Năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số xác định là Năm Dữ liệu số quốc gia, trong đó, tập trung phát triển dữ liệu mở, cơ sở dữ liệu; phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.

Xây dựng cơ sở dữ liệu số và những thành quả bước đầu

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hệ thống Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an triển khai đã kết nối, chia sẻ dữ liệu cho 15 bộ, ngành, 63 địa phương, 4 doanh nghiệp, phục vụ hơn 1,3 tỷ lượt yêu cầu tra cứu, 537 triệu lượt đồng bộ thông tin. Nhờ đó, thời gian đăng ký khám chữa bệnh trung bình từ 10 phút đến vài giờ đã giảm còn khoảng 10 giây; thời gian đón tiếp bệnh nhân ước tính giảm được hơn 1 giờ so với trước; thời gian chờ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi từ 5 ngày còn 2 ngày...

Đến hết năm 2023, triển khai 81% thủ tục hành chính là dịch vụ công trực tuyến, trong đó 48,5% là dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt 38,3%. Ước tính tiết kiệm được gần 37 triệu giờ làm việc, tương đương với tiết kiệm được 1.274 tỷ đồng.

Cùng với việc Cơ sở Dữ liệu số được xây dựng và liên tục được tích lũy, làm giàu thêm theo thời gian, các văn bản quy định, hành lang pháp lý về quản lý, sử dụng và chia sẻ dữ liệu số cũng dần được ban hành, hoàn thiện: Luật Giao dịch Điện tử 2023; Nghị định số 47/2020/NĐ-CP quy định về các hoạt động quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước; Nghị định số 13/2023/NĐ-CP quy định việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh với tốc độ vào khoảng 20%, nhanh gấp 3 lần tăng GDP, tuy nhiên, tốc độ tăng này được dự báo sẽ chậm lại trong một vài năm tới. Kinh tế số ngành, lĩnh vực là không gian mới, tiềm năng để tỉ trọng kinh tế số đạt 20% vào năm 2025, 30% vào năm 2030. Việt Nam có những ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh trong thời gian tới như: Nông nghiệp, Du lịch, Dệt may, Logistics và Công nghiệp chế biến, chế tạo.

Nông nghiệp tiếp cận xu thế “chạm để kết nối”

Ngành Nông nghiệp Việt Nam với mức tăng trưởng bình quân đạt 3,5%/năm, mức cao ở khu vực châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Cả nước có hơn 19.000 hợp tác xã nông nghiệp. Phát triển kinh tế số nông nghiệp sẽ giải quyết được các vấn đề về kết nối các cơ sở sản xuất (vùng trồng, hợp tác xã, nhà máy chế biến…), hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp số toàn trình, từ đó nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam. 

Tại Hội nghị Tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, tư duy quản trị số, điều hành số có thể chưa đưa vào hoạt động đồng bộ, đồng loạt ngay, nhưng cần bắt đầu được lan tỏa và thẩm thấu, tổng hợp vào kế hoạch hành động năm, qua các phần việc cụ thể, khả thi của các cơ quan, đơn vị ngành NN&PTNT.

"Năm 2024, Bộ NN&PTNT mạnh dạn tiếp cận xu thế “chạm để kết nối”: Kích hoạt tư duy “số hóa” trong quản trị ngành, điều hành ngành, từng bước làm quen với việc thu thập, xử lý dữ liệu, phân tích thông tin trên các thiết bị thông minh".

“Chạm để kết nối”: Các thiết bị thông minh, với số hóa trong nông nghiệp; sản xuất đến thị trường theo tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị; cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền địa phương với cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hợp tác xã, người sản xuất, bà con nông dân; nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn với nông nghiệp số; cùng nhau hợp lực, vì sứ mệnh “tam nông”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định. 

leftcenterrightdel

Trải nghiệm du lịch Đà Nẵng bằng công nghệ thực tế ảo VR360. Ảnh: HN 

Số hóa các dữ liệu để tăng sức hấp dẫn của các điểm đến

Trong khi đó, ngành Du lịch Việt Nam năm 2023 đã đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt 57% so với mục tiêu ban đầu; khách nội địa đạt 108 triệu lượt, vượt 6% so với kế hoạch. Tổng thu từ du lịch ước đạt 678 nghìn tỷ đồng, vượt 4,3% so với kế hoạch.

Năm 2024, ngành Du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.

Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, đến hết năm 2023, cả nước có 3.921 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 37.331 hướng dẫn viên du lịch; khoảng 38.000 cơ sở lưu trú du lịch với 780.000 buồng, trong đó có 247 cơ sở hạng 5 sao với 80.896 buồng và 368 cơ sở hạng 4 sao với 50.716 buồng.

Với dữ liệu thống kê nêu trên, cần thiết phải phát triển một nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, để cung cấp cho các chủ cơ sở lưu trú và chủ khu vui chơi công cụ quản trị, vận hành, khai thác hiệu quả; các đại lý du lịch, doanh nghiệp lữ hành hay khách du lịch kiểm tra trạng thái và chủ động đặt trực tuyến một cách nhanh chóng, thuận tiện, tối ưu về chi phí. Dữ liệu lớn, tập trung là điều kiện để ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để thông minh hóa, tạo ra các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo.

Trên thực tế, tại nhiều địa phương cũng đã từng bước ứng dụng công nghệ số vào phục vụ du lịch, hướng đến phát triển du lịch thông minh: Chuẩn hóa nội dung về điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch; phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động; ứng dụng công nghệ thực tế ảo và các công nghệ tiên tiến khác nhằm tăng giá trị và sức hấp dẫn của điểm đến, các sản phẩm du lịch của địa phương.

Việc xây dựng nền tảng dữ liệu trực tuyến, trên cơ sở số hóa dữ liệu du lịch sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin, cập nhật, chia sẻ dữ liệu, thông tin về hoạt động du lịch, vui chơi, ăn uống, mua sắm… góp phần hình thành hệ sinh thái du lịch trực tuyến, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, phù hợp với xu thế phát triển du lịch trong thời đại công nghệ số.

Tối ưu chi phí logistics để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa

leftcenterrightdel

Tối ưu hóa chi phí logistics sẽ giúp gia tăng sức cạnh tranh cho những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Ảnh: TTM

Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics Việt Nam vẫn còn thấp, 89% doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp trong nước với quy mô vừa và nhỏ là chủ yếu (chiếm 95%), nhưng chỉ chiếm khoảng 30% thị phần. Chi phí logistics của Việt Nam hiện cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới (tương đương khoảng 18% GDP, trong khi mức bình quân thế giới là 14%), trong khi mức đóng góp vào GDP chỉ từ 4 - 5%,...

Cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan để đánh giá, công bố nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh vận tải nhằm thiết lập tuyến đường vận chuyển tốt nhất cho các đơn hàng dựa trên dữ liệu đầu vào như: Lượng đơn hàng, tình hình giao thông, thời gian giao dự tính, vị trí các trạm kiểm soát, khung giờ giao hàng của từng đơn, số lượng và trọng tải xe. Tối ưu hóa tuyến đường giao hàng là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm thiểu chi phí logistics, vì vậy, cần được thực hiện toàn trình, xuyên suốt toàn bộ quá trình vận chuyển hàng hóa từ các cảng biển, cửa khẩu, kho bãi tới tận tay người tiêu dùng và ngược lại - Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất giải pháp.

 Các chuyên gia cho rằng, chi phí logistics cao dẫn đến giá thành các sản phẩm xuất khẩu cũng bị đội lên theo, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa. Đặc biệt là đối với các mặt hàng của nông sản Việt Nam, vốn là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, nhưng công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa cao nên muốn đưa vào các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản… thường phải vận chuyển bằng đường hàng không, chi phí rất đắt đỏ mất lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh.

Hoàng Nam