Trong hai cấu phần được xác định là nền tảng tư tưởng của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh là “tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”. Khẳng định này vừa là sự tổng kết từ những bài học thực tiễn, vừa là sự định hướng cho đất nước trên con đường quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Luận điệu sai trái, phản động của thế lực thù địch nhằm phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh

Tạo ra khoảng trống trong nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là mưu đồ đen tối, cố hữu của các thế lực thù địch, nhằm dễ dàng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”. Do đó, chưa khi nào chúng từ bỏ việc tuyên truyền, xuyên tạc, bôi xấu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, các thế lực thù địch ráo riết sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn như: Thông qua internet, mạng xã hội, lập nhiều trang web, blog, tạp chí, báo, các đài phát thanh có chương trình tiếng Việt… để tuyên truyền, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chúng triệt để lợi dụng việc tổ chức các tọa đàm, hội thảo ở các nước có đông đảo bà con Việt kiều đang sinh sống, làm việc, như: Australia, Mỹ, Canada... gửi thư ngỏ, tài liệu truyền bá tư tưởng phản động, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; gắn vấn đề viện trợ, hợp tác kinh tế với điều kiện thay đổi cải cách chính trị, pháp luật theo kiểu phương Tây, trong đó, có thay đổi chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng hệ tư tưởng dân chủ tư sản.

Ngoài ra, chúng còn tìm cách móc nối, mua chuộc một số cán bộ, đảng viên bị thoái hóa, biến chất trong Đảng, Nhà nước viết bài, tung tin tuyên truyền, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh; kích động tâm lý hoài nghi của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Chúng đưa ra những luận điệu nhằm phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh như: Không có tư tưởng Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh chỉ là “người có tài tập hợp lực lượng, là người hành động giỏi, xuất sắc” nhưng “không phải là người sáng tạo lý luận, tư tưởng”…

Hay chúng cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là sự du nhập tư tưởng ngoại lai, không phù hợp với Việt Nam. Thậm chí, chúng còn tìm cách đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác - Lênin, coi Hồ Chí Minh chỉ là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không phải là người cộng sản…

Không chỉ vậy, chúng còn xuyên tạc, tư tưởng Hồ Chí Minh đã lỗi thời, không có tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội. “Hồ Chí Minh chỉ quan tâm đến giải phóng dân tộc, không quan tâm đến chủ nghĩa xã hội”, “tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ có giá trị thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, Việt Nam không cần có tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn có thể đi lên chủ nghĩa xã hội”…

Đây là bước đi nhằm tiến tới phủ định bản chất khoa học, cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo ra sự ngộ nhận trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Sâu xa hơn là đi đến hạ thấp vai trò, công lao vĩ đại của Hồ Chí Minh; phủ nhận tính cách mạng, khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh, gây mất niềm tin đối với cả tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lênin, đi đến phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng.

Không thể phủ nhận giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh đối với dân tộc và nhân loại

Trước hết khẳng định, có tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội.

Hồ Chí Minh không có ý định trở thành nhà tư tưởng. Đó là sự thật. Là người dân của một nước thuộc địa, Người ý thức rất rõ về trách nhiệm trong việc giành độc lập cho dân dộc, đem lại hoà bình, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đó cũng chính là “ham muốn tột bậc” chi phối mọi nhận thức và hành động của Người.

Tuy nhiên, chỉ cần dựa vào Bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, gồm 15 tập do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản năm 2011; Bộ sách Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, gồm 10 tập do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản năm 2016 và các cuốn Hồ Chí Minh tiểu sử; các công trình nghiên cứu chuyên khảo, tham khảo được công bố rộng rãi bởi các cơ quan nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học về lịch sử, lịch sử Đảng, về Hồ Chí Minh, chính trị học đầu ngành ở cả trong nước và quốc tế… với những nguồn tư liệu chính thống, quý giá, chân thực cũng đủ cơ sở để khẳng định sự tồn tại của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Năm 1970, nhà triết học Nhật Bản Singô Sibata đã viết cuốn sách “Hồ Chí Minh, nhà tư tưởng”.

Báo chí Cuba coi “Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thời đại chúng ta”.

Cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Mỹ Gớt Hôn (Gus Hall) thì cho rằng: “Đồng chí Hồ Chí Minh là một lãnh tụ và là một nhà tư tưởng Mácxít - Lêninnít vĩ đại của thế giới”.

Còn UNESCO khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là hiện thân khát vọng của các dân tộc trong việc bảo vệ bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho sự thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau”…

Những kẻ phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội không hiểu rằng, cống hiến lớn nhất của Người cho cách mạng Việt Nam là tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây là một đột phá về lý luận của Người về con đường, mục tiêu và phương thức phát triển của cách mạng Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Hơn lúc nào hết, cần phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ảnh: Internet

Từ việc thấm nhuần lý luận về sự phát triển các hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác, Hồ Chí Minh khẳng định tính tất yếu của sự phát triển xã hội loài người: “Không có lực lượng gì ngăn trở được mặt trời mọc. Không có lực lượng gì ngăn trở được lịch sử loài người tiến lên. Cũng không có lực lượng gì ngăn trở được chủ nghĩa xã hội phát triển”[1].

Trong các tác phẩm của mình, Hồ Chí Minh có nhắc đến hàng nghìn cụm từ “chủ nghĩa xã hội” hay “xã hội chủ nghĩa” thể hiện các quan điểm toàn diện và sâu sắc về chủ nghĩa xã hội.

Họ cũng cố tình lờ đi việc Hồ Chí Minh chính là nhà lãnh đạo, tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực tiễn sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện vô cùng khó khăn. Đó là, miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội trong khi miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dưới sự lãnh đạo của Người, trong khoảng 10 năm (1954 - 1964), miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã tiến những bước dài chưa từng có, đất nước, xã hội và con người đều đổi mới. Thành quả của chủ nghĩa xã hội không chỉ là mong ước tốt đẹp của dân tộc ta mà còn là giá trị đích thực của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Một điều nữa cần khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh không tách rời và đối lập chủ nghĩa Mác - Lênin. Tư tưởng Hồ Chí Minh có cơ sở hình thành từ tinh hoa văn hoá dân tộc và nhân loại, mà đỉnh cao của là chủ nghĩa Mác - Lênin; thông qua hoạt động thực tiễn đầy phong phú, sáng tạo và trí tuệ thiên tài, Hồ Chí Minh đã vận dụng lập trường, quan điểm, phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để tìm ra con đường giải phóng và phát triển của dân tộc Việt Nam.

Về lôgic, tư tưởng Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển, làm phong phú, sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin; vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể Việt Nam.

Với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác - Lênin là “cái cẩm nang thần kỳ”, là “cái la bàn”, là “trí khôn”, là “vũ khí tinh thần” của giai cấp công nhân, là kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Vì vậy, về bản chất, tư tưởng Hồ Chí Minh là một thể thống nhất với chủ nghĩa Mác - Lênin, không hề “đối lập”, “khác biệt”, “đối trọng” với chủ nghĩa Mác - Lênin như một số người cố tình ngụy tạo, tưởng tượng ra.

Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ nghĩa Mác - Lênin là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh”[2]. Vì vậy, Người luôn kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam.

Hồ Chí Minh không giáo điều khi tiếp thu lý luận Mác - Lênin mà nắm lấy cái căn cốt, tinh thần, bản chất và vận dụng lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin một cách phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trong khi vận dụng, Người đã kết hợp với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại. Người đã sáng tạo một hệ thống tư tưởng và lý luận của chính mình.

Thực tế cho thấy, một tư tưởng, hệ tư tưởng được đánh giá là cách mạng, khoa học khi và chỉ khi xuất phát và phản ánh đúng thực tiễn, soi đường cho hoạt động thực tiễn, thúc đẩy thực tiễn phát triển. Điều này luôn đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh và được trả lời bằng thực tiễn khách quan của cách mạng Việt Nam trong suốt gần một thế kỷ qua.

Hồ Chí Minh cả cuộc đời nỗ lực thực hiện khát vọng: "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu" và “cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập” với niềm tin chân lý: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do"…

Người xác định con đường xã hội chủ nghĩa ngay từ đầu là phải: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm. Người nào cũng biết chữ. Người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước”[3].

Người yêu cầu mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều hướng đến nhân dân, chăm lo lợi ích của dân, “việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì ta phải hết sức tránh”. Mục tiêu trong cách mạng giải phóng dân tộc hay trong cách mạng xã hội chủ nghĩa cũng đều vì dân, “đem tài dân, sức dân để làm lợi cho dân”...

Giáo sư người Hàn Quốc Ahn Kyong Hwan đã đưa ra nhận định: “Tôi nghĩ rằng trong tương lai các nhà lãnh đạo trên thế giới cần tiếp nhận tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đất nước họ sẽ tốt đẹp và nhân dân họ sẽ hạnh phúc”[4].

Một tư tưởng mang bản chất cách mạng, khoa học và nhân văn thì không thể “không có giá trị”!

Tư tưởng Hồ Chí Minh - sức hút với nhân loại tiến bộ

Ngày nay, tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục soi đường cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi. Trong những năm qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó chứng minh rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào phong trào cách mạng Việt Nam, phù hợp với quy luật phát triển của thời đại, để kiến tạo nên một thời đại mới cho dân tộc Việt Nam, thời đại Hồ Chí Minh.

Trong công cuộc đổi mới, trên cơ sở nhận thức đúng đắn, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới, Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”.

Không ai có quyền nghi ngờ Nghị quyết 24C/18.65 phiên họp Đại hội đồng lần thứ 24 (20/10 - 20/11/1987) của UNESCO đã tôn vinh Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá lớn nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người (19/5/1990).

Văn kiện quan trọng của một tổ chức quốc tế lớn thuộc Liên hợp quốc đã ghi nhận những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội…

Cũng không ai có quyền phủ nhận việc Ðại hội đồng UNESCO đã khuyến nghị các nước thành viên cùng tham gia Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó, làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người.

Đồng thời, đề nghị ông Tổng Giám đốc UNESCO triển khai các biện pháp thích hợp để Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động sẽ diễn ra ở Việt Nam…

Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô V.M.Solnsev nhận định: “Trong thế giới đầy năng động của chúng ta ngày nay đang diễn ra những biến đổi lớn lao… Khái niệm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội, về con đường và các phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng thay đổi. Nhưng trong mọi biến đổi cũng có một số điều quan trọng không hề thay đổi. Đó là lý tưởng xã hội chủ nghĩa, các tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa, tự do, dân chủ và công bằng xã hội, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà yêu nước vĩ đại, người theo chủ nghĩa quốc tế đã cống hiến trọn đời cho những lý tưởng đó. Năm tháng sẽ qua đi nhưng nhân loại tiến bộ sẽ nhớ mãi tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”[5]

Trên đây chỉ là một trong số rất ít những trích dẫn thể hiện sự đánh giá, nhìn nhận của bạn bè thế giới khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng cũng đủ để chúng ta thấy được sức sống của Di sản Hồ Chí Minh đối với thế giới và nhân loại; đặc biệt là đối với những quốc gia, vùng lãnh thổ đã và đang nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội…

Chính vì lẽ đó, những luận điệu xuyên tạc, giả dối, phản động phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh đều là sự ngụy tạo nhằm thực hiện mưu đồ chính trị đen tối. Trên tất cả các bình diện, những luận điệu này cần được loại bỏ.

[1]. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, t.11, tr.158.

[2].  Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.120.

[3]. Hồ Chí Minh (2021), Toàn tập, Sđd, t.5, tr.81.

[4]. Ahn Kyong Hwan (2011), Bài phỏng vấn giáo sư Ahn Kyong Hwan trên Tạp chí Tuyên giáo, Việt Nam. https://tuyengiao.vn/theo-guong-bac/ho-chu-tich-trong-an-tuong-cua-giao-su-han-quoc-31464

[5]. Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nxb Khoa học Xã hội, H.1990. tr.86.

Trọng Tài