92% KNTC ở lĩnh vực đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư

Tỉnh Hoà Bình mới có báo cáo kết quả công tác TCD, giải quyết KNTC (từ ngày 1/10/2023 đến ngày 31/7/2024) phục vụ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. 

Theo đó, tình hình KNTC trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn phức tạp; một số vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Tuy vậy, trên địa bàn tỉnh thời gian qua không phát sinh “điểm nóng” về KNTC. Tình hình KNTC tập trung nhiều ở lĩnh vực đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, chiếm tỷ lệ khoảng 92%.

Nguyên nhân phát sinh KNTC được xác định do công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều tồn tại, nhất là công tác quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, môi trường, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, chính sách xã hội. 

Một số vụ việc khiếu nại về đất đai, nhà ở do lịch sử để lại, nhất là đất nông lâm trường, trong khi đó chính sách của Nhà nước đã thay đổi không còn phù hợp hoặc không có hồi tố nên công dân bức xúc khiếu nại, rất khó xử lý khi áp dụng pháp luật để giải quyết.

Nguyên nhân nữa là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao, một số vụ việc đã được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, song vẫn đòi hỏi quyền lợi của mình theo ý chủ quan, gửi đơn nhiều nơi, nhiều lần, tạo áp lực cho các cơ quan nhà nước, từ đó tác động không nhỏ tới công tác giải quyết đơn thư trên địa bàn.

Cơ bản giải quyết KNTC phát sinh và vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài

Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ Đảng, công tác TCD thường xuyên và tiếp định kỳ của thủ trưởng các cấp, các ngành của tỉnh được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. 

Toàn tỉnh đã TCD 3.003 lượt, với 3.553 người được tiếp, trong đó có 92 đoàn đông người, qua TCD tiếp nhận 2.779 vụ việc.

Đặc biệt, UBND tỉnh phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh thực hiện TCD định kỳ hàng tháng của các đồng chí lãnh đạo trong Thường trực Tỉnh ủy tại Trụ sở Ban TCD tỉnh, qua đó giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của công dân.

Trong kỳ báo cáo, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp nhận tổng số 3.345 đơn, tương ứng với 2.820 vụ việc. Qua xử lý, có 1.862 vụ việc thuộc thẩm quyền. 

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác giải quyết KNTC, đặc biệt là giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài đã có những chuyển biến tích cực.

Về giải quyết khiếu nại, thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước đã thụ lý 29/29 vụ việc thuộc thẩm quyền và giao cơ quan thanh tra, các đơn vị liên quan xác minh, đề xuất biện pháp giải quyết; đến nay đã xác minh xong 22/29 vụ việc, đạt tỷ lệ 76%, còn 7 vụ việc đang trong thời hạn xác minh.

Về giải quyết tố cáo, chủ tịch UBND cấp huyện đã thụ lý giải quyết 4/4 vụ việc thuộc thẩm quyền và giao cơ quan Thanh tra, các đơn vị liên quan xác minh, đề xuất biện pháp giải quyết; đến nay đã xác minh xong 3 vụ việc, đạt tỷ lệ 75%, còn 1 vụ đang trong thời hạn xác minh.

Kết quả rà soát, giải quyết 7 vụ việc khiếu nại, đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh, về cơ bản có 5 vụ việc đã có phương án giải quyết dứt điểm, còn 2 vụ việc tổ công tác của tỉnh tiếp tục phối hợp, chỉ đạo UBND huyện Yên Thủy, UBND thành phố Hòa Bình rà soát, đề xuất các phương án để giải quyết dứt điểm. 

Trong kỳ báo cáo, trên địa bàn tỉnh không có vụ việc KNTC do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyển đến.

Theo UBND tỉnh Hoà Bình, mặc dù công tác TCD, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, việc thụ lý giải quyết các KNTC thuộc thẩm quyền ở cấp huyện còn có trường hợp xác định nội dung khiếu nại không đúng, không đầy đủ dẫn đến việc thụ lý giải quyết không đúng, không đầy đủ nội dung khiếu nại của công dân, sau đó tự hủy bỏ, thu hồi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu làm cho công dân giảm lòng tin vào việc giải quyết của chính quyền. Việc kiểm đếm tài sản khi thực hiện thu hồi đất ở một số đơn vị huyện còn bất cập. Việc ủy quyền cho cấp phó TCD vẫn xảy ra với tỷ lệ thấp, chủ yếu ở cấp xã. Việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo có hiệu lực pháp luật một số vụ việc còn để kéo dài tập trung ở cấp huyện.

Trần Kiên