TP HCM vừa qua đã ghi nhận 6 người (TP Thủ Đức) xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc botulinum, phải nhập 3 bệnh viện. Thuốc giải độc botulinum thuộc loại thuốc hiếm.

Đến tối ngày 24/5, có 1 người đàn ông 45 tuổi đã tử vong vì biến chứng nặng, không kịp dùng thuốc giải được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam.

Từ vụ ngộ độc botulinum, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM trao đổi với báo chí về dự trữ quốc hiếm bên hành lang Quốc hội sáng ngày 26/5.

Theo bà Phạm Khánh Lan, mối nguy ngộ độc botulinum rình rập ở khắp nơi, có thể xảy ra ở TPHCM, cũng có thể xảy ra ở địa phương khác.

“Chúng ta phải khuyến cáo người dân tăng cường ăn chín, uống sôi; mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng; tránh mua về gói kín, rồi để lâu hàng tuần, vì nguy cơ có vi khuẩn. 

Quan trọng, khi rủi ro xảy ra phải có thuốc để cấp cứu kịp thời. Rất tiếc, chúng ta không ở hoàn cảnh như vậy vì thuốc không có”, nữ đại biểu nói.

Thuốc hiếm rất đắt, hết hạn hủy cũng không nên tiếc tiền

+ Nếu có sẵn thuốc giải độc botulinum thì các bệnh nhân sẽ được cứu, thưa bà?

- Khi vụ việc xảy ra, Bộ Y tế, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM và các bệnh viện đã vào cuộc, đề nghị WHO khẩn cấp viện trợ thuốc. Rất rất đau buồn khi có trường hợp không may mắn do đã qua không thời gian vàng. Rõ ràng, nếu chúng ta sẵn thuốc giải độc botulinum thì đã cứu được bệnh nhân.

Việc thiếu thuốc hiếm là triền miên từ trước đến nay rồi, không chỉ riêng thuốc giải độc botulinum, mà còn thuốc giải độc rắn cắn, rồi thiếu huyết thanh chó dại lâu lâu lại hết.

Tìm hiểu nguyên nhân do từ trước đến nay các bệnh viện thường dự trù hàng năm các loại thuốc này, nhưng mua thì đối diện nguy cơ chậm do thủ tục rất phức tạp. Thuốc mua về rồi nếu quá hạn thì phải hủy, trong khi những loại này rất đắt tiền. 

Cho nên, để tránh xảy ra vụ việc như lần này, hay như vụ pate Minh Chay phải qua Thái Lan mua, thì chúng ta phải dự trữ quốc gia về thuốc phòng ngừa ngộ độc botulinum và một số thuốc hiếm khác.

Theo tôi, Bộ Y tế phải là đầu mối, đứng ra tổng hợp danh mục, nhu cầu và số lượng để dự trữ trong kho thuốc với điều kiện chuyên biệt, có thể là ở Hà Nội và TP HCM thôi. Khi có vụ việc thì điều chuyển và phải chấp nhận đây là dự trữ quốc gia, nếu hủy thuốc cũng không tiếc tiền.

Chứ đơn vị sự nghiệp, bệnh viện tiền đâu mà dự trữ, mấy nghìn USD một liều. Chưa kể, ở góc độ quốc gia, chúng ta đàm phán giá với công ty sản xuất, phân phối về số lượng theo từng năm thì giá thành sẽ rẻ hơn.

+ Việt Nam có thể nghiên cứu để sản xuất thuốc hiếm như thuốc giải độc botulinum không?

- Thuốc này sản xuất số lượng hạn chế, thành ra để bù lại những chi phí kèm theo nên giá thành rất cao, và cũng không phải lúc nào cũng sử dụng. Đặc thù là chỉ có một nhà cung cấp.

Sản xuất phải có lời, đừng mơ và đòi Việt Nam sản xuất vì không khả thi. Chúng ta phải thực tế, tiến bộ thì chúng ta tận dụng, nhưng những cái hiếm, khó mua phải dự trữ trước. 

Chính phủ phải có chính sách, chỉ đạo rõ ràng, tránh trường hợp xảy ra trong quá khứ như hồi dịch cúm A, dự trừ Tamiflu, sau lại kết luận Bộ Y tế lãng phí vì không sử dụng phải hủy bỏ. Vậy nếu lỡ dịch bệnh xảy ra thì sao, cái này phải hết sức phải lưu ý.

“Đứng trước sinh mạng của người dân, tiền bạc là vô nghĩa”

+ Bảo quản thuốc hiếm cũng là vấn đề đặt ra, theo bà, có nên thành lập 3 trung tâm dự trữ thuốc ở 3 vùng?

Chuyện này nên nhìn nhận đơn giản thôi, chứ thành lập trung tâm này, trung tâm kia, rồi đề án xét duyệt sao, nhân sự như thế nào, trực thuộc đơn vị nào sẽ rất mệt mỏi.

Theo tôi là tổ chức hai nơi Hà Nội và TP HCM thôi. Ở TP HCM thì lấy kho Bệnh viện Chợ Rẫy để lưu trữ, còn ở Hà Nội thì sử dụng bệnh viện nào lớn thuộc bộ. Đây là chương trình quốc gia, sở y tế các tỉnh, thành phải biết việc dự trữ đó, nếu có bệnh nhân thì điều chuyển thuốc.

Dự trữ quốc gia thuốc hiếm bắt buộc, khi cần phải có. Bộ Y tế là cơ quan quản lý thì phải có cái nhìn tổng thể hơn, đề xuất được chủ trương để xây dựng hành lang pháp lý để các nơi yên tâm làm.

Cứ nhìn những trường hợp ngộ độc như vừa rồi, cấp cứu mà biết chắc không cứu được, không có thuốc giải nên các cơ từ từ tê liệt, dẫn tới tê liệt cơ hô hấp rồi tử vong. Với những trường hợp đó, tiền chạy máy thở còn cao gấp nhiều lần so với một liều thuốc giải độc

Mình phải nghĩ cho người bệnh, bởi chuyện như này có thể xảy ra với bất kỳ ai và người ta có thể tử vong. Đứng trước sinh mạng của người dân thì tiền bạc là vô nghĩa.

+ Xin cảm ơn bà!

“Botulinum hiện diện ngay trong môi trường sống hàng ngày”

Phân tích bản chất vụ ngộ độc ở TP Thủ Đức, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, các nạn nhân có điểm chung là đều ăn chả lụa. Với trường hợp 3 trẻ em ở Thủ Đức, chả lụa đã ăn hết nên chỉ có thể đem mẫu bánh mì đi thử. Các trường hợp còn lại đã lấy được mẫu chả lụa của người đi bán dạo và cả chả lụa sản xuất ở cơ sở, nhưng đều cho kết quả âm tính.

“Truy nguồn gốc cũng chỉ truy được đến đó thôi, còn với kết quả âm tính cũng không thể loại trừ chả lụa không liên quan, mà nếu dương tính cũng không dám 100% khẳng định tại chả lụa”, theo bà Lan.

Bà chỉ ra đặc thù của chả lụa khi làm phải gia nhiệt và luộc rất lâu mới chín, khi tới giai đoạn thành phẩm, chắc chắn các bào tử botulinum không thể sống sót và đã bị triệt tiêu bởi nhiệt.

Sau đó, các cơ quan đặt nghi ngờ do hàng trôi nổi, hàng quá hạn. “Có thể trong quá trình đó các nạn nhân đã tiếp xúc với nguồn gây ngộ độc, vì botulinum hiện diện ngay trong môi trường sống hàng ngày”, bà Lan phân tích.

Đại biểu kể, khi vụ ngộ độc xảy ra, Bệnh viện Chợ Rẫy đã rất chủ động cấp cứu cho nạn nhân, và nhớ ra còn 2 lọ thuốc giải độc đang trữ tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Loại thuốc này phải bảo quan ở nhiệt độ -20 độ C và có thùng chuyên biệt, nhưng thùng bảo quản thuốc ở Quảng Nam đã hỏng nên Bệnh viện Chợ Rẫy ngay lập tức gửi một thùng khác ra Quảng Nam để vận chuyển thuốc bằng đường máy bay. Các nhân viên y tế cũng chầu trực ở sân bay để chờ lấy thuốc về cho 3 bệnh nhi ở TP Thủ Đức.

Hai lọ thuốc giải độc vận chuyển từ Quảng Nam về khi đó được chia cho cả 3 bệnh nhi, một em được truyền một lọ, hai em còn lại mỗi em được truyền nửa lọ. Diễn biến các bệnh nhi diện đã khả quan hơn.  

Hương Giang