Chiều ngày 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 8/2024, trong đó có tình hình khiếu nại, tố cáo.

Lĩnh vực tài nguyên, xây dựng vẫn khiếu kiện diễn biến phức tạp

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 8, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm so với tháng 7.

Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các cơ quan đã tiếp 331 lượt với 647 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 328 vụ việc và có 23 lượt đoàn đông công dân.

“So với tháng 7, giảm 41 lượt công dân về 43 vụ việc và 5 lượt đoàn đông công dân. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các công dân khiếu kiện đơn lẻ tập trung đông người từ 20 đến 60 người, chia thành nhiều nhóm, di chuyển vào các khung giờ khác nhau, đến các cơ quan ở Trung ương, nhà riêng của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thực hiện các hoạt động phức tạp về anh ninh, trật tự”, ông Bình nói.

Trong số các đoàn đông người, theo Trưởng Ban Dân nguyện có 5 vụ việc khiếu nại, tố cáo thường xuyên tập trung khiếu kiện đông người tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo UBND TP Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Sóc Trăng, Thái Nguyên khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm vụ việc, nhất là vụ việc mới phát sinh.

Báo cáo tổng hợp từ các địa phương cũng cho biết, trong tháng 8 các vụ việc liên quan đến lĩnh vực: tài nguyên, môi trường; xây dựng, lao động… vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

“Nổi lên 7 vụ việc khiếu kiện có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự tại các địa phương cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm”, ông Bình lưu ý.

Với 7 vụ việc này, Ban Dân nguyện, đề nghị chỉ đạo UBND TP Hải Phòng, Cần Thơ và UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Nam Định và Bình Dương tổ chức tiếp, đối thoại các công dân, ban hành văn bản giải quyết (nếu còn thẩm quyền) hoặc tổ chức rà soát, rà soát lại nếu có căn cứ để giải quyết dứt điểm vụ việc.

Không chuyển đơn khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết khi không có căn cứ

Đề cập đến công tác tiếp công dân của Quốc hội, ông Bình thông tin trong tháng 8, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội đã tiếp 258 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 256 vụ việc và có 8 lượt đoàn đông người.

leftcenterrightdel
 Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình. Ảnh: P.Thắng

Qua tiếp công dân, đã ban hành văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết với 35 vụ việc; hướng dẫn bằng văn bản 13 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 208 vụ việc.

Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận và xử lý được 1.857 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến. Trong số này, có 300 đơn đủ điều kiện xử lý.

Từ đó, các cơ quan đã chuyển 155 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, ban hành 54 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân, đang nghiên cứu 86 đơn, tiếp tục xếp lưu 5 đơn đã giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.

“Qua công tác xử lý đơn thư, các cơ quan đã và đang tiến hành giám sát với 4 vụ việc”, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết.

Ông Dương Thanh Bình đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, TP chủ động phối hợp và giám sát các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm các vụ việc cụ thể đã được đề cập tại báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng.

Đoàn đại biểu Quốc hội cần tích cực lựa chọn các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài để giám sát hoặc đề xuất, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giám sát.

“Không chuyển các đơn khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định pháp luật đến người có thẩm quyền giải quyết khi không có căn cứ xác đáng”, Trưởng Ban Dân nguyện nhấn mạnh.

Hương Giang