Theo thông cáo báo chí của Văn phòng Trung ương Đảng, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã khai mạc sáng ngày 4/5.

Buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại hội trường. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc hội nghị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Bộ Chính trị, điều hành phiên họp.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị báo cáo về Chương trình hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

Sau đó, Trung ương về tổ thảo luận Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.

Buổi chiều: Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục làm việc tại tổ thảo luận về đề án trên.

Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về đất đai lần này là một yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hoà các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Vì sao tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi?

Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là một lĩnh vực rất rộng lớn, cơ bản, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước, hiện vẫn còn không ít ý kiến khác nhau.

Ông đề nghị Trung ương phân tích một cách toàn diện, khách quan kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 6 khoá XI và pháp luật về đất đai.

Trong đó, Tổng Bí thư đề nghị tập trung làm rõ: Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?...

Trên cơ sở đó, đề xuất các chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai; chú ý các vấn đề hiện đang vướng mắc hoặc gây bức xúc trong xã hội và những nội dung còn có ý kiến khác nhau.

“Chẳng hạn như: Nhận thức như thế nào cho thật đầy đủ, đúng đắn về sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu; quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước với vị trí, vai trò là đại diện chủ sở hữu, thực hiện chức năng, nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai và khi là chủ thể sử dụng đất....”, Tổng Bí thư gợi mở.

Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII khai mạc ngày 5/4, dự kiến bế mạc vào ngày 10/5.

Theo chương trình, Trung ương thảo luận, cho ý kiến và quyết định về các nội dung:

(1) Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.

(2) Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

(3) Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

(4) Đề án Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên.

(5) Đề án Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

(6) Báo cáo Kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021; và một số vấn đề quan trọng khác. 

Hương Giang