Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm thực hiện các kỹ thuật ghép thận, gan, tim, phổi, tụy, giác mạc... Đến nay đã làm chủ được các kỹ thuật cao, sánh ngang với các nước trong khu vực.

Cả nước đã có 26 trung tâm ghép tạng với đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực và kỹ thuật tiên tiến.

Trong hai năm gần đây, mỗi năm Việt Nam ghép hơn 1.000 ca, đứng số 1 Đông Nam Á về số ca ghép tạng/năm. Thành công này thể hiện rõ nét những tiến bộ vượt bậc về trình độ, kỹ thuật chuyên môn sâu, kinh nghiệm phong phú của ngành Y tế Việt Nam. Đồng thời, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sự tận tụy, hết lòng vì người bệnh của các nhân viên y tế, thắp lên hi vọng hồi sinh cho người bệnh suy tạng.

Tuy nhiên, nguồn mô, tạng hiến tặng tại Việt Nam chủ yếu từ người hiến sống, chiếm 94%. Nguồn hiến từ người chết còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ghép mô, tạng ngày càng tăng. Tỉ lệ đăng ký hiến mô, tạng của người dân nói chung và đặc biệt tỉ lệ hiến mô, tạng sau khi chết não của Việt Nam còn rất thấp. Hiện nay, mới có hơn 86.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời, trong khi danh sách chờ ghép tạng luôn ở mức hàng chục nghìn người và mỗi ngày có hàng chục người chết vì không có tạng ghép.

Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của nền y học thế giới từ thế kỷ 20. Chúng ta rất tự hào, mặc dù đi sau thế giới 50 năm và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nhưng đến nay trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước và tỷ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam còn cao hơn so với một số quốc gia phát triển, trong khi chi phí rẻ hơn rất nhiều.

Theo Thủ tướng, trong hơn 30 năm qua, lĩnh vực ghép tạng đã đạt được sự tiến bộ vượt bậc đó chính là nhờ 3 yếu tố chủ yếu: Thứ nhất, chủ trương, đường lối, chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước; thứ hai, sự nỗ lực của đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế; thứ ba, đặc biệt là sự hy sinh cao cả của những người hiến tạng, gia đình người hiến tạng và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu phát động chương trình. Ảnh: Trần Minh

Nhân dịp này, Thủ tướng trân trọng cảm ơn và tri ân những tấm lòng nhân ái, hành động cao đẹp của những người, những gia đình hiến tạng. Đây thực sự là những tấm gương sáng về người tốt, việc thiện, nêu cao tinh thần “cho đi là còn mãi”, vượt qua nỗi đau thương, mất mát, định kiến để gieo mầm sự sống, hạnh phúc cho nhiều gia đình, bệnh nhân khác.

Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận, biểu dương và gửi lời chúc mừng tới lãnh đạo Bộ Y tế, các thầy thuốc Việt Nam, đặc biệt là những giáo sư, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế trong lĩnh vực ghép tạng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, không ngừng nghiên cứu, nâng cao trình độ, luôn tận tụy, hết lòng cho sự nghiệp “chữa bệnh, cứu người”, thắp lên hi vọng hồi sinh cho nhiều bệnh nhân và gia đình đang ngày đêm mong mỏi.

Để phát huy truyền thống “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc ta; với mong muốn nhận thức và tinh thần hiến tạng cứu người tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa trong xã hội, Thủ tướng kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, vùng miền: Hãy tình nguyện đăng ký hiến tạng trên tinh thần “Mở lòng nhân ái - Lan tỏa yêu thương -
Thắp sáng niềm tin - Tiếp nối hy vọng - Gieo mầm sự sống” vì “cho đi là còn mãi”, một người có thể cứu nhiều người.

Thủ tướng đề nghị các đơn vị cần tiếp tục phát triển ngành ghép tạng, mở rộng nguồn mô tạng hiến từ người chết, chết não. Nghiên cứu chính sách ưu tiên, cơ chế đặc thù, khuyến khích cho lĩnh vực hiến, ghép mô tạng.

Thủ tướng đề xuất cần có một ngày để tôn vinh, vận động đăng ký hiến mô tạng. Có thể lấy ngay ngày hôm nay 19/5, ngày sinh Bác Hồ, làm Ngày Hiến tặng mô, tạng.

Ngay sau khi cùng các đại biểu phát động Chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đăng ký hiến tạng.

Thực hiện lời phát động của Thủ tướng Chính phủ, nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan kêu gọi tất cả các cán bộ, nhân viên ngành Y tế tham gia đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời.

“Chúng ta hãy cùng nhau chung tay hồi sinh những mảnh đời đang mòn mỏi từng ngày chờ được ghép mô, tạng. Chúng ta hãy lan toả ý nghĩa tốt đẹp của việc đăng ký hiến mô, tạng tới mọi người trong cộng đồng. Tôi tin tưởng rằng mọi nỗ lực, lòng nhân ái và tâm huyết của mỗi cán bộ y tế là một phần quan trọng góp phần xây dựng nền y học Việt Nam và tô đậm thêm truyền thống "tương thân, tương ái" của dân tộc”, người đứng đầu ngành Y tế nói.

Phương Anh