Hương Giang
Thứ hai, 23/01/2023 - 06:38
(Thanh tra) - Dự báo nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái trong năm 2023. Theo nhận định của các chuyên gia, dù bối cảnh như vậy, Việt Nam vẫn có cơ sở để tiếp tục “trụ vững”, duy trì tăng trưởng tích cực.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, Quốc hội đặt chỉ tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 là khá cao, nhưng có cơ sở để đạt được. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: hanoimoi
Không “bỏ mặc” người dân, doanh nghiệp
Nhìn lại năm 2022, Việt Nam chịu nhiều sức ép lớn, “khó khăn chồng khó khăn”, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội “khởi sắc” trên hầu hết các lĩnh vực, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Đặc biệt, trước những vấn đề “nóng” như thị trường vốn, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, xăng dầu, thiếu thuốc và trang thiết bị y tế… Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, trong đó có tháo gỡ về vốn, mở rộng thị trường, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy, bảo đảm các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và các tổ chức tín dụng hoạt động công khai, minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững.
“Khi thấy người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn thì cơ quan nhà nước không được bỏ mặc mà trách nhiệm càng phải cao”, người đứng đầu Chính phủ nhiều lần lưu ý, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Nhờ nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, điều hành không “giật cục” đã góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế nhanh và phát triển bền vững.
“Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực và dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế năm 2022, 2023, như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong “bức tranh xám màu”, dự báo năm 2022 Việt Nam tăng 7% - là mức tăng trưởng kỳ tích và đứng đầu ASEAN”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích, năm 2022 tăng trưởng kinh tế tích cực nhờ cuối năm 2021, Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh.
“Từ quý IV/2021, chúng ta kịp thời mở cửa nền kinh tế, các hoạt động dần dần bình thường hóa trở lại. Đây là động lực để thúc đẩy phục hồi nhanh của năm 2022. Cạnh đó, nhờ gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, các giải pháp giảm thuế với doanh nghiệp, nên quý I phục hồi, quý II tăng trưởng và tạo tăng trưởng đột biến ở quý III/2022”, ông Cung trao đổi với báo chí.
Chính phủ ước tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt khoảng 8% (vượt mục tiêu Quốc hội giao là 6-6,5%). TS Nguyễn Đình Cung lưu ý, đánh giá bức tranh kinh tế phải bình tĩnh, khách quan, không lạc quan quá mức.
“Nếu cho rằng nền kinh tế phục hồi tốt rồi, quá lạc quan sẽ ảnh hưởng đến việc đưa ra các chính sách phù hợp với diễn biến trên cả khu vực tài chính và kinh tế thực”, chuyên gia này nói.
Giữ ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống
Theo TS Nguyễn Đình Cung, năm 2023, dự báo kinh tế toàn cầu suy giảm. Có nghĩa, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm mạnh, tác động trực tiếp đến các đơn hàng xuất khẩu và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt.
Giá năng lượng ở mức cao, đặc biệt là xăng dầu; rồi các nước tiếp tục thắt chặt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; lãi suất tăng, tỷ giá đồng USD/VND tăng. “Những tác động từ bên ngoài sẽ đẩy chi phí sản xuất trong nước tăng, lợi nhuận giảm, buộc doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất”, ông Cung nhìn nhận.
Thêm nữa, thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn rủi ro. TS Nguyễn Đình Cung nêu, nhà đầu tư thua lỗ, thị trường tài chính suy giảm thì cầu trong nước cũng suy giảm.
“Niềm tin của nhà đầu tư giảm sút bởi những đứt gãy trên thị trường vốn. Khi chưa có niềm tin, họ có tiền cũng không đầu tư, như vậy thanh khoản thị trường sẽ thu hẹp lại. Và doanh nghiệp đã khó như vậy, nếu họ muốn đầu tư cũng không thu hút được vốn”, nguyên Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.
Loạt khó khăn của nền kinh tế đã được Quốc hội nhận định và yêu cầu Chính phủ theo dõi sát diễn biến, tình hình, kịp thời nhận biết rủi ro để có đối sách phù hợp, điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế hợp lý, hiệu quả.
“Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tập trung giải quyết căn cơ, có kết quả cụ thể các yếu kém, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, trong xử lý các tổ chức tín dụng, các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay.
15 chỉ tiêu chủ yếu năm 2023 đã được Quốc hội “chốt”, trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 là khá cao, nhưng có cơ sở để đạt được. Theo ông, dù thế giới có biến động, “chao đảo” bởi lạm phát, suy thoái thì nền kinh tế Việt Nam vẫn “trụ vững”, duy trì tăng trưởng tích cực. Điều này đã được chứng minh qua đại dịch COVID-19.
“Việt Nam có thị trường trong nước quy mô tới 100 triệu dân - là thị trường lớn trên thế giới. Chúng ta cũng thâm nhập thị trường quốc tế khá tốt. Trong bối cảnh, chuỗi cung ứng đứt gãy ở nhiều nơi trên thế giới nhưng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong cả thời kỳ đại dịch và năm 2022 luôn cao”, ông Cường phân tích.
Hơn nữa, Việt Nam là nền kinh tế sản xuất nên cũng đỡ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với kinh tế dịch vụ. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam lại chủ yếu là hàng tiêu dùng, nên dù suy thoái, thị trường thu hẹp thì người ta vẫn phải tiêu dùng, chứ “không đóng cửa hoàn toàn”.
“Cả nhiệm kỳ này, chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 - 7%, với sự ổn định vĩ mô, đà tăng trưởng đang tốt như hiện nay thì không có lý gì không phấn đấu để đạt con số GDP 6,5% năm 2023”, ông Cường nói và tin tưởng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tích cực.
Việt Nam kiên định ổn định kinh tế vĩ mô trên cơ sở chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt, theo GS.TS Hoàng Văn Cường, là “rất phù hợp”. Điều này tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thu hút nhà đầu tư, hỗ trợ tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.
GS.TS Hoàng Văn Cường:
“Nút thắt thể chế được tháo gỡ sẽ tạo đà thúc đẩy tăng trưởng”
Rào cản lớn nhất khiến tăng trưởng chưa bứt phá được là do chưa có sự thay đổi đột phá liên quan đến tái cấu trúc nền kinh tế. Sản xuất vẫn dừng ở phân khúc giá trị thấp nên tăng trưởng chưa hết tiềm năng, nhất là tăng năng suất lao động không đạt mục tiêu đề ra.
Giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để đổi mới công nghệ, quy trình, từ đó bứt phá chuyển sản xuất phân khúc giá trị thấp sang những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.
Xét về tổng thể, nhiều chính sách, pháp luật chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nên ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh, như các dự án bất động sản thì còn vướng mắc nhiều ở Luật Đất đai, hay đầu tư công vẫn vướng ở quy trình, thủ tục… Nếu “nút thắt” thể chế được tháo gỡ sẽ tạo đà thúc đẩy tăng trưởng.
Ngoài ra, khi kinh tế suy giảm, đầu tư công là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Hiện nay, dư địa chính sách tài khóa tương đối tốt, khi tỷ lệ nợ công, bội chi ở mức thấp so với trần quy định. Do đó, có thể nghiên cứu mở rộng chính sách tài khóa để tăng thêm nguồn lực cho đầu tư công. Tất nhiên, dòng vốn đầu tư công phải đi đúng hướng, đúng lĩnh vực, đúng tiến độ mới có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh lãng phí, không gây ra những bất ổn.
TS Nguyễn Đình Cung:
“Giải ngân vốn đầu tư công cần nhiều và nhanh hơn”
Trong năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công cần nhiều và nhanh hơn nữa để giải tỏa tâm lý nhà thầu; phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án do giá vật tư đầu vào tăng cao để họ yên tâm làm có lãi, ít nhất là không lỗ.
Cạnh đó, thay đổi điều kiện, thủ tục thanh toán cho nhà thầu. Nên quy định Kho bạc Nhà nước giải ngân trong vòng 24h kể từ khi nhà thầu đủ điều kiện để giải ngân. Vốn đầu tư giải ngân được cũng giảm áp lực về thanh khoản và dòng tiền trên thị trường tiền tệ.
Chúng ta đang ứ đọng khối lượng tiền rất lớn nên phải nhanh chóng tháo đập này để nước về đồng đang khô cạn. Ở đây, chỉ cần thay đổi cách thức làm việc thôi đã giải tỏa một phần khá lớn nhu cầu vốn của nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp.
Tôi cũng cho rằng, điều hành kinh tế vĩ mô phải linh hoạt, gồm cả chính sách tiền tệ và tài khóa; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, đất đai. Đây là những lĩnh vực, doanh nghiệp đầu tư để tạo ra tài sản, tạo ra năng lực sản xuất mới của nền kinh tế.
Cho nên rất cần một tư duy phát triển mới, tạo ra một làn sóng cải cách mới và thực ra làn sóng cải cách mới không có gì là xa lạ, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021- 2025 đã nêu đầy đủ, chỉ cần làm theo đó.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
Văn Thanh
20:42 11/10/2024Chính Bình
20:21 11/10/2024Châu Yên
20:13 11/10/2024Lê Hữu Chính
18:02 11/10/2024Kim Thành
10:19 11/10/2024Chu Tuấn
Thái Hải
Hương Trà
Chu Tuấn
Nhật Huyền
Thanh Thanh
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Văn Thanh
Trần Kiên - Trường Giang
Phương Anh
Thu Huyền