Ngày 31/3, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 7 năm thực hiện Quy chế Phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự Đảng TAND Tối cao, Ban Cán sự Đảng Viện KSND Tối cao.

Làm rõ bản chất vụ lợi, xử nghiêm cả cán bộ cấp cao

Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhấn mạnh, các cơ quan trên đã rất trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, tham mưu có hiệu quả cho Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhiều vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là “nhạy cảm” đã được tập trung chỉ đạo điều tra, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi; xử lý nghiêm minh, cả cán bộ cao cấp, cả đương chức và đã nghỉ hưu, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

4 cơ quan đã phối hợp tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ án, vụ việc có liên quan đến chính trị, đối ngoại; khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, bắt giữ người trái pháp luật; các vụ việc tụ tập đông người…

Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự Đảng TAND Tối cao, Ban Cán sự Đảng Viện KSND Tối cao tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo, kiểm tra, giám sát những khâu yếu, lĩnh vực trọng tâm, nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực…

Bên cạnh những kết quả này, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng lưu ý vẫn còn những hạn chế như phối hợp, tham mưu chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc còn chậm so với kế hoạch của Ban Chỉ đạo; có lúc, có việc, công tác phối hợp vẫn chưa thực sự nhịp nhàng; có vụ, việc chậm được hướng dẫn, chỉ đạo xử lý hoặc hướng dẫn thiếu thống nhất, gây khó khăn, kéo dài trong xử lý một số vụ án, vụ việc ở địa phương…

Theo Thường trực Ban Bí thư, 4 cơ quan cần nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, đề ra các giải pháp khắc phục, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong thời gian tới.

Thu hồi tài sản tham nhũng ngay khi điều tra, truy tố, xét xử

Cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo, Thường trực Ban Bí thư lưu ý một số vấn đề cụ thể. Theo ông, các cơ quan cần tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong nghiên cứu, tham mưu các chủ trương, quan điểm, định hướng lớn của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.

leftcenterrightdel
Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 7 năm thực hiện Quy chế Phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự Đảng TAND Tối cao, Ban Cán sự Đảng Viện KSND Tối cao. Ảnh: Đ.X 

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường phối hợp, tham mưu, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, không bao giờ giải quyết một vấn đề gì dựa trên dư luận xã hội hay chạy theo dư luận xã hội, song đối với những vi phạm có tính chất thách thức đường lối của Đảng, Nhà nước, thách thức dư luận xã hội và được lãnh đạo các cấp, đặc biệt lãnh đạo chủ chốt có chỉ đạo thì cần xử lý khẩn trương, xử lý nghiêm minh, kịp thời.

“3 vụ việc được xử lý vừa qua có tác dụng xã hội rất tốt, như vụ xử lý nhóm “báo sạch”, vụ bà Nguyễn Phương Hằng, vụ thao túng thị trường chứng khoán. Đó là 3 vụ việc sai phạm có tính chất thách thức đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thách thức dư luận xã hội và chúng ta có cách xử lý nghiêm minh, kịp thời, có tính toán bảo đảm những yếu tố để không gây ảnh hưởng đến các hoạt động, cần làm tốt trong thời gian tới”, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Nhiệm vụ nữa được Thường trực Ban Bí thư đề cập với 4 cơ quan, đó là phối hợp tham mưu, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Chủ động phối hợp, tham mưu chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ án, vụ việc có liên quan đến chính trị, đối ngoại, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm theo đúng Chỉ thị số 26 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 04 của Ban Bí thư. Quan tâm phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn xử lý các khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

4 cơ quan cũng phải chủ động phối hợp, tham mưu chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, an ninh tôn giáo; hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm; những bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài, phức tạp... không để phát sinh “điểm nóng”, bị động, bất ngờ.

Cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách ở cơ quan pháp luật, nội chính; xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan nội chính, tư pháp trong sạch, liêm chính, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín....

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh, phát biểu của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã đánh giá sâu sắc, toàn diện những kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và định hướng những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về công tác phối hợp của bốn cơ quan trong thời gian tới, nhất là phải nêu cao trách nhiệm, thực sự trong sáng, chân thành, thấu hiểu, tin tưởng lẫn nhau, chia sẻ thông tin và hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.

Nhân dịp này, các lãnh đạo đã trao thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nội chính Đảng”, Bằng khen của Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho nhiều tập thể và cá nhân. 

Theo báo cáo sơ kết quy chế cho thấy, các cơ quan đã phối hợp tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước chủ trương, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.

Đáng chú ý, đã tham mưu có hiệu quả với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, xử lý nghiêm các vi phạm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Các cơ quan đã phối hợp tham mưu đưa 965 vụ án, vụ việc vào theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ, trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 171 vụ án, 130 vụ việc. Các cơ quan điều tra trong công an đã thụ lý 123 vụ án, 925 bị can, 72 vụ việc. Viện KSND các cấp đã thụ lý 160 vụ án/1121 bị can, 124 vụ việc; đã truy tố 118 vụ/1056 bị can. TAND các cấp đã đưa ra xét xử sơ thẩm 112 vụ án/ 1008 bị cáo, xét xử phúc thẩm 77 vụ án/ 666 bị cáo.

Hương Giang