5 năm, gần 11.000 trường hợp vi phạm

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn từ năm 2016 đến cuối năm 2020, trên địa bàn TP đã xảy ra gần 11.000 trường hợp vi phạm TTXD, bao gồm cả xây dựng không phép và xây dựng sai phép.

Từ năm 2018 đến nay (đặc biệt là từ cuối tháng 7/2019, thời điểm Chỉ thị số 23-CT/TU có hiệu lực), số vụ vi phạm có xu hướng giảm, nhưng con số vẫn lên tới hàng nghìn vụ mỗi năm. Thông tin từ Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho hay, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU (15/7/2019 - 15/12/2020), tổng số công trình vi phạm là 1.568 công trình, bình quân 3 vụ/ngày.

Hầu hết các quận, huyện, TP thuộc TP Hồ Chí Minh đều xảy ra tình trạng vi phạm TTXD, tuy nhiên mức độ có khác nhau và tình trạng này thường xuất hiện phổ biến, với quy mô lớn ở những nơi có nhiều diện tích đất nông nghiệp (sai phạm trong việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây nhà ở, công trình trên đất nông nghiệp).

Huyện Bình Chánh được xem là một trong những điểm nóng về tình trạng vi phạm TTXD của TP Hồ Chí Minh. Theo thông tin được UBND huyện Bình Chánh công bố tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU ngày 25/7/2019 và 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy thì từ ngày 30/8/2019 đến ngày 30/8/2020, huyện đã kiểm tra, phát hiện 62 trường hợp vi phạm TTXD (trong đó 28 trường hợp không phép, 34 trường hợp sai phép). Trước khi có Chỉ thị 23-CT/TU, số vụ vi phạm bị phát hiện còn cao hơn rất nhiều.

Thông báo kết luận thanh tra số 98/KL-TTTP-P7 của Thanh tra TP Hồ Chí Minh về công tác quản lý đất đai, TTXD trên địa bàn huyện Bình Chánh từ tháng 1/2016 đến tháng 3/2020 cho thấy, tại huyện này đã xảy ra nhiều vụ vi phạm TTXD nghiêm trọng, phức tạp. Điển hình, vi phạm tại khu đất có tổng diện tích 15.045,4m2 tại xã Bình Hưng, người sử dụng đất tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, không phù hợp quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, tiến hành xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp, đất lấn rạch để cho thuê và bán nhà ở cho các hộ dân thu lợi bất chính, có nhiều sai phạm nghiêm trọng.

Tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, Thanh tra TP Hồ Chí Minh chỉ ra sai phạm tại khu đất thuộc các thửa đất số 582, 584, 602 tờ bản đồ số 176 và thửa 605 tờ bản đồ số 175, với diện tích là 52.741,7m2. Người sử dụng đất chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất để thực hiện đầu tư dự án nhà ở; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, đã xây dựng không phép trên đất nông nghiệp 72 căn nhà ở riêng lẻ (nhà phố liền kề), bán nhà cho các hộ gia đình, cá nhân hình thành khu dân cư sinh sống.

Theo Thanh tra TP, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, xây dựng nhà ở không phép trên đất nông nghiệp bán nhà ở cho các hộ dân để thu lợi là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần tiếp tục chuyển cơ quan điều tra để làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định.

Nhiều sai phạm nghiêm trọng, kéo dài, có hệ thống     

leftcenterrightdel
 Dự án Bảy Hiền Tower tại quận Tân Bình, sai phạm kéo dài vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Ảnh: NT 

Theo báo cáo của UBND quận 10, TP Hồ Chí Minh, tại cuộc họp báo diễn ra ngày 2/4/2021, giai đoạn cuối năm 2018 và trong năm 2019, trên địa bàn phường 12 xảy ra tình trạng một số công trình xây dựng vi phạm sai phép, không phép quy mô lớn được thực hiện bởi cùng một nhóm người có mối quan hệ họ hàng với nhau và có mối quan hệ một tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Các hành vi vi phạm phổ biến là xây tăng tầng cao, bít ô thông tầng, tăng diện tích tầng lửng, nới rộng sân thượng.
Thống kê từ quận 10 được công bố trên trang tin điện tử Đảng bộ TP Hồ Chí Minh cho thấy, từ cuối năm 2018 đến năm 2019, trên địa bàn phường 12 có 6 công trình (740/15A+17, 766/12 đường Sư Vạn Hạnh, 252/43, 252/45 đường Cao Thắng, 839/10 đường Lê Hồng Phong, 42/2 đường Trần Thiện Chánh) do ông V.V.Q. và người thân trong gia đình tổ chức thi công xây dựng sai phép, không phép đã có quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế của Thanh tra Sở Xây dựng và UBND quận 10.

Đến thời điểm công bố thông tin (ngày 2/4/2021), chủ đầu tư vẫn chưa chấp hành tháo dỡ các hạng mục vi phạm, vẫn tiếp tục đưa vào hoạt động và tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở riêng lẻ sang kinh doanh khách sạn, karaoke mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần tiếp xúc, vận động, kiểm tra, nhắc nhở.

Từ ngày 5/4, UBND quận 10 đã tiến hành cưỡng chế tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm TTXD quy mô lớn trên địa bàn (bao gồm 6 công trình vừa nêu). Dự kiến, việc cưỡng chế tháo dỡ sẽ được thực hiện đến hết tháng 6/2021.

Một công trình xây dựng khác vi phạm nghiêm trọng, kéo dài, gây bức xúc dư luận trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đó là dự án trung tâm thương mại và căn hộ Thăng Long (còn gọi là Bảy Hiền Tower) tại số 9 Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình. (Những sai phạm này, trước đây Báo Thanh tra đã có loạt bài phân tích, phản ánh).

Tại dự án này, sau khi được phê duyệt (ngày 8/1/2009), mặc dù chưa chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chủ đầu tư vẫn tiến hành khởi công xây dựng và ký kết các hợp đồng bán căn hộ, ki ốt, sạp thương mại, tìm cách huy động vốn.

Ngày 9/8/2014, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 3872/QĐ-XPVPHC đối với Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng - Thương mại Thăng Long về hành vi “chuyển từ đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở mà không được UBND cấp có thẩm quyền cho phép với hậu quả của hành vi thuộc mức bốn”. Theo quyết định này, chủ đầu tư Bảy Hiền Tower bị phạt tiền 200 triệu đồng và buộc phải khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm.

Tại thời điểm bị xử phạt, việc xây dựng vi phạm tại dự án Bảy Hiền Tower đã thực hiện đến tầng thứ 9. Sau khi bị xử phạt, chủ đầu tư dự án này đã không chấp hành việc tháo dỡ, khôi phục lại tình trạng của đất mà tiếp tục xây dựng, tiếp tục có các sai phạm như thi công sai thiết kế, tăng diện tích...

Liên quan đến những sai phạm tại dự án này, một công chức của Đội Thanh tra địa bàn quận Tân Bình (thuộc Thanh tra Sở Xây dựng) đã bị lãnh đạo Sở Xây dựng phê bình, yêu cầu rút kinh nghiệm do chưa kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xử lý, dẫn đến việc chậm phát hiện và chậm lập biên bản xử lý vi phạm hành chính tại thời điểm chủ đầu tư dự án Bảy Hiền Tower có hành vi vi phạm.
Đến nay, những sai phạm kéo dài hàng chục năm tại dự án Bảy Hiền Tower vẫn chưa được xử lý một cách triệt để.

Tại dự án khu dân cư, trung tâm thương mại ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, theo Thông báo kết luận thanh tra số 98/KL-TTTP-P7 của Thanh tra TP Hồ Chí Minh, chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Huỳnh Thông tiến hành xây dựng nhà ở để bán nhưng không thực hiện các hồ sơ pháp lý có liên quan đến dự án phát triển nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở, chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất để thực hiện đầu tư dự án nhà ở, chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định của Luật Nhà ở năm 2005, vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, để thu lợi bất chính, là có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, một trong những giải pháp được đưa ra nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về TTXD đó là tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý TTXD nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm TTXD.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Nhật Tường