Tại tuyến đê hữu sông Thị Long đoạn qua xã Các Sơn, thị xã Nghi Sơn có chiều dài 5,4km, bảo vệ cho khoảng 700 ha đất sản xuất nông nghiệp và khu dân cư trong vùng. Tuyến đê có mặt cắt nhỏ, bề rộng từ 2,8 - 4m, chưa đảm bảo theo quy hoạch, đặc biệt đoạn từ km2+258 - km 3+758 một số vị trí bị sạt lở, mặt để chưa được gia cố, lầy lội trong mùa mưa lũ, không đảm bảo trong công tác phòng, chống thiên tai, nhất là khi có bão, lũ kết hợp chiều cường dâng cao và hồ Yên Mỹ xả lũ uy hiếp đến an toàn của công trình đê điều. Do đó, tuyến đê hữu sông Thị Long đoạn qua xã Các Sơn cần được bố trí vốn đầu tư nâng cấp để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân trong vùng là rất cần thiết.

Ở huyện Thọ Xuân, đoạn đê bờ hữu sông Chu, hạ lưu đạp Bái Thượng thuộc các xã Xuân Bái và Thọ Xương là khu vực có đông dân cư tập trung sinh sống, vào mùa mưa, nhất là khi có xả lũ dòng chảy hướng thẳng vào bờ gây hiện tượng sạt lở, nhiều vị trí sạt đứng thành và tiếp tục có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân và các công trình hạ tầng trong khu vực. Người dân và chính quyền nơi đây kiến nghị và mong muốn Nhà nước sớm đầu tư vốn để đầu tư công trình kè chống sạt lở bờ sông Chu, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân mỗi khi mùa mưa lũ về.

Theo khảo sát tại huyện Nông Cống, tuyến đê tả sông Yên đoạn từ Km 0 - K1+210 thuộc địa phận thị trấn Nông Cống có nhiệm vụ bảo vệ cho diện tích 1.119 ha và 6.229 người, đồng thời kết hợp tuyến đường giao thông kết nối với huyện miền núi Như Thanh.

Thực tế cho thấy, đây là đoạn đê sát sông, đoạn đê này đã được gia cố nhưng nhiều đoạn hư hỏng, xuống cấp, chưa đảm bảo bề rộng theo quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Ngoài ra, trên tuyến đề này còn có trạm bơm Hà Phú nằm tại Km 1+200 đang tưới nước cho 75 ha đất nông nghiệp, đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng cần cũng cần được Nhà nước đầu tư vốn nâng cấp.

Tương tự, tại khu vực bờ tả sông Mã, mặc dù đã được Nhà nước đầu tư xây dựng kè bảo vệ vào năm 2010. Mùa mưa lũ năm 2013 kè bị hư hỏng đoạn dài 80m, mái kè, mặt mái cơ bị lún sập cục bộ nhiều đoạn, sau lũ  năm 2018 xói trôi phần đất vườn nhà dân, đỉnh kè lở đứng thành có nguy cơ uy hiếp đến an toàn của khu dân cư sống ở khu vực lân cận. Trong những năm qua, khu vực này được xác định là trọng yếu cấp huyện, nên việc Nhà nước cần “rót vốn” đầu tư là rất cần thiết.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng và người dân, khu vực này nếu được đầu tư thì cần lựa chọn đơn vi tư vấn có đủ năng lực, nhiều kinh nghiệm trong khảo sát, thiết kế công trình bảo vệ bờ có điều kiện tương tự. Đồng thời, phải tổ chức nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng khu vực dự kiến đầu tư, xác định nguyên nhân gây hư hỏng công trình đã đầu tư trước đây, trên cơ sở đó lựa chọn giải pháp đầu tư phù hợp để đảm bảo tính bền vững của công trình, phát huy tốt hiệu quả của đầu tư.

Tại huyện Hậu Lộc, tuyến đê tả Cẩm Lũ đoạn từ K2+300 đến K2+760 có nhiệm vụ bảo vệ tài sản, tính mạng cho 700 hộ dân và diện tích 150 ha đất thuộc các thôn Lam Hạ, Yên Thường, Bộ Đầu, xã Thuần Lộc. Mặc dù tuyến đê này đã được cứng hóa mặt đê nhưng do dòng chảy sát bờ, xói vào chân đã làm mái đê phía sông bị sạt lở, nhiều vị trí xói vào mét đường bê tông, gây ảnh hưởng đến an toàn công trình đê điều.

Ở đây còn có công trình cống Lam Hạ tại Km2+534 cũng đã bị hư hỏng, xuống cấp vì đã đầu tư từ những năm 1976 nên cần được Nhà nước đầu tư vốn sửa chữa, nâng cấp.

Trước thực trạng này các ngành đã kiểm tra thực tế và có đề xuất cụ thể gửi UBND tỉnh Thanh Hóa để bố trí nguồn vốn đầu tư, khắc phục những tuyến đê có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, gây nguy hiểm cho tài sản, tính mạng của người dân mỗi khi mùa lũ về.

Văn Thanh