Thủ tướng nói như vậy khi phát biểu kết luận hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, ngày 28/2.

Ông cũng giao nhiệm vụ cụ thể với các bộ, ngành để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chính phủ luôn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư

Bày tỏ Chính phủ và cá nhân rất quan tâm tới thị trường tài chính, trong đó có thị trường chứng khoán, Thủ tướng cho hay, có lẽ không tuần nào không nói chuyện và làm việc với các cán bộ lãnh đạo có liên quan tới thị trường chứng khoán, luôn theo dõi thị trường.  

“12h40 hằng ngày, tôi luôn theo dõi bản tin xem thị trường chứng khoán hôm nay thế nào để có phản ứng chính sách kịp thời, nếu không theo dõi được thì rất sốt ruột”, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.

Theo Thủ tướng, khi thị trường chứng khoán biến động, Chính phủ luôn đặt mình vào vị trí của các nhà đầu tư, nhà phát hành, trên tinh thần “cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

“Chúng tôi luôn suy nghĩ Chính phủ phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, các chủ thể liên quan tới thị trường chứng khoán”, theo phát biểu của Thủ tướng.

Nêu định hướng cho thị trường, người đứng đầu Chính phủ cho hay, tới năm 2025 đặt mục tiêu trở thành thị trường mới nổi, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút khoảng 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm, tương đương đầu tư trực tiếp.

“Chúng ta quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Để đạt mục tiêu, ông giao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai ngay chương trình hành động cụ thể về thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán.

Trọng tâm là khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập hiện hành, đặc biệt liên quan đến quy định việc minh bạch thông tin; nâng cao chất lượng quản lý, giám sát thị trường; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp.

Tập trung nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh kiểm tra thị trường chứng khoản. Mục tiêu nhằm phòng chống, ngăn ngừa hiệu quả các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Song song với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; tăng cường quản lý, giám sát đối với người hành nghề chứng khoán; từng bước chuyển giao hoạt động thi, cấp chứng chỉ hành nghề cho các hiệp hội nghề nghiệp…

Tháo gỡ ngay những rào cản để nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường

Cho rằng để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, Thủ tướng cho rằng cần tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc với tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện”.

leftcenterrightdel
 “Chúng ta quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025”, Thủ tướng nhấn mạnh. Ảnh: N.Bắc

Ông quán triệt các bộ, ngành liên quan xử lý các vấn đề kỹ thuật còn vướng mắc, nâng cao tính minh bạch trên thị trường, tháo gỡ ngay những rào cản để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải khẩn trương rà soát, công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài; công bố thông tin bằng song ngữ.

Người đứng đầu Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước xem xét, rà soát để đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn quy trình mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài.

Ngân hàng Nhà nước còn được giao nghiên cứu công cụ thanh toán bù trừ phù hợp quy luật thị trường; tiếp tục triển khai các giải pháp để hạ lãi suất cho vay.

Với các công ty chứng khoán, Thủ tướng cho rằng cần nâng cao năng lực quản trị, quản trị rủi ro, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường; phát triển chuyên nghiệp các dịch vụ được phép hoạt động.

Các công ty chứng khoán cần tiếp tục phát triển hoạt động theo hai mô hình: Đa năng (thực hiện nhiều nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán) và chuyên doanh (thực hiện một nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán); tăng cường vai trò tạo lập thị trường, nâng cao tiềm lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực và phát triển hệ thống công nghệ có chiều sâu…

Với các loại hình doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch, Thủ tướng khẳng định “khuyến khích”. Trong đó, thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, tình hình tài chính, quản trị công ty tốt thực hiện niêm yết; hỗ trợ tích cực việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh tập trung thúc đẩy việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng gắn với niêm yết; đa dạng các loại trái phiếu; phát triển các sản phẩm trái phiếu gắn với hình thức đối tác công tư (PPP).

Khuyến khích phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh. Tiếp tục phát triển sản phẩm chứng khoán phái sinh và các sản phẩm mới.

Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, nhà phát hành tích cực tham gia công tác bảo đảm an sinh xã hội; lưu ý không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Thị trường chứng khoán Việt Nam không ngừng phát triển về quy mô, khả năng huy động vốn cho doanh nghiệp.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng trưởng tích cực từ 0,22% GDP năm 2000 lên năm lên 33,52% GDP năm 2010 và 58,1% GDP năm 2023.

Số lượng nhà đầu tư tăng từ 3 nghìn tài khoản năm 2000 lên hơn 7,29 triệu tài khoản, tương đương 7,5% dân số vào năm 2023.

Giá trị giao dịch bình quân (gồm cả cổ phiếu, trái phiếu) tăng từ gần 11,7 nghìn tỷ/phiên nghìn tỷ năm 2016 lên khoảng gần 24,4 nghìn tỷ/phiên năm 2023, trong đó tính riêng giao dịch cổ phiếu đã có nhiều phiên giao dịch vượt con số 1 tỷ USD.

Trong 10 năm qua (2014 - 2023), thị trường chứng khoán đã huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế đạt 3,8 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi năm đạt 380 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 4,35 lần so với giai đoạn trước. Trong đó, doanh nghiệp đã huy động được 1,15 triệu tỷ, tăng gấp 3,15 lần so với giai đoạn trước. 

Hương Giang