Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam tới đây là sự kiện chính trị đặc biệt, đòi hỏi công tác tư tưởng phải tiên phong “đi trước”, “về sau” nhằm góp phần rất quan trọng vào sự thành công của Đại hội.

Công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trước thềm Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng là hoạt động quan trọng nhất của Đảng trong việc xác lập, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV nhằm tạo nền tảng, động lực tinh thần to lớn thúc đẩy mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân có nhận thức đúng đắn, tư tưởng và hành động thống nhất, đảm bảo chuẩn bị và tiến hành đại hội thành công tốt đẹp.

Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ tồn tại xã hội và ý thức xã hội có mối quan hệ biện chứng với nhau, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, đồng thời ý thức xã hội có vai trò to lớn tác động trở lại tồn tại xã hội. Sự tác động trở lại của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội diễn ra theo hai chiều hướng kìm hãm hoặc thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

C.Mác đã chỉ rõ: “Lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng” (1).

Từ xuất phát điểm này, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác tư tưởng có vai trò quyết định trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của đảng và sự thành bại của cách mạng, cụ thể:

Công tác tư tưởng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong hoạt động của Đảng. Theo V.I. Lênin, công tác tư tưởng là chức năng cơ bản của Đảng, trực tiếp là của các cơ quan ngôn luận của Đảng. Vì vậy, từ rất sớm (năm 1903), trong báo cáo về Điều lệ Đảng ngày 29 tháng Bảy (11 tháng Tám), do chính V.I. Lênin dự thảo đã chỉ rõ: “Chức năng của Ban Chấp hành Trung ương là lãnh đạo công tác thực tiễn, chức năng của Cơ quan ngôn luận Trung ương là lãnh đạo các công tác tư tưởng” (2).

V.I. Lênin khẳng định, trong quá trình cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, công tác tư tưởng là một trong hai nhiệm vụ quan trọng và phải được đặt lên ở vị trí quan trọng hàng đầu: “Nhiệm vụ chủ yếu của đảng trong giai đoạn hiện nay là công tác tư tưởng và công tác giáo dục làm sao để thủ tiêu hoàn toàn mọi dấu vết của tình trạng bất bình đẳng hoặc định kiến cũ, đặc biệt là trong những tầng lớp lạc hậu thuộc giai cấp vô sản và nông dân” (3).

Nhất quán vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm trên của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, công tác tư tưởng có vai trò quan trọng trong hoạt động của Đảng ở mọi thời kỳ cách mạng.

Đối với Đảng ta, một đảng ra đời theo quy luật đặc thù: Là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam nên việc đưa hoạt động tư tưởng lên hàng đầu là tất yếu; khi trở thành đảng cầm quyền lại đặt ra yêu cầu cao hơn đến công tác tư tưởng của Đảng.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn thắng lợi, thì cách mạng phải có một đảng lãnh đạo. Đảng phải làm cho quần chúng giác ngộ vì đâu mà họ bị áp bức bóc lột; phải dạy cho quần chúng hiểu các quy luật phát triển của xã hội, để họ nhận rõ vì mục đích gì mà đấu tranh; chỉ rõ con đường giải phóng cho quần chúng, cổ động cho quần chúng kiên quyết cách mạng; làm cho quần chúng tin chắc cách mạng nhất định thắng lợi. Cách mạng là cuộc đấu tranh rất phức tạp. Muốn khỏi đi lạc phương hướng, quần chúng phải có Đảng lãnh đạo để nhận rõ tình hình, đường lối và định phương châm cho đúng” (4).

Người giải thích thêm: Có Đảng “để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy” (5).

Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác tư tưởng của Đảng, nhất là giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng: “Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng” (6).

Tại Hội nghị Tổng kết cải cách ruộng đất đợt II của đoàn “Thái Nguyên - Bắc Giang”, ngày 08/02/1955, Người tiếp tục nhấn mạnh: “Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng, phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết thực trong công tác; vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc” (7).

Theo Hồ Chí Minh, khi phong trào cách mạng thắng lợi, giành được chính quyền, thì vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò của công tác tư tưởng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng càng trở nên quan trọng. Sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa không những tiếp tục cần Đảng lãnh đạo mà còn cần Đảng mạnh hơn bao giờ hết, vì “đánh đổ giai cấp địch đã khó, đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội còn gian khổ, khó khăn hơn nhiều” (8). Đây là một quá trình đấu tranh trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt đấu tranh tư tưởng. Tư tưởng của quần chúng nhân dân có vững vàng, có tin tưởng vào con đường mà Đảng, dân tộc đã lựa chọn thì xã hội chủ nghĩa mới có thể được xây dựng thành công. Ngược lại, nhận thức quần chúng lệch lạc sẽ là một trong những khó khăn, cản trở lớn trong hoạt động cách mạng của Đảng.

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, khẳng định công tác tư tưởng có mối quan hệ chặt chẽ với công tác chính trị và công tác thực tiễn của Đảng.

Về vấn đề này, từ năm 1894, trong tác phẩm Những “người bạn dân” là thế nào, V.I. Lênin khẳng định: “Khi nhiệm vụ của những người xã hội chủ nghĩa là phải làm những người lãnh đạo tư tưởng của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh hiện thực của nó chống lại những kẻ thù hiện thực, thực sự, đang đứng chắn ngang trên con đường hiện thực của sự phát triển kinh tế ‐ xã hội nhất định thì sự việc lại khác hẳn. Trong điều kiện đó, cả hai công tác lý luận và công tác thực tiễn sẽ hòa làm một công tác mà Liếp‐nếch, một chiến sĩ kỳ cựu của Đảng dân chủ ‐ xã hội Đức, đã nêu lên rất đúng như sau: Studieren, Propagandieren, Organisieren (nghiên cứu, tuyên truyền, tổ chức). Không thể là một nhà lãnh đạo tư tưởng mà lại không làm công tác lý luận nói trên, cũng như không thể là một nhà lãnh đạo tư tưởng mà lại không hướng công tác đó theo những nhu cầu của sự nghiệp, mà lại không tuyên truyền trong công nhân những kết luận của lý luận đó và không giúp đỡ họ tổ chức nhau lại” (9).

V.I.Lênin còn cho rằng, sức mạnh của giai cấp công nhân là tổ chức; không có tổ chức, giai cấp công nhân sẽ không là cái gì hết. Được tổ chức lại - nó sẽ là tất cả... Nhưng tính tổ chức không có tư tưởng là vô nghĩa. Ông còn cảnh báo: “Việc phân ra thành cơ quan lãnh đạo tư tưởng và cơ quan lãnh đạo hoạt động thực tiễn là điều có hại” (10).

leftcenterrightdel
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Ảnh (chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh): Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Nhất quán với quan điểm của chủ Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, vai trò của công tác tư tưởng còn được thể hiện trong mối quan hệ biện chứng với công tác chính trị, công tác tổ chức và công tác kế hoạch của Đảng. 

Một là, vai trò của công tác tư tưởng trong mối quan hệ với công tác chính trị. Theo Hồ Chí Minh, công tác chính trị là hoạt động xác định mục tiêu, đường lối và nhiệm vụ chính trị của Đảng trong từng giai đoạn cách mạng cụ thể. Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, công tác chính trị của Đảng là xác định mục tiêu giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc và hình thành đường lối, kế hoạch, nhiệm vụ để đạt được mục tiêu này. Cách mạng thành công, giai cấp công nhân giành được chính quyền, công tác chính trị của Đảng hướng tới mục tiêu phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội qua các hoạt động như xây dựng cương lĩnh phát triển đất nước, chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...

Trong mỗi giai đoạn cách mạng, công tác chính trị của Đảng đều nhằm đạt mục tiêu cao nhất là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, Người nhấn mạnh: “Điểm mấu chốt là lãnh đạo tư tưởng, làm cho cán bộ và nhân dân thông suốt đường lối, phương châm công tác...” (11). Bởi, công tác chính trị chỉ có thể thành công nếu cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân nhận thức được tính đúng đắn, tin theo chủ trương, đường lối của Đảng hay "thông suốt đường lối, phương châm công tác" của Đảng. Có nhận thức đúng thì quần chúng nhân dân mới có niềm tin và có hành động đúng.

Mặt khác, một giai cấp, một đảng cầm quyền có thể xác định cho mình một con đường đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển chung của xã hội nhưng nếu không có sự đồng tình, ủng hộ của đại bộ phận giai cấp mình, đảng viên của đảng mình và quần chúng nhân dân thì con đường đó sẽ khó hoặc rất chậm để đưa giai cấp đó, đảng đó đến được đích. Sự ủng hộ, đồng tình trên cần được xây dựng qua hoạt động truyền bá tư tưởng, chủ trương, đường lối của giai cấp, của đảng cầm quyền đến với quần chúng nhân dân. Làm cho quần chúng nhân dân tin theo, ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng.

Hai là, vai trò của công tác tư tưởng trong mối quan hệ với công tác tổ chức. Khi đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa đường lối cách mạng của Đảng với nhận thức của quần chúng nhân dân, xây dựng niềm tin trong quần chúng nhân dân, công tác tư tưởng tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng của mình trong việc thúc đẩy hành động của quần chúng nhân dân, đảm bảo hiệu quả cao mục tiêu, chủ trương, đường lối của Đảng. Theo Hồ Chí Minh, công tác tổ chức của Đảng là hoạt động triển khai đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng nhằm đạt được mục tiêu đặt ra.

Trong tư tưởng của Người, công tác tổ chức phải gắn liền với công tác tư tưởng, phải dựa vào công tác tư tưởng để có kết quả tốt nhất. Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, công tác tổ chức cũng là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện sức mạnh, năng lực của Đảng. Có đường lối đúng đắn mà thực hiện không tốt thì cũng không thể có thắng lợi cách mạng. Công tác tổ chức là biện pháp của công tác chính trị. Để thông suốt từ công tác chính trị đến công tác tổ chức thì cần thực hiện tốt công tác tư tưởng. Công tác tư tưởng lúc này trở thành một điều kiện, một chất xúc tác đặc biệt quan trọng để quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên cũng như toàn Đảng thực hiện hiệu quả mục tiêu, đường lối chính trị đặt ra.

Trong quan điểm Hồ Chí Minh, sức mạnh về tổ chức sẽ được nhân lên gấp bội nếu có được sự thống nhất cao về tư tưởng. Phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành được thắng lợi to lớn khi gắn kết công tác tư tưởng và công tác tổ chức.

Vai trò của công tác tư tưởng trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng còn được Hồ Chí Minh khẳng định trong báo cáo tại Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) khi chỉ rõ: “Tình hình mới định ra ba nhiệm vụ mới là: 1- Tranh thủ và củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc. 2- Tăng cường lực lượng quân đội nhân dân, xây dựng một quân đội nhân dân mạnh mẽ và thích hợp với yêu cầu của tình thế mới. 3- Tiếp tục thực hiện người cày có ruộng; ra sức phục hồi sản xuất, chuẩn bị điều kiện kiến thiết nước nhà. Ba nhiệm vụ đó định ra 10 công tác” (12) và khẳng định: “Trong 10 công tác trên thì công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất. Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận thức tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới, thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất. Nếu trong Đảng và ngoài Đảng từ trên xuống dưới, từ trong đến ngoài đều tư tưởng thống nhất và hành động thống nhất thì nhiệm vụ tuy nặng nề, công việc tuy khó khăn phức tạp, ta cũng nhất định thắng lợi” (13).

Ba là, vai trò của công tác tư tưởng trong mối quan hệ với công tác kế hoạch. Khẳng định vai trò này, trong Bài nói chuyện tại Hội nghị phổ biến Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba về Kế hoạch Nhà nước năm 1961, Người nhấn mạnh: “Công tác tư tưởng, chính trị phải kết hợp chặt chẽ với công tác kế hoạch. Tư tưởng thông, mọi người hăng hái thực hiện kế hoạch mới tốt” (14). Muốn vậy, Người yêu cầu làm mọi việc đều phải có kế hoạch: “Bất kỳ việc to hay việc nhỏ đều phải có kế hoạch. Kế hoạch đầy đủ thì thành công. Kế hoạch không đầy đủ thì thành công một phần nửa. Không có kế hoạch thì hoàn toàn thất bại” (15). Người còn chỉ rõ: “Lãnh đạo cần phải chú trọng công tác tư tưởng, công tác xây dựng Đảng và củng cố chính quyền” (16).

Như vậy, công tác tư tưởng là tiền đề, cơ sở và nền tảng của sự thống nhất về chính trị và tổ chức, bảo đảm cho Đảng làm tròn và xứng đáng vai trò đội tiên phong chiến đấu của giai cấp và dân tộc. Khi nói đến công tác tư tưởng, Hồ Chí Minh thường chú ý đến vai trò định hướng, vừa chỉ ra mục tiêu hay cái đích cần đến, vừa có khả năng tập hợp lực lượng tạo ra sức mạnh tinh thần và vật chất. Công tác tư tưởng là linh hồn của công tác chính trị và công tác tổ chức.

Từ cơ sở lý luận trên, đặt ra tính tất yếu phải làm tốt công tác tư tưởng trước thềm Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng./.

(Còn nữa)

 

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr.580.

(2) (10) V.I. Lênin, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr.332; tr.501.

(3) Sđd, V.I. Lênin, Toàn tập, tập 38, tr.508.

(4) (6) (12) (13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.274; tr.279; tr.554; tr.554-555

(5) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, tr.289.

(7) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, tr.309.

(8) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, tr.598.

(9) V.I. Lênin, Toàn tập, tập 1, tr.382.

(11) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, tr.14.

(14) (16) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, tr.25; tr.261.

(15) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, tr.264.

Hoàng Long và nhóm PV