Người đảng viên lão thành với kỷ niệm gặp Bác

Chúng tôi gặp đảng viên Đào Văn Nhiếp (bí danh Mạnh Hùng) tại tư gia của ông bà đang sinh sống cùng người con gái thứ ở xóm Lưu Thọ, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Xuân Qúy Mão này, ông đã bước sang tuổi 94; vợ ông - bà Vũ Thị Thước cũng đã 91 tuổi, nhưng cả hai luôn thường trực nụ cười trên môi. Gặp khách đến, dù đi lại khó khăn, nhưng ông vui lắm. Bàn tay gầy guộc của người phụ nữ ngồi cạnh ông cứ nắm chặt tay ông, rồi ông nhớ chuyện xưa, kể chuyện nay một cách rành mạch.

Ông Đào Văn Nhiếp sinh ra trong một gia đình bần nông đông anh em, có 5 người con (3 trai, 2 gái). Là con trai thứ 3, được cha mẹ lo ăn học hết lớp 7 hệ bổ túc, rồi lớn lên tham gia các phong trào hoạt động ở địa phương.

Năm 15 tuổi, giữa phong trào Cách mạng Tháng Tám thành công, ông đã sớm giác ngộ cách mạng, cùng với nhân dân trong xã, lên huyện đường Anh Sơn (phủ huyện lúc bấy giờ, nay gồm huyện Đô Lương) tham gia đấu tranh cướp chính quyền, sau đó gia nhập Đội Thanh niên cứu quốc, tổ chức dạy bình dân học vụ giúp nhân dân thoát khỏi nạn mù chữ, rồi hoạt động ở Tổ Cứu trợ thương binh. Lúc bấy giờ, thanh niên trẻ Đào Văn Nhiếp giữ các cương vị ủy viên Ban Chấp hành Đoàn xã, Đoàn trưởng Thanh niên cứu quốc xã.

Đến năm 1949, ông được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng khi tròn 19 tuổi.

Trong khoảng thời gian từ 1952 - 1974, ông chuyển công tác sang quân đội, phụ trách nhiều đơn vị từ Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Nam Lào, Bắc Lào, được phong quân hàm Thiếu tá.

Đến tháng 9/1982, ông được nghỉ hưu tại quê nhà.

leftcenterrightdel
Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ Hồ Lê Ngọc (trái) và Bí thư Huyện ủy Đô Lương Phùng Thành Vinh trao Huy hiệu 75 tuổi Đảng cho đảng viên Đào Văn Nhiếp. Ảnh: Ngọc Phương 

Gần 35 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, trách nhiệm, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông đều thể hiện vai trò tiên phong của người đảng viên, luôn đem hết khả năng, nghị lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của Đảng, quân đội và đơn vị giao.

Ông Trần Thanh Trung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lưu Sơn cho biết: "Bản thân trưởng thành từ các phong trào đoàn thể từ cơ sở, lại là người luôn gần gũi xóm làng cùng gia đình đảng viên Đào Văn Nhiếp, nên khi nhắc đến ông, thế hệ trẻ chúng tôi vô cùng cảm phục, biết ơn và kính trọng cả những đóng góp của ông cũng như đạo đức, nếp sống gương mẫu của gia đình".

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, ông Nhiếp đã cùng đồng đội lập được nhiều chiến công xuất sắc, bắn rơi máy bay của giặc Mỹ. Với những đóng góp của mình, ông Nhiếp được 5 lần đi dự Đại hội Thi đua yêu nước, và đều có Bác Hồ dự, như: Đại hội Tổng kết xây dựng chi bộ Đảng bộ 4 tốt toàn miền Bắc; Đại hội Quyết thắng toàn quân; Đại hội Anh hùng lần thứ nhất, lần thứ 2; sinh nhật Đoàn toàn quốc. Nhớ lại những thời khắc quý giá ấy, người cựu binh vẫn rưng rưng những kỷ niệm chiến trường được khắc cốt ghi tâm, đặc biệt là 2 lần được chụp ảnh chung với Bác Hồ.

leftcenterrightdel
Bức ảnh chụp chung với Bác Hồ được ông Nhiếp cất giữ cẩn thận, treo ở vị trí trang trọng trong nhà. Ảnh: Xuân Thống 

“Sinh nhật Đoàn, lúc đó, cả Bác Hồ và ông Phạm Văn Đồng tham dự. Hôm đó, Bác Hồ có hỏi, các cô, các chú, các cháu có mặt đây có ai thuộc bài thơ “5 điều Bác dạy thanh niên" thì giơ tay. Bữa ấy, không ai trả lời được. Tôi đứng bên cạnh Bác, nhưng khi được hỏi, dù mình không thuộc nhưng tôi vẫn giơ tay lên (cười). Bác Hồ ân cần, “làm công tác chính trị mà không thuộc các điều dạy cho thanh niên là không được, làm sao dạy bảo, giáo dục được thanh niên”. Chỉ một chi tiết nhỏ ấy đã theo tôi đến mãi sau này, để rồi khi hoạt động ở các phong trào, trong mọi giai đoạn lịch sử, bản thân tôi luôn luôn cố gắng, tự học tập, rèn luyện được nhiều điều bổ ích và ý nghĩa cho đời", ông Nhiếp tâm sự.

"Trở về với cuộc sống đời thường, nhưng phẩm chất của người lính Cụ Hồ vẫn tỏa rạng trong ý nghĩ và hành động của ông. Ông còn là một người mẫu mực, tích cực vận động con cháu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; luôn luôn là tấm gương mẫu mực cho cán bộ, nhân dân địa phương. Vì vậy, nhiều đảng viên trong Chi bộ Phú Thọ, nay là Lưu Thọ, Đảng bộ xã Lưu Sơn luôn lấy tấm gương của ông làm lý tưởng để phấn đấu, học tập và noi theo", ông Đào Văn Tài, Bí thư Đảng ủy xã Lưu Sơn nhấn mạnh.

Luôn là tấm gương sáng

Với nhiều thành tích trong quá trình công tác, ông Đào Văn Nhiếp được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Quân kỳ quyết thắng; Huân chương Quân công hạng Ba, cùng nhiều bằng khen và phần thưởng quý giá khác.

Nhiều lần là đại biểu tiêu biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước, Đại hội Quyết thắng, Đại hội Thi đua toàn quân.

Sau chiến tranh, trở về quê hương, ông luôn thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên kiên trung, là người cựu chiến binh mẫu mực, gần gũi.

Ông đã được Đảng trao tặng Huy hiệu 40, 50, 60, 65, 70 và 75 năm tuổi Đảng. Đây là vinh dự riêng cho ông, cho gia đình, họ tộc và là niềm tự hào lớn của Đảng bộ xã Lưu Sơn.

Bí thư Đảng ủy xã Lưu Sơn Đào Văn Tài chia sẻ thêm: Trong quá trình công tác, dù bất cứ ở lĩnh vực hay trên cương vị nào, ông cũng luôn phát huy tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên để cùng xây dựng tập thể lớn mạnh. Mặc dù tuổi đã cao, đảng viên Đào Văn Nhiếp vẫn thường xuyên đóng góp nhiều ý kiến để xây dựng chi bộ, đảng bộ vững mạnh.

leftcenterrightdel
Không chỉ đảng viên có nhiều đóng góp, ông Đào Văn Nhiếp là hội viên người cao tuổi, cựu chiến binh luôn tiên phong trong phong trào "Tuổi cao gương sáng". Ảnh: NP 

Ở tuổi “xưa nay hiếm”, là đảng viên 75 tuổi Đảng với nhiều kỷ niệm được gặp Bác Hồ, trong ông vẫn luôn là điểm tựa tinh thần đoàn kết của gia đình, làng xóm. Đặc biệt, những người lính Cụ Hồ như cựu chiến binh Đào Văn Nhiếp là những người truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay để nắm chắc tay súng, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của quê hương, đất nước.

Xuân Thống