Sáng ngày 9/6, QH họp ở hội trường nghe tờ trình, thẩm tra, sau đó thảo luận tại tổ việc điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án thành phần đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 từ phương thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công từ ngân sách Nhà nước.

Trong một diễn biến có liên quan, mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất chỉ định Tổng Công ty Sông Đà thi công một số đoạn cao tốc Bắc - Nam. Được biết tới là “ông lớn” Nhà nước trong ngành Xây dựng, song doanh nghiệp này đang rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính với khoản nợ lên đến hơn 11 nghìn tỷ đồng.

Trao đổi với báo chí bên hành lang QH ngày 8/6, ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng.

“Chỉ định thầu luôn có biểu hiện không lường được là lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích doanh nghiệp; đồng thời không dễ rà soát được đối tượng chỉ định thầu đó có đúng hay không”, ông Phương nhận định.

ĐBQH Đoàn Quảng Bình nêu rõ quan điểm, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam được ĐB, cử tri cả nước quan tâm. Nếu chỉ định doanh nghiệp thua lỗ, nợ vốn, năng lực cạnh tranh hạn chế thi công thì ông “hoàn toàn không đồng tình”.

Trước tình hình của Tổng Công ty Sông Đà, theo ông Phương, "không nên có các giải pháp giúp đỡ, nâng đỡ như vậy". Thay vào đó, ông Phương nhấn mạnh, cơ quan quản lý cần xem lại trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị khi để tồn tại, xảy ra tình trạng nợ quá lớn.

Nhấn mạnh quy định luật pháp là công khai minh bạch, khuyến khích cạnh tranh, theo các ĐBQH tại các dự án đầu tư có thể chỉ định thầu hoặc đấu thầu công khai.

Vì thế, hồ sơ thầu khi đưa ra phải nêu những tiêu chí rõ ràng cụ thể tránh lợi ích nhóm, bảo đảm chọn được các nhà đầu tư đủ năng lực chuyên môn trong thi công, vốn.

leftcenterrightdel
Ông Đỗ Văn Sinh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của QH. Ảnh: TN 
 

“Chỉ định thầu, hay đấu thầu đều phải minh bạch, xác định được tiêu chí. Thứ nhất phải có năng lực thi công, thứ 2 phải có năng lực tài chính. Không có năng lực tài chính thì lấy đâu để thi công? Rõ ràng đây là câu chuyện hồ sơ mời thầu đặt ra và người quyết định hồ sơ mời thầu phải chịu trách nhiệm về điều đó”, ông Đỗ Văn Sinh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của QH nêu.

Theo ông Sinh, về nguyên tắc thì ưu tiên đấu thầu vì “sẽ chọn được những nhà thầu đủ năng lực, trình độ để triển khai tốt nhất theo yêu cầu của gói thầu”. Trường hợp khác cũng có thể chỉ định thầu nhưng chỉ định ai thì vẫn phải đáp ứng yêu cầu “đủ năng lực”.

“Rõ ràng, người khoẻ về mọi mặt thì sẽ làm tốt hơn”, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của QH ví von và nêu rõ, pháp luật đã quy định trách nhiệm của từng người, từng cấp. Chỉ định doanh nghiệp mà mai kia thi công chậm trễ thì trách nhiệm là của người chỉ định thầu.

Ông Đỗ Văn Sinh cũng cho hay, ông rất băn khoăn khi điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án thành phần đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam từ phương thức PPP sang đầu tư công.

“Tại kỳ họp này, QH sẽ thông qua Luật PPP với mục tiêu thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, tăng nguồn lực tài chính và năng lực quản trị để hiệu quả hơn, minh bạch hơn. Nhưng cũng kỳ họp này lại chuyển một số dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công. Cho nên, cần phải cung cấp thông tin đầy đủ cho ĐBQH, cũng như giải trình thuyết phục”, ông Sinh nêu.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế nói thêm, thực tế thời gian qua, gần như tất cả các dự án đầu tư công đều chậm tiến độ. Trong khi, “nhà đầu tư đấu thầu theo hình thức PPP người ta triển khai rất nhanh” như Sân bay Vân Đồn do doanh nghiệp tư nhân thực hiện hay một số dự án năng lượng…

Hương Giang