Theo UBND tỉnh Bình Dương, tình hình năm 2023 diễn ra trong điều kiện khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và cơ hội. UBND tỉnh đã sớm dự báo, nhận định tình hình từ những tháng cuối năm 2022, đã nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với HĐND tỉnh. Trong điều hành đã bám sát thực tiễn, thường xuyên lắng nghe ý kiến phản ánh, góp ý của người dân, doanh nghiệp để triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực…

Kết quả tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã từng bước phục hồi tích cực qua từng tháng, từng quý và đạt nhiều kết quả khả quan, cơ bản đạt mục tiêu tổng quát đã đề ra. Tăng trưởng GRDP có sự chuyển biến rõ nét. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của toàn nền kinh tế, chiếm hơn 66% cơ cấu và đóng góp khoảng 70% vào mức tăng tổng giá trị thêm; khu vực dịch tăng trưởng mạnh mẽ, khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định.

Lĩnh vực thương mại và dịch vụ phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. Các hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí diễn ra sôi động; nguồn cung hàng hóa dồi dào; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát. Tiếp tục chuyển giao ứng dụng công nghệ phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

UBND tỉnh cũng cho biết, trong năm 2023, Ban Chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và các dự án bất động sản đã tổ chức 14 phiên họp để tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các dự án phát triển đô thị, dự án bất động sản, khu công nghiệp và hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Tỉnh cũng tích cực phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2023 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

leftcenterrightdel
 Năm 2023, khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của toàn nền kinh tế tỉnh Bình Dương

So với năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 11%, vốn đăng ký doanh nghiệp trong nước và vốn đầu tư nước ngoài đạt khá, đầu tư công đạt giá trị giải ngân cao hơn gần 9.400 tỷ đồng so với cùng kỳ. Công tác quản lý thu chi ngân sách Nhà nước cơ bản đảm bảo dự toán để bổ sung cho đầu tư phát triển; chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. Các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các chính sách lãi suất và cải tiến thủ tục hỗ trợ tích cực nhu cầu vốn cho doanh nghiệp.

UBND tỉnh cũng thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, lao động có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công trong dịp Tết, các ngày lễ, kỷ niệm; thường xuyên nắm tình hình và tổ chức kết nối cung - cầu lao động cũng như hỗ trợ người lao động gặp khó khăn và chuyển đổi ngành nghề phù hợp.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; từng bước tháo gỡ khó khăn trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc và thiết bị vật tư y tế; giáo dục ngoài công lập tiếp tục phát triển; chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được nâng lên; các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động văn hóa, văn nghệ, được tổ chức an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, vui tươi.

Đặc biệt, đề án thành phố thông minh, Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương được ICF vinh danh tiêu biểu năm 2023 (top 1 ICF 2023). Cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; kịp thời rà soát, nghiên cứu sửa đổi, ban hành mới các chính sách đặc thù cũng như kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên một số ngành, lĩnh vực; nâng cao chất lượng các nội dung trình HĐND tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo…

leftcenterrightdel
Năm 2024, tỉnh Bình Dương phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 9-10%

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, UBND tỉnh Bình Dương cho biết về một số vấn đề khó khăn, tồn tại đã gặp phải trong năm 2023 như: Diễn biến bất lợi, khó lường của tình hình kinh tế, chính trị thế giới đã làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và thu hút đầu tư của tỉnh. Một số doanh nghiệp vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19 thì nay gặp khó khăn mới về đơn hàng bị giảm mạnh, tồn kho tăng, khó tiếp cận vốn, chi phí lãi vay cao, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự…

Các thị trường xuất khẩu chủ lực, truyền thống bị suy giảm hoặc tăng thấp; nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất đều giảm sâu. Tiến độ triển khai lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, các đề án lớn của một số ngành chậm so với kế hoạch và yêu cầu thực tiễn…

Thu ngân sách cơ bản đảm bảo dự toán nhưng thu từ sản xuất kinh doanh, thu xuất nhập khẩu giảm so với cùng kỳ. Mặt bằng lãi suất giảm nhưng tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn…

Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp còn chưa chặt chẽ; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất của các đơn vị hoặc giữa các phòng, ban của 1 đơn vị khi thực thi công vụ, gây ách tắc trong việc giải quyết thủ tục hành chính, mất đi cơ hội, quyền lợi, giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp. Tình trạng khiếu nại, khiếu kiện liên quan các dự án bất động sản, dự án treo, quy hoạch treo thường xuyên, kéo dài…

Năm 2024, UBND tỉnh Bình Dương đưa ra 36 chỉ tiêu chủ yếu phấn đấu đạt được. Trong đó, chỉ số GRDP sẽ tăng từ 8 tới 8,5% so với năm 2023, GRDP bình quân đầu người đạt 185,5 triệu đồng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trên 8,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 9-10%, tổng thu ngân sách đạt 71.600 tỷ đồng, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.800 triệu USD…

Chu Tuấn