Chiều 9/4, Bắc Ninh tổ chức hội nghị thúc đẩy triển khai, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn chủ trì hội nghị.

Thực hiện chủ trương về phát triển nhà ở xã hội, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo xây dựng nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, hộ gia đình, cá nhân tạo lập nhà ở; hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng xã hội.

Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nhà ở xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, từ nay đến 2030 tỉnh Bắc Ninh đã lên kế hoạch phát triển hơn 70.000 căn nhà ở xã hội; trong đó có hơn 40.000 căn nhà ở cho công nhân.

Qua rà soát, quy hoạch, tỉnh Bắc Ninh đã xác định được khoảng 175ha đất dành cho đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển được giao. Theo đó, tỉnh Bắc Ninh sẽ phát triển 30.671 căn hộ trong giai đoạn 2021-2025 và 41.514 căn hộ trong giai đoạn 2026-2030.

Tại hội nghị, tỉnh Bắc Ninh cho biết, đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện 54 dự án nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp với tổng diện tích đất khoảng 173ha.

Các dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng khoảng 7,1 triệu m2 sàn với hơn 77.000 căn hộ. Tuy nhiên, hiện có 28 dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc.

Về việc triển khai gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng, đến nay UBND tỉnh đã công bố danh mục các dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi gồm 06 dự án với tổng mức đầu tư hơn 14.500 tỷ đồng, số vốn dự kiến vay khoảng 3.380 tỷ đồng.

Đến nay, đã có 02 dự án nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi với số hạn mức được duyệt vay là 170 tỷ đồng; giải ngân được 115,2 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
 Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, tỉnh luôn sẵn sàng làm việc, đối thoại trực tiếp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung, chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội nói riêng. Ảnh: T.L

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ các khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo các đại biểu, khó khăn chủ yếu liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng; mở rộng đối tượng thuê, mua nhà; các thủ tục hành chính, nhất là quy định về đảm bảo phòng cháy, chữa cháy; việc gia hạn tiến độ đầu tư của các dự án đã được phê duyệt; mức giá cho thuê, chi phí vận hành của nhà đầu tư các dự án nhà ở xã hội…

Lắng nghe các ý kiến tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, tỉnh luôn sẵn sàng làm việc, đối thoại trực tiếp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung, chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội nói riêng.

Những đề xuất, kiến nghị của các chủ đầu tư vượt quá thẩm quyền giải quyết của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy giao Sở Xây dựng tổng hợp đầy đủ để báo cáo Trung ương xem xét, giải quyết trong thời gian tới.

Về những khó khăn, vướng mắc được đưa ra tại hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ giao Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu phương án, hướng dẫn các doanh nghiệp điều chỉnh mục tiêu để mở rộng đối tượng thuê, mua nhà ở xã hội.

Cùng với đó, rà soát các dự án chậm tiến độ, đánh giá năng lực, sự quyết tâm của chủ đầu tư để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai.

“Nghiên cứu kỹ tất cả các tình huống gia hạn hợp đồng cho các chủ đầu tư theo hướng có lợi nhất cho chủ đầu tư và đề xuất việc có hay không việc doanh nghiệp phải thực hiện ký quỹ khi gia hạn hợp đồng” - Bí thư Tỉnh uỷ chỉ đạo.

Các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ các chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết dự án để tích hợp vào quy hoạch phân khu ngay sau khi được phê duyệt; đánh giá nhu cầu thực tế để lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án chưa đấu thầu hoặc phân kỳ đầu tư…

Hải Hà