Tại hội nghị, các đại biểu dự họp đã thảo luận về các nhiệm vụ đã giao trong năm 2023. Trong đó, các bộ, địa phương cần tích cực tiếp tục triển khai 14 nhiệm vụ chưa hoàn thành và đề xuất các nhiệm vụ cần thiết cho hoạt động của Hội đồng điều phối vùng trong năm 2024.

Góp ý cho các cơ chế, chính sách đặc thù của Vùng ĐBSCL, bởi đây là các nhiệm vụ cần sự nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan, có thời gian triển khai trong năm tiếp theo.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án đã triển khai, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đề ra; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư, đề xuất các cơ chế, chính sách, gồm cả cơ chế, chính sách đặc thù để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Mỗi địa phương trong Vùng ĐBSCL cần xây dựng các kịch bản, giải pháp chủ động ứng phó cho riêng địa phương mình và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp có tính liên vùng, liên quốc gia; đồng thời cần ưu tiên nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để xây dựng đầu tư các dự án bảo vệ vùng nước ngọt, các dự án đảm bảo an ninh nguồn nước, công trình cấp nước.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.C 

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Quy hoạch Vùng ĐBSCL đã được ban hành sớm nhất so các vùng trên cả nước, là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai các chương trình, dự án quan trọng của vùng trong thời kỳ quy hoạch.

Với tổng số 363 chương trình, dự án của quy hoạch được xác định, đây là những dự án lớn, quan trọng, có tính chất dẫn dắt, có tác dụng lan tỏa sẽ ưu tiên tập trung đầu tư trước, đầu tư dứt điểm và đưa vào sử dụng để làm mồi dẫn thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách; trong đó hạ tầng giao thông được xác định là một trong những khâu đột phá chính cho phát triển kinh tế - xã hội vùng nói chung và thúc đẩy liên kết vùng nói riêng với tổng số 116 dự án.

Quy hoạch vùng đã định hướng từng bước thay đổi tư duy về an ninh lương thực từ việc phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa là chính sang mô hình thủy sản - trái cây - lúa gạo nhằm tăng giá trị và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, Vùng ĐBSCL là vùng đầu tiên trong 6 vùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng và ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch, 13/13 tỉnh, thành phố thuộc Vùng đã được phê duyệt quy hoạch tỉnh và hoàn thành tổ chức công bố quy hoạch.

Đây là Vùng đầu tiên được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13 ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng ĐBSCL đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: H.C 

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của Vùng ĐBSCL về kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ra...

Để phát triển Vùng ĐBSCL trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đề ra các giải pháp phù hợp với từng thời điểm để đón nhận thời cơ mới, vận hội mới nhằm phấn đấu đạt kết quả cao nhất về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển các ngành, lĩnh vực nói riêng.

Từng bước cụ thể hóa tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 và các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Từ đó mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị cho toàn Vùng ĐBSCL, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có nhằm tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, khó khăn và thách thức.

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình Hành động của Chính phủ về phát triển Vùng ĐBSCL, mặc dù nền kinh tế phải đối mặt với không ít rủi ro, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh; thiên tai, sạt lở diễn biến phức tạp nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của vùng có nhiều kết quả khả quan:

Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 6,37%, đứng thứ 2/6 vùng trên kinh tế; cao gấp gần 1,3 lần so bình quân chung cả nước; GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 72,32 triệu đồng/người, tăng 10,1% so với năm 2022 là 65,69 triệu đồng/người.

Cơ cấu kinh tế vùng tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng các ngành nông, lâm nghiệp giảm dần; công nghiệp - xây dựng có xu hướng tăng; khu vực dịch vụ tăng nhẹ. Cơ cấu của 3 khu vực năm 2023 lần lượt là 30,05%; 27,62%; 37,07% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 5,26%.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 4,15%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước là 5,71%.

Môi trường kinh doanh được cải thiện, toàn vùng có 8/13 địa phương nằm trong nhóm 30 các địa phương có Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI tốt nhất, trong đó, Long An là địa phương bứt phá mạnh mẽ, đứng thứ 2 về chỉ số PCI năm 2023 sau Quảng Ninh.

Tốc độ tăng GRDP 6 tháng đầu năm 2024 toàn vùng ước đạt 6,12%; một số địa phương trong vùng đạt mức khá như Trà Vinh tăng 10,27%, Hậu Giang tăng 8,04%, Cà Mau tăng 6,96%.


Thanh Lương