Nhiều điểm sáng của ngành VHTTDL

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong thời gian qua, hoạt động của ngành VHTTDL đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Bộ VHTTDL đã tích cực tham mưu cho Ban Bí thư, Bộ Chính trị và phối hợp với các cơ quan hữu quan của Đảng, Chính phủ tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào ngày 24/11/2021. Sau hơn một năm thực hiện 6 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, nhờ quyết tâm vào cuộc, Bộ VHTTDL nhận thấy quá trình tổ chức thực hiện đã có sức lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực. Sau hội nghị, 63/63 tỉnh, thành đều nghiêm túc triển khai và có kế hoạch, chương trình Nghị quyết để bổ sung thực hiện. Vì vậy, việc khắc phục, nâng cao nhận thức về văn hóa đã bước đầu có chiều sâu, đạt hiệu quả.

Trong công tác tổ chức sự kiện, Bộ VHTTDL đã chủ động rà soát, tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện VHTTDL mang tính chiều sâu, gắn với sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, tạo nhiều dấu ấn.

Năm 2022, Bộ VHTTDL đã tổ chức thành công SEA Games 31 thành công trên nhiều phương diện. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX được tổ chức với quy mô rộng nhất từ trước đến nay, nêu cao vai trò của thể thao quần chúng, tập trung phát triển thể thao thành tích cao. Ngành Thể thao thời gian qua cũng có nhiều chuyển động mạnh mẽ.

Đối với du lịch, sau 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, Bộ VHTTDL đã tập trung xác định, cơ cấu và tham mưu, cùng với các ngành để triển khai nhiều hoạt động phát triển du lịch. Năm 2022 khép lại, du lịch Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu về du lịch nội địa, đạt 101,3 triệu lượt khách; có đóng góp lớn cho kinh tế Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: TH

Đối với các lĩnh vực khác, Bộ trưởng cho biết, Bộ VHTTDL đã tập trung vào tạo đột phá trong quá trình rà soát lại các vấn đề thể chế. Trong thời gian ngắn, với tư cách là cơ quan soạn thảo, bộ đã trình Chính phủ và đã được Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ngoài ra, Bộ VHTTDL còn phối hợp với các bộ khác để soạn thảo 2 luật và ban hành nhiều văn bản pháp luật theo thẩm quyền.

Hoàn thiện thể chế, bảo đảm nguồn lực phát triển văn hóa

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao ngành VHTTDL đã vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều khó khăn, thách thức và biến động, nhất là tác động của đại dịch Covid - 19.

Điểm lại những kết quả nổi bật, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Bộ VHTTDL đã có rất nhiều nỗ lực, đặc biệt đã đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, chuyển từ làm văn hóa sang quản lý Nhà nước về văn hóa, chú trọng công tác xây dựng pháp luật, kiến tạo sự phát triển các ngành, lĩnh vực quản lý.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ VHTTDL và ngành VHTTDL cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về văn hóa, trước hết là để mỗi cán bộ ngành văn hóa phải hiểu và thấm nhuần sâu sắc nhất, từ đó tham mưu đúng, trúng, kịp thời cho cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các chủ trương và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Bộ VHTTDL. Ảnh: TH 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành VHTTDL tiếp tục nghiên cứu, thấm nhuần các quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021; thường xuyên rà soát, tập trung nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp theo tinh thần kết luận của Tổng Bí thư tại hội nghị, Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bao gồm cả những nhiệm vụ lập pháp mới có thể phát sinh.

Đặc biệt cần lưu ý chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc cần sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người, bảo đảm phù hợp với tính đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật, phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa.

Liên quan đến vấn đề visa, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, nếu chưa sửa đổi được Luật Xuất cảnh, nhập cảnh thì ngay trong Kỳ họp tới có thể đề xuất Quốc hội đưa vào nghị quyết để tháo gỡ, từ đó kích cầu du lịch.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể về việc đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh; phát triển các sản phẩm văn hoá có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng; phấn đấu có các tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và 100 năm ngày thành lập nước và kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam.

Tập trung phối hợp với các ban, bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới...

Thái Hải