Ngày 19/12/2017, UBND tỉnh Lào Cai cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy Thủy điện Phúc Long cho Công ty Cổ phần Thủy điện Phúc Long.

Sau đó, tháng 11/2019, thủy điện Phúc Long chính thức được khởi công xây dựng. Đây là mô hình thủy điện lòng sông, được xây dựng trên sông Chảy, gồm 2 tổ máy, có công suất 22 MW, điện lượng hàng năm là 87,81 triệu kwh với tổng vốn đầu tư trên 750 tỷ đồng.

Nhà máy thuộc địa phận 2 xã: Long Phúc và Xuân Thượng (huyện Bảo Yên), sau khi hoàn thành đây sẽ là thủy điện lớn nhất trên địa bàn huyện Bảo Yên.

Tuy nhiên, Thủy điện Phúc Long xây dựng đã “bức tử” Trạm Thủy văn Bảo Yên do không có nước để hoạt động. Đồng thời, làm cạn kiệt dòng sông Chảy khiến cho những người dân sinh sống tại 2 bên dòng sông gặp khó khăn.

Người dân phản ánh từ thời điểm ngày 29/4/2021, khi Thủy điện Phúc Long tích nước chạy thử máy ở mức cao độ 74,5m đã gây sạt lở, ảnh hưởng đến tài sản, hoa màu của một số hộ dọc sông Chảy.

Theo báo cáo của UBND huyện Bảo Yên, tổng số hộ bị ảnh hưởng có kiến nghị UBND các xã tổng hợp gửi Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện là 170 hộ, trong đó thị trấn Phố Ràng có 101 hộ, xã Phúc Khánh có 33 hộ, xã Xuân Thượng có 24 hộ, xã Xuân Hòa có 3 hộ và xã Tân Dương có 9 hộ.

Qua kiểm tra, khảo sát, UBND huyện Bảo Yên đã phân loại các nhóm nội dung bị ảnh hưởng và phương án giải quyết. Đối với những hộ bị ngập cây cối, hoa màu, đất sản xuất ngoài ranh giới giải phóng mặt bằng (10 hộ), thống kê và kiểm đếm đề xuất UBND tỉnh xem xét cho thu hồi đất, bồi thường theo Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định bồi thường, hỗ trợ đối với phần diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng.

Đối với hộ san tạo mặt bằng, bị sạt lở đất đắp sát bờ sông (34 hộ), sạt lở ven Quốc lộ 70, Công ty Cổ phần Thủy điện Phúc Long đang cho hạ mực nước mặt hồ san tạo cắt cơ chân mặt bằng ở các vị trí sạt lở, đổ đá lu lèn chống sạt lở, theo dõi nếu vẫn còn hiện tượng lún, nứt thì khảo sát đưa ra phương án xử lý phù hợp.

Đối với những hộ bị nứt, sạt công trình xây dựng như chuồng trại chăn nuôi, nhà ở, công trình phụ và các tài sản khác (32 hộ), các cơ quan liên quan đang phối hợp với chủ đầu tư thủy điện thống kê, thống nhất với người dân phương án giải quyết. Những hộ bị ngập đường đi vào nhà, Công ty Cổ phần Thủy điện Phúc Long khắc phục theo phương án đắp nâng cốt đường cũ hoặc mở đường mới.

Liên quan đến những vướng mắc phát sinh trong giải phóng mặt bằng, đại diện chủ đầu tư Thủy điện Phúc Long cũng nhận trách nhiệm và cam kết sớm khắc phục các điểm sạt lở.

Ông Phạm Trung Tuyến, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Phúc Long kiêm Trưởng Ban Quản lý dự án cho biết: Đơn vị đang phối hợp với cơ quan chức năng đánh giá mức độ thiệt hại để có biện pháp xử lý hiện tượng sụt lún, sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân khu vực bị ảnh hưởng.

leftcenterrightdel
Quốc lộ 70 bị sạt lở do thủy điện Phúc Long thử nghiệm tích nước 

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, một lãnh đạo UBND huyện Bảo Yên cho biết, trước phản ánh của người dân từ thời điểm ngày 29/4/2021, khi Thủy điện Phúc Long tích nước chạy thử máy ở mức cao độ 74,5m đã gây sạt lở, ảnh hưởng đến tài sản, hoa màu của một số hộ dọc sông Chảy, UBND huyện Bảo Yên đã ký văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Thủy điện Phúc Long khẩn trương phối hợp với các phòng, ban của huyện và UBND các xã, thị trấn kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng cụ thể của từng hộ và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.

Tại buổi kiểm tra thực địa hiện trường, ông Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên đã chia sẻ những khó khăn với các hộ dân chịu ảnh hưởng trong vùng lòng hồ thủy điện. Đồng thời tiếp thu, giải trình những ý kiến thắc mắc của các hộ dân trong việc đo đạc, áp dụng giá đền bù, khi nhà máy thủy điện tích nước. Để giải quyết tình trạng này, huyện sẽ có những giải pháp xử lý kịp thời, có phương án giúp người dân khắc phục đối với vấn đề sụt lún, sạt lở, ngập úng gây thiệt hại đất đai, hoa màu của các hộ gia đình. Yêu cầu các xã Xuân Thượng, Phúc Khánh, Nhà máy Thủy điện Phúc Long thường xuyên kiểm tra, theo dõi, nắm bắt các mức độ ảnh hưởng để có các phương án xử trí kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Tuyên truyền vận động các hộ gia đình bình tĩnh, phối hợp với chính quyền địa phương có phương án xử lý đảm bảo an toàn nhất về tính mạng, tài sản của người dân. Khẩn trương chi trả tiền đền bù cho các hộ bị thiệt hại đã được thống kê đợt trước, tiếp tục kiểm tra, thống kê những thiệt hại khi Nhà máy Thủy điện Phúc Long tích nước.

Dựa theo mức độ thiệt hại thống kê, có phương án phối hợp tốt với chính quyền địa phương đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân sinh sống trong vùng lòng hồ Nhà máy Thủy điện Phúc Long.

Trao đổi với báo chí trước đó, ông Trần Bá Hòa, Trạm trưởng Trạm Thủy văn Bảo Yên cho biết: Do ảnh hưởng của hồ chứa nên dòng chảy trên sông đã mất tính tự nhiên. Nếu không có thủy điện, dù vào mùa khô, lượng nước trên sông vẫn rất ổn định. Còn hiện nay, có thời điểm nước sông gần như cạn trơ đáy, có thể lội qua dễ dàng và vào mùa lũ, nước lên xuống cũng rất cực đoan, có khi số liệu 2 lần đo (cách nhau 1 đến 2 tiếng đồng hồ) chênh lệch hàng mét nước. Những dữ liệu thu thập được có ý nghĩa trong đánh giá quy luật tự nhiên tác động trực tiếp đến công tác phòng, chống thiên tai.

Thời gian tới, Thủy điện Phúc Long đi vào hoạt động dâng nước, cả khu vực sẽ biến thành lòng hồ thì không còn gì để quan trắc, đo đạc. Điều ngạc nhiên là trong suốt quá trình khảo sát lòng hồ, lập hồ sơ xin phê duyệt dự án, Trạm Thủy văn Bảo Yên không hề được chủ đầu tư thủy điện tham vấn.

Nam Dũng