Chiều ngày 18/11, tại buổi họp báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học thông tin liên quan đến vụ Công ty AIC và vụ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, hoàn thành xét xử 6 vụ án trọng điểm, trong đó có vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan….

Trả lời báo chí liên quan đến vụ án này khi bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC đang bỏ trốn thì xét xử như thế nào? Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư: "Dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát được sự trừng trị của luật pháp”.

Theo ông Học, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực  đã giao các cơ quan tiến hành tố tụng nghiên cứu những quy định luật pháp để truy tố, xét xử các bị can, bị cáo theo đúng quy định của pháp luật. 

“Nếu bị can, bị cáo trốn ra nước ngoài mà quy định của luật pháp có thể xử vắng mặt thì vẫn có thể xử vắng mặt”, ông Nguyễn Thái Học dẫn khoản 2 Điều 290 Bộ Luật Tố tụng hình sự.

Cụ thể, khoản 2 Điều 290 quy định, tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp, trong đó có “bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả”.

leftcenterrightdel
 Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học

Từ đó, ông Học nhấn mạnh, đối tượng vi phạm pháp luật đã tiến hành khởi tố, điều tra mà đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài, việc truy nã không có kết quả, nếu có đầy đủ cơ sở, chứng cứ thì vận dụng quy định của luật pháp để xử lý.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị viện KSND cùng cấp truy tố 36 bị can trong vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan. 

8 trong số 36 bị cáo đang bỏ trốn, C03 vẫn đề nghị truy tố, gồm bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch AIC.

Ngoài ra còn có các bị can: Trần Mạnh Hà, cựu Phó Chủ tịch Công ty AIC; Đỗ Văn Sơn, cựu kế toán trưởng Công ty AIC; Nguyễn Thị Sen, cựu Giám đốc Công ty CP Thiết bị Y tế và môi trường; Nguyễn Thị Tích, Tổng Giám đốc Công ty MOPHA; Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty Nha khoa Việt Tiên; Nguyễn Đăng Thuyến, cựu Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội và Đỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa.

“Sai phạm liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đặc biệt nghiêm trọng”

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, theo Phó Trưởng Ban Nội Chính Trung ương, vụ án này đã được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. 

“Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng, sai phạm liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp diễn ra trong thời gian khá dài”, ông Học cho hay, Thường trực Ban Chỉ đạo giao các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý. 

Ông ví dụ Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ có trách nhiệm kiểm tra cấp ủy tổ chức Đảng nào liên quan. Còn cơ quan điều tra có trách nhiệm tập trung điều tra nội dung, đối tượng để sớm điều tra, đưa ra xử lý. 

“Chúng ta làm đồng bộ kể cả cấp địa phương và Trung ương. Địa phương nào trong quá trình triển khai thực hiện các dự án có liên quan đối tượng này phải phát hiện xử lý, kể cả kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước”, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh. 

Hương Giang