫn còn lúng túng, gây không ít trở ngại cho doanh nghiệp. Điều này khiến cho lãnh đạo TP không khỏi trăn trở, suy nghĩ.

Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh xác định, “sức khoẻ” của doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu quyết định đến khả năng phục hồi của nền kinh tế; đặc biệt sức mạnh nội lực đến từ các doanh nghiệp trong nước có ý nghĩa quan trọng vì đây chính là nhân tố bảo đảm việc phát huy hiệu quả các nguồn ngoại lực, tạo thành nguồn lực tổng hợp to lớn cho phát triển.

Những ý kiến phản hồi, góp ý, hiến kế của đại biểu sẽ là nguồn tư liệu quan trọng để TP có cơ sở nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp hiệu quả hơn, thiết thực hơn để từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phạm vi thẩm quyền; đồng thời nghiên cứu, đề xuất các cơ quan bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết những vấn đề ngoài phạm vi cho phép.

Tại hội nghị này, Đà Nẵng cũng giới thiệu Dự thảo Kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Giống như phương châm chống dịch “không để ai bị bỏ lại phía sau”, lãnh đạo TP cam kết sẽ nỗ lực để “không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau”, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất - kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Đà Nẵng sẽ có đủ sức mạnh, sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại, dù là khó khăn nhất, sớm phục hồi mạnh mẽ và bước vào trạng thái bình thường mới, phát triển bền vững.

Chiều nay, Đà Nẵng tổ chức phiên đối thoại với các hội, hiệp hội, doanh nghiệp FDI.

N. Phó - Q. Thân