Chống tốt, tại sao tội phạm vẫn tăng?

Nêu ý kiến thảo luận về công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng năm 2023 ngày 21/11, đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) nói các cơ quan pháp luật có rất nhiều biện pháp đổi mới. Cán bộ trong các cơ quan này đã nỗ lực rất lớn.

Điều này, thể hiện ở kết quả đạt được, khi tỷ lệ khám phá tội phạm, tội phạm nghiêm trọng và chất lượng điều tra, truy tố, xét xử đều được nâng lên; truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, không có trường hợp làm oan người vô tội.

“Một số nơi ở các cơ quan, tòa, viện, cán bộ xin đi làm chỗ khác, thậm chí xin nghỉ việc vì áp lực công việc lớn quá, nhưng kết quả vẫn đạt được như vậy, theo tôi, Quốc hội phải đánh giá nỗ lực rất lớn của cơ quan tư pháp”, ông Phàn nhấn mạnh.

Đấu tranh chống tội phạm đạt được kết quả, nhưng đại biểu băn khoăn là tội phạm vẫn tăng, nhất là tội phạm mới tăng lên nhiều.

“Không phải một năm mà nhiều năm rồi, chúng ta tập trung chống tốt, nhưng tại sao tội phạm vẫn tăng? Phải chăng chúng ta phải tập trung nghiên cứu một cách căn cơ về nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tội phạm để làm tốt công tác phòng ngừa?”, ông Phàn nêu.

Từ cách đặt vấn đề như vậy, ông Phàn cho rằng, trách nhiệm trên không chỉ của các cơ quan pháp luật, mà của tất cả cơ quan và toàn xã hội.

Nhận định xã hội chỉ có 2 hiện tượng: Tích cực và tiêu cực, theo đại biểu đoàn Bình Dương, để giảm tiêu cực, bên cạnh tấn công trực tiếp vào tiêu cực, còn có biện pháp khác là tăng tích cực.

leftcenterrightdel
Đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương). Ảnh: P.Thắng

“Tích cực tăng lên sẽ giảm tiêu cực”, ông Phàn đề nghị phải chú ý hơn nữa biện pháp phòng ngừa tội phạm.

Theo báo cáo, tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 51,63% về số vụ, tăng 96,85% số đối tượng, đặc biệt, số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng 346,88%. 

Nói tham nhũng “không giảm là không đúng”

Tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cũng chia sẻ suy nghĩ khi càng chống, càng đấu tranh quyết liệt nhưng tội phạm cứ tăng; có những loại tội phạm “càng chống, càng tăng” như tội phạm tham nhũng, ma túy, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp…

Các loại tội phạm này, theo ông Trí, có đặc thù là ẩn, nên khi đấu tranh mạnh sẽ phát hiện và xử lý được nhiều; khi làm chưa đủ mạnh, không phát hiện ra nhiều thì mới nói “không có”.

“Tôi cho rằng, tội phạm tham nhũng so với trước đây chắc chắn giảm, còn giảm bao nhiêu phải có đánh giá cụ thể hơn nữa. Kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và điều tra, xử lý, truy tố, xét xử hiện nay, nói không giảm là không đúng”, Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh.

Ông giải thích, có tội phạm mới thực hiện hành vi, có loại đã xảy ra từ trước đây, bây giờ các cơ quan đang tiếp tục làm rõ bằng bản án hình sự, thu hồi tài sản về cho Nhà nước và xử lý, răn đe những kẻ chủ mưu cầm đầu.

Dù vậy, theo Viện trưởng Viện KSND, tội phạm tham nhũng tuy giảm nhưng vẫn còn, cho nên vẫn phải đấu tranh, xử lý.

Đề cập đến giải pháp để giảm tội phạm, ông Trí nhấn mạnh phải coi trọng và tập trung cho công tác phòng ngừa với rất nhiều biện pháp để chủ động ngăn chặn kịp thời tội phạm từ gốc.

“Cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội phải tham gia. Chúng ta đấu tranh, ngăn chặn, xử lý, nhưng mọi người cũng phải tự biết bảo vệ mình; cảnh báo, dự báo để có phòng ngừa, cảnh giác”, Viện trưởng Viện KSND Tối cao tin rằng, khi thực hiện đồng bộ các giải pháp thì chắc chắn, công tác đấu tranh với tội phạm sẽ hiệu quả hơn.

Ông Lê Minh Trí cũng khẳng định sẽ suy nghĩ để có những giải pháp, kiến nghị, đề xuất để tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm trong thời gian tới.

Chống tội phạm mà trang thiết bị không bằng tội phạm sẽ rất khó

Với các cơ quan tư pháp, nhất là tòa án, viện kiểm sát, đại biểu Quốc hội thấy đấy là các cơ quan có tính chất “rất đặc thù”. Cho nên, theo ông Trần Công Phàn, nếu cấp kinh phí và biên chế như các cơ quan hành chính thì rất khó

“Khi trực tiếp đấu tranh chống tiêu cực, chống tội phạm, vi phạm pháp luật mà không có trang thiết bị bằng tội phạm sẽ rất khó khăn”, ông Phàn đề nghị Quốc hội quan tâm xem xét để cấp biên chế, kinh phí tương xứng với nhiệm vụ đặt ra.

Theo báo cáo thẩm tra về công tác tư pháp, năm 2023, Chính phủ, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tại báo cáo, Chính phủ cho biết, công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng bổ nhiệm, miễn nhiệm và quản lý điều tra viên, cán bộ điều tra tiếp tục được quan tâm.

Số lượng điều tra viên toàn quốc hiện có 14.348 người, tăng 5,16% so với năm 2022 (trong đó, điều tra viên cao cấp 922, trung cấp 7.214, sơ cấp 6.212); đa số điều tra viên có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu công tác.

Viện KSND Tối cao tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy Viện kiểm sát các cấp; tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ và hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng...

TAND Tối cao chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán, quy hoạch, luân chuyển cán bộ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

“Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan thi hành án dân sự, thi hành án hình sự, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”, theo báo cáo thẩm tra.

Hương Giang