Dịch ở TPHCM và một số tỉnh lân cận vẫn diễn biến rất phức tạpp

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo, ở miền Bắc, đến giờ phút này cơ bản dập được dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang, đang kiểm soát được tình hình ở các tỉnh, TP. Khu vực miền Trung còn một vài tỉnh, thành như Phú Yên, Khánh Hoà, Đà Nẵng tình hình đang phức tạp, có những ổ dịch mới, phải tập trung lực lượng để khoanh vùng, dập dứt điểm.

Tình hình dịch ở TPHCM và một số tỉnh lân cận, nhất là ở Bình Dương vẫn diễn biến rất phức tạp, nếu không tập trung kiểm soát thật tốt có thể dẫn tới hệ thống y tế bị quá tải.

Nguy cơ hiện hữu là dịch từ TPHCM sẽ lây lan rộng ra các tỉnh khác. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg với 19 tỉnh, TP phía Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, cần phân loại 19 tỉnh, TP phía Nam thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg thành 2 nhóm. Những tỉnh tương đối an toàn, dịch còn ít (khu vực Nam sông Hậu và Bình Phước) tiếp tục thực hiện theo chiến lược “Ngăn chặn - Phát hiện - Truy vết - Khoanh vùng- Dập dịch và Điều trị”, giống như các địa phương đang kiểm soát được dịch.

Những địa phương như TPHCM, Bình Dương và những khu vực dịch lây nhiễm cao, đậm đặc, lây lan rộng thì cần có những giải pháp mới, cách làm mới cho phù hợp với “2 mũi giáp công”.

Cụ thể, một mũi tập trung lực lượng tại những “vùng đỏ”, có mức độ nguy cơ dịch bệnh rất cao để nhanh chóng bóc F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước làm sạch, thu hẹp ổ dịch, giảm xuống “vùng vàng” dần tiến tới “vùng xanh”. Mũi còn lại thực hiện tầm soát, sàng lọc kết hợp các biện pháp đồng bộ, giữ chặt “vùng xanh” an toàn; cô lập những “vùng vàng”, làm sạch để trở thành “vùng xanh”.

Tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng trong chính mỗi địa phương, có những xã, huyện có nguy cơ rất cao nhưng có những vùng có nguy cơ rất thấp. Do đó, việc thực hiện giãn cách xã hội không chỉ bảo vệ an toàn cho chính các địa phương mà còn bảo vệ các khu vực khác có nguy cơ thấp hơn.

“Việc thực hiện giãn cách xã hội theo mức độ nào cũng đều phải làm nghiêm. Tránh hiện tượng bên ngoài chặt, bên trong lại lỏng, tạo thành những đám đông, có nguy cơ lây lan dịch bệnh, đồng thời làm ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và công tác phòng, chống dịch", ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Xét nghiệm “không dàn hàng ngang”, trang bị đủ đồ bảo hộ cho bác sỹ

Liên quan đến công tác xét nghiệm, một lần nữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, tại các vùng dịch, ổ dịch, tuỳ tình huống để sử dụng xét nghiệm nhanh kết hợp với xét nghiệm RT-PCR để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, “không dàn hàng ngang”.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID -19. Ảnh: ĐN 

Ở những nơi chưa bị dịch nhiều, các địa phương phải tăng tần suất xét nghiệm nhanh sàng lọc tại bệnh viện, bảo vệ tối đa hệ thống y tế. Trong tầm soát, sàng lọc cộng đồng tăng cường sử dụng xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp nhiều mẫu đơn tại những điểm có nguy cơ cao như các chợ, bến xe, quán nước… nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ xét nghiệm.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện độ nhạy của xét nghiệm nhanh hiện đã tương đương với xét nghiệm RT-PCR trong mẫu gộp. Bộ Y tế đã hướng dẫn thực hiện xét nghiệm nhanh mẫu gộp 3 mẫu đơn hoặc 5 mẫu đơn.

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông  tiếp chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các phần mềm phục vụ công tác phòng, chống dịch như công cụ quản lý người từ nước ngoài về thực hiện cách ly tập trung, theo dõi y tế tại nhà; hệ thống cấp mã QR cho từng người dân để thực hiện khai báo y tế, quét mã khi đến các cửa hàng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, di chuyển qua các chốt kiểm soát cũng như phục vụ công tác truy vết; công cụ quản lý thông tin xét nghiệm, tiêm chủng…

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo cũng bàn, giải quyết các thủ tục khẩn trương để mua sắm vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch, đặc biệt là sinh phẩm xét nghiệm, máy móc điều trị.

Theo đó, Bộ Y tế thống kê tất cả vật tư, trang thiết bị cần mua. Những loại mà ngân sách Nhà nước có thể bảo đảm được thì thực hiện mua ngay. Những bất cập trong quy định hiện hành, Bộ Y tế trình Chính phủ để có nghị quyết về vấn đề này.

Ban Chỉ đạo thống nhất giao Bộ Y tế chỉ đạo mua, trang bị đầy đủ, không để bất kỳ bệnh viện nào (dù tự chủ hay chưa, thuộc tuyến Trung ương hay địa phương) thiếu đồ bảo hộ cho đội ngũ y bác sỹ, bảo đảm an toàn tối đa cho lực lượng điều trị tuyến đầu.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 51.002 ca mắc COVID-19, trong đó 10.729 người khỏi bệnh và 225 ca tử vong.

Đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận 48.150 ca, trong đó, có 47.394 ca trong nước (98%), 7.912 người đã khỏi bệnh (18%), 190 ca tử vong. Trong tuần, cả nước có thêm 19.937 ca mắc mới, tăng 11.192 ca so với tuần trước đó.

Đợt dịch này với biến chủng Delta có khả năng lây lan rất nhanh, đã ghi nhận tại 58/63 tỉnh,TP.

Hôm qua (17/7), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý áp dụng giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh đối với 19 tỉnh, thành phía Nam - những nơi dịch COVID -19 đang bùng phát.

Cùng với TP HCM và Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện, Thủ tướng đồng ý bổ sung áp dụng Chỉ thị 16 tại TP Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang. Thời gian thực hiện giãn cách 14 ngày.

Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với các tỉnh, TP bổ sung do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, nhưng không muộn hơn 0h ngày 19/7. Thời gian thực hiện là 14 ngày. 

Hương Giang