Thực tiễn tổ chức hội nghị thành lập Đảng và các kỳ Đại hội Đảng đã chứng minh tính tất yếu phải làm trước công tác tư tưởng

Công tác tư tưởng gắn liền với quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng, với cuộc đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng với biết bao sự kiện lịch sử, vượt mọi phong ba bão táp, đánh thắng mọi kẻ thù, giành thắng lợi vẻ vang cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thực tế chứng minh, từ khi ra đời đến nay, do luôn coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng nói chung, công tác tư tưởng trong các bước ngoặt của lịch sử; nhất là trước các hội nghị và đại hội nên Đảng ta đã không ngừng lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam, được nhân dân tin tưởng, tự hào và đóng góp tích cực vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế qua các thời kỳ.

Bước ngoặt đầu tiên của công tác tư tưởng trước một kỳ hội nghị thành lập Đảng là cơ sở thực tiễn đầu tiên minh chứng cho tính tất yếu phải làm trước công tác tư tưởng. Công tác tư tưởng trong giai đoạn chuẩn bị thành lập Đảng mang dấu ấn cá nhân lớn của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm con đường cứu nước từ năm 1911, trực tiếp tham gia lao động, đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa. Trải qua mười năm (1911- 1920) nghiên cứu, học tập, quan sát, và tham gia đấu tranh, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra chân lý cách mạng của thời đại là Chủ nghĩa Mác - Lênin, thấy được muốn giải phóng dân tộc mình không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản. Khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã thấy được phương hướng giải quyết cho những vấn đề mà mình nung nấu từ lâu. Nguyễn Ái Quốc đúc rút thành chân lý: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản” (1). Nguyễn Ái Quốc là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản đầu tiên của giai cấp công nhân, nhân dân Việt Nam; cũng là người Việt Nam đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước và phác thảo ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc ta…

Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu với tư cách là Uỷ viên Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, phụ trách Cục Phương Nam. Ở đây, đồng chí cùng với các nhà cách mạng Trung Quốc và một số nước khác ở châu Á sáng lập ra “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông”, đồng thời tìm cách truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước.

Tháng 6/1925, đồng chí thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên gồm những thanh niên Việt Nam yêu nước nhiệt thành và được giác ngộ bước đầu về chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong hội có tổ chức trung kiên làm nòng cốt là Cộng sản Đoàn. Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra Tuần báo Thanh niên làm cơ quan tuyên truyền của Hội.

Trong thời gian từ tháng 6/1925 đến tháng 4/1927, báo do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp phụ trách và ra được 88 số. Số 1 ra ngày 21/6/1925. Mỗi số in khoảng 100 bản ở Quảng Châu rồi chuyển về nước theo đường bí mật. Cơ sở ở trong nước chép thêm thành nhiều bản khác để lưu hành. Đây là tờ báo tiếng Việt đầu tiên do người Việt Nam viết để phục vụ sự nghiệp cách mạng của người Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam. Nó cũng là tờ báo tiếng Việt đầu tiên đưa quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin truyền bá trong những người yêu nước Việt Nam.

Toàn bộ những hoạt động trên của đồng chí Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là chuẩn bị về tư tưởng cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khi công tác tư tưởng đã “đi trước, mở đường” cùng với điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan chín muồi, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành việc chuẩn bị hội nghị hợp nhất và đã chủ trì hội nghị từ ngày 3 - 7/2/1930. Hội nghị đã nhất trí thành lập Đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Lời kêu gọi Nhân dân do đồng chí Nguyễn Ái Quốc dự thảo.

Hội nghị còn nhất trí thông qua Điều lệ tóm tắt của các hội quần chúng.

Sự thành công của Hội nghị Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (có giá trị như một đại hội chính thức) trong hoàn cảnh đặc thù (Đảng ta chưa cầm quyền, đất nước ta chưa được độc lập, được tổ chức ở nước ngoài…) đã chứng tỏ hiệu quả lớn lao và tính chất quyết định của công tác tư tưởng được đặt dưới sự dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc và những người cộng sản, người yêu nước Việt Nam lúc bấy giờ.

Để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VI của Đảng - Đại hội đánh dấu bước ngoặt lịch sử của sự nghiệp đổi mới của nước ta, Đảng ta đã ban Chỉ thị số 82-CT/TW, ngày 15 tháng 4 năm 1986 của Ban Bí thư về công tác tư tưởng năm 1986, trong đó nhận định: “Từ cuối quý III/1985, những khuyết điểm trong việc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết tám của Trung ương và Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị đã có tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng trong Đảng và trong nhân dân. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân lo lắng về đời sống của mình và lo ngại về hiệu lực điều hành công việc kinh tế và xã hội của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh những biểu hiện chủ quan, nóng vội, trong Đảng còn những biểu hiện tư tưởng bảo thủ; vừa có tình trạng tập trung quan liêu, thiếu dân chủ, vừa có tình trạng cục bộ, phân tán, buông lỏng kỷ cương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; ý chí phấn đấu cách mạng giảm sút, một bộ phận đảng viên và quần chúng có tâm trạng bi quan, thiếu cảnh giác, dễ bị tác động chiến tranh tâm lý của địch. Những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, tình trạng thoái hoá, biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân viên Nhà nước vẫn rất nghiêm trọng” (2).

Đồng thời, Đảng ta tự phê bình nghiêm túc: “Công tác tư tưởng của các tổ chức Đảng cũng có nhiều khuyết điểm. Công tác tuyên truyền giáo dục chưa được kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện các chủ trương về giá cả, tiền lương, tiền tệ, không kịp thời hướng dẫn tư tưởng và hành động chống lại những hiện tượng tiêu cực, những hành động sai lầm, giáng trả những thủ đoạn chiến tranh tâm lý, chiến tranh phá hoại của kẻ thù. Việc giáo dục phẩm chất cách mạng cho cán bộ, đảng viên chưa có hiệu quả đáng kể. Tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt chính trị, tư tưởng của các tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể quần chúng còn yếu. ở nhiều nơi, các cấp uỷ đảng và chi bộ chưa có ý thức chỉ đạo công tác tư tưởng từng ngày, từng giờ;  nhiều cán bộ, đảng viên chưa coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân” (3).

Trước thực trạng trên, Đảng ta chủ trương: “Tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng đối với công tác tư tưởng là biện pháp hàng đầu để nâng cao tính chiến đấu và hiệu quả của công tác tư tưởng” (4).

Nhờ quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 82-CT/TW, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI đã thành công tốt đẹp, mở đường và đánh dấu bước ngoặt cho thắng lợi có ý nghĩa lịch sử cách mạng Việt Nam trong gần 40 năm qua.

Xuất phát từ yêu cầu mới của cách mạng sau Đại hội IX - Đại hội đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba, Đảng ta ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 18 tháng 3 năm 2002 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới.

Đây là lần đầu tiên Đảng ta có nghị quyết chuyên đề ở một kỳ Hội nghị Trung ương. Nghị quyết đánh giá: “Mặt yếu kém, bất cập của công tác tư tưởng là còn thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao, phương pháp chưa linh hoạt, chưa tạo được nhận thức thống nhất cao và thông suốt đối với một số vấn đề trong đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng. Chưa thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; chưa phê phán mạnh và đấu tranh kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, những quan điểm mơ hồ, sai trái, khuynh hướng "thương mại hóa", lai căng, chạy theo thị hiếu tầm thường trong hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ. Công tác lý luận chưa theo kịp sự phát triển và yêu cầu của cách mạng. Công tác tư tưởng chưa gắn với công tác tổ chức, xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ” (5).

Hội nghị cũng chỉ rõ nguyên nhân chủ quan của yếu kém, bất cấp trên là: “Những yếu kém, bất cập nêu trên là do Đảng ta chưa đặt đúng mức việc chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp công tác tư tưởng, lý luận trong giai đoạn mới. Chưa xây dựng được quy chế bảo đảm dân chủ, phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động lý luận và công tác tư tưởng. Chậm tăng cường, đổi mới công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, lý luận. Cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện làm việc ở nhiều cơ quan, đơn vị làm công tác tư tưởng, lý luận còn thiếu thốn, lạc hậu” (6).

Từ đó Đảng ta xác định: “Công tác tư tưởng, lý luận là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức; thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (7).

Từ Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đến nay, từ Trung ương đến địa phương, công tác tư tưởng, lãnh đạo tư tưởng nói chung, đội ngũ những người làm công tác tư tưởng nói riêng đã nỗ lực, sáng tạo, không chỉ triển khai, tuyên truyền, quán triệt và đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… vào thực tiễn cuộc sống mà còn thiết thực góp phần nghiên cứu lý luận gắn với tổng kết thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, bổ sung và phát triển đường lối của Đảng; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; coi thống nhất giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là quy luật, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng Việt Nam.

Các binh chủng của công tác tư tưởng tập trung tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động nhằm tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội từ nhận thức đến hành động, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân khai thác các tiềm lực trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... góp phần làm nên những thành tựu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội, nhất là trong gần 40 năm đổi mới.

Tầm quan trọng của việc chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV

Công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trước thềm Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng là hoạt động quan trọng nhất của Đảng trong việc xác lập, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV nhằm tạo nền tảng, động lực tinh thần to lớn thúc đẩy mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân có nhận thức đúng đắn, tư tưởng và hành động thống nhất, đảm bảo chuẩn bị và tiến hành Đại hội thành công tốt đẹp.

Trước hết, Đại hội Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại đối với mỗi cấp ủy Đảng, mỗi địa phương và cả nước. Đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025- 2030 có nhiệm vụ chính: Tổng kết 5 năm thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025 của từng địa phương, đơn vị; tham gia thảo luận, góp ý vào các dự thảo báo cáo chính trị của đại hội cấp trên và Đại hội XIV của Đảng; Đại hội XIV của Đảng có nhiệm vụ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII gắn với việc tổng kết 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030.

Trong khi đó, mỗi khi chúng ta tổ chức chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng các cấp, nhất là Đại hội Đại biểu toàn quốc thì các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường chọn thời điểm “nhạy cảm” này để tăng cường xuyên tạc, chống phá với mọi “mưu hèn”, “kế bẩn”, thông qua các diễn đàn, phản biện, góp ý cho Đảng qua “tâm thư”, “thư ngỏ”, “kiến nghị”, tung ra “các thuyết âm mưu”, tài liệu chưa được kiểm chứng vu cáo, đả kích, nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín các đồng chí lãnh đạo, nhất là những đồng chí tham gia cấp ủy dự kiến vào các vị trí chủ chốt… hòng làm phân tán, phân liệt tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đến khi chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV cũng không phải là ngoại lệ; thậm chí chúng còn mở rộng quy mô, tăng tần suất và phương thức, phương tiện để chống phá mạnh mẽ hơn.

Tất cả những vấn đề nêu trên phải làm sao để cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, hiểu và chia sẻ; từ đó tạo sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức và đồng thuận, đồng lòng trong hành động, giữ vững trận địa tư tưởng trong toàn Đảng, trong toàn xã hội, tạo nền tảng, động lực tinh thần to lớn thúc đẩy mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân, có quyết tâm chính trị cao nhất để chuẩn bị chu đáo và tiến hành Đại hội Đảng các cấp và Đại hội XIV thành công tốt đẹp. Để làm được điều đó, công tác tư tưởng phải đặc biệt quan tâm, luôn đi trước, mở đường; không chỉ tiến hành trước, trong khi chuẩn bị và tiến hành đại hội mà còn sau khi đại hội thành công tốt đẹp.

Như vậy, cả cơ sở lý luận và thực tiễn đều chứng minh công tác tư tưởng trước thềm Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng vừa là vấn đề có tính cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài. Đồng thời đặt ra yêu cầu cấp bách phải có hệ thống giải pháp nâng cao chất lượng công tác tư tưởng trước thềm Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng./. 

(Còn nữa)

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011

(2) (3) (4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.81-82; tr.82; tr.87

(5) (6) (7) Sđd, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 61, Hà Nội, 2007, tr.312; tr.312-313; tr.418.

 

Hoàng Long và nhóm PV