UBND huyện Vĩnh Linh vừa có văn bản báo cáo tình hình thực hiện dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lụt và sạt lở bờ sông thôn Cù Bạc, xã Vĩnh Ô.

Dự án đã được phê duyệt tại Quyết định số 2573/QĐ-UBND ngày 28/9/2023 của UBND huyện Vĩnh Linh.

Dự án có tổng mức đầu tư là 22,5 tỷ đồng, trong đó, được bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2022 là 20 tỷ đồng theo Quyết định số 249/QĐ-UBND ngày 2/10/2023 của UBND tỉnh Quảng Trị và ngân sách huyện là 2,5 tỷ đồng sẽ bố trí trong năm 2024.

Theo UBND huyện Vĩnh Linh, mục tiêu của dự án nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư thôn Cù Bạc, xã Vĩnh Ô để thực hiện di dời khoảng 50 hộ dân từ những nơi ngập lụt và có nguy cơ sạt lở đến khu vực an toàn, có đất canh tác, tạo điều kiện thuận lợi để định cư bền vững, ổn định đời sống cho người dân.

Dự án đến nay đã hoàn thành việc phê duyệt dự án (bước lập nghiên cứu khả thi), phê duyệt bản vẽ thi công và dự toán.

Ngày 26/12/2023 đã ký kết hợp đồng xây dựng với giá trị xây lắp là gần 13,4 tỷ đồng, tiến độ thi công là 120 ngày và đồng thời triển khai giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm 31/12/2023, khối lượng và giá trị thực hiện là 750 triệu đồng, giải ngân vốn đầu tư là hơn 5,53 tỷ đồng. “Hiện dự án đang tổ chức triển khai thi công xây dựng (chỉ thi công trong phần vốn đã được giải ngân trong tháng 12/2023) do chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài sang năm 2024”, ông Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết.

leftcenterrightdel
 Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lụt và sạt lở bờ sông thôn Cù Bạc, xã Vĩnh Ô. Ảnh: Minh Tân

Tương tự, dự án di dân khẩn cấp vùng sạt lở đất xã Húc Nghì, huyện Đakrông, với tổng mức đầu tư 16,5 tỷ đồng cũng chưa thể triển khai dù đã ký kết hợp đồng xây dựng giá trị xây lắp là trên 11,2 tỷ đồng.

“Do chưa có mặt bằng thi công nên đơn vị chưa cho nhà thầu tạm ứng, bên cạnh đó do có những vướng mắc mà thời hạn giải ngân chỉ đến 31/12/2023 nên dự án vẫn chưa thể triển khai”, ông Lê Hoài Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án, phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Đakrông cho biết.

Theo đó, dự án nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, không gian kiến trúc cảnh quan hiện đại, đô thị phát triển theo hướng bảo vệ môi trường, phục vụ nhu cầu người dân từ những vùng sạt lở, có nguy cơ sạt lở đến ổn định cuộc sống. Phân kỳ đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu với diện tích khoảng 3,6ha (diện tích quy hoạch là 6,4ha), bố trí 48 lô đất tái định cư phục vụ di dân khẩn cấp vùng sạt lở đất xã Húc Nghì.

Theo lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Linh, dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện. Trong đó, các bước lập đề án di dân, lựa chọn vị trí đầu tư, thu hồi đất, chủ trương đầu tư, huy động thêm nguồn vốn đối ứng cho dự án… mất nhiều thời gian và đến ngày 31/7/2023 mới phê duyệt chủ trương đầu tư.

leftcenterrightdel
 Do vướng mắc, các thủ tục kéo dài khiến dự án di dân khẩn cấp chưa thể triển khai. Ảnh: Minh Tân

Bên cạnh đó, dự án phải lập giấy phép môi trường theo quy định mới nên cần nhiều thời gian, địa hình vùng dự án phức tạp, công tác chuẩn bị đầu tư phải qua nhiều bước, kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện… nên đến ngày 28/9/2023 mới phê duyệt xong dự án. Chưa kể, dự án có nhiều hạng mục thực hiện cùng một mặt bằng thi công nhưng tiến độ giải ngân chỉ cho phép đến 31/12/2023, nên áp lực rất lớn về mặt tiến độ và không thể hoàn thành dự án trong năm 2023.

Tại khu vực triển khai dự án, dù nhà thầu đã đưa máy móc tập kết, đơn vị chủ rừng khai thác số gỗ rừng trồng nhưng vướng mắc các thủ tục khiến chưa thể triển khai thi công. Nguyên nhân chính là việc dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lụt và sạt lở bờ sông thôn Cù Bạc, xã Vĩnh Ô thuộc dự án chuyển mục đích sử dụng rừng. Trong đó, với diện tích khoảng 5,73ha có gần 5,3ha là đất rừng trồng quy hoạch lâm nghiệp.

Dù dự án đã tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng xây dựng nhưng chưa thể triển khai thi công vì ngày 8/4/2024, UBND tỉnh Quảng Trị mới có báo cáo thẩm định “về việc thẩm định nội dung trình phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện công trình di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lụt và sạt lở bờ sông thôn Cù Bạc, xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị”.

Trong khi đó, tại dự án di dân khẩn cấp vùng sạt lở đất xã Húc Nghì, huyện Đakrông cũng vướng mắc trong việc tìm diện tích trồng rừng thay thế. Đến đầu năm 2024, mới có chủ trương cho nộp tiền trồng rừng thay thế đối với diện tích gần 3,6ha để thực hiện dự án. Trong khi đó, việc chưa hoàn thiện công trình, kinh phí chưa giải ngân đã được Trung ương thu hồi.

Trước những khó khăn, vướng mắc trên, UBND huyện Vĩnh Linh và Đakrông đã có công văn kiến nghị UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành của Trung ương xem xét kéo dài thời gian giải ngân sang năm 2024 để có thời gian triển khai thi công hoàn thành toàn bộ công trình.

Dù có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, thế nhưng việc thực hiện 2 dự án mang ý nghĩa hết sức quan trọng đối với gần 100 hộ dân ở các vùng sạt lở, ngập lụt không kịp triển khai đã khiến người dân lo lắng. Bởi, nhiều năm qua, người dân ở các xã miền núi này luôn phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, sạt lở đe dọa đến tính mạng, tài sản mỗi khi mùa mưa lũ về.

Minh Tân