Yêu cầu này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về bảo đảm cung ứng điện trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới cũng như cả năm 2024, sáng 20/4.

Kiểm tra, chống tiêu cực trong sản xuất và tiêu thụ điện

Người đứng đầu Chính phủ nhận định, sản xuất, kinh doanh đang trên đà phục hồi, kéo theo nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, chưa kể đang chuẩn bị bước vào cao điểm nắng nóng.

“Tình hình dự báo cung ứng điện sẽ khó khăn hơn”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh mục tiêu không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ trường hợp nào.

Để đạt được mục tiêu này, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh chỉ đạo thôi là chưa đủ, mà phải tăng cường rà soát, kiểm tra, đôn đốc, không để tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.

Ông nhắc lại bài học thiếu điện cục bộ mùa khô năm ngoái. Chúng ta có chuẩn bị nhưng không đôn đốc, đi sâu đi sát kiểm tra, lúc cần điện thì nhiều nhà máy lại bảo dưỡng; khâu điều hành không tốt, lúc thời tiết đang thuận lợi lại sử dụng gần hết nguồn nước cho thuỷ điện.

Điều này dẫn đến thực chất tổng nguồn không thiếu, nhưng thiếu điện do khâu điều hành, tính toán không khoa học…

Vì vậy, năm nay, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp phải chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất; xây dựng nhiệm vụ, giải pháp kịp thời, linh hoạt, hợp lý, hiệu quả.

Lưu ý các tháng 5, 6, 7 ở miền Bắc là những tháng cao điểm sử dụng điện, Thủ tướng yêu vận hành hiệu quả, khai thác, huy động hết công suất của các Nhà máy điện; rà soát, đa dạng hóa các nguồn điện có thể huy động; thúc đẩy các dự án nguồn điện lớn; tập trung cho phương án xấu nhất.

Trong đó, các nhà máy nhiệt điện than phải sử dụng tối đa nguyên liệu trong nước vừa giúp chủ động nguồn, tăng cường sản xuất trong nước, vừa chống tiêu cực, chống chảy máu ngoại tệ. Các doanh nghiệp than phải đẩy mạnh, khai thác tối đa công suất.

Các nhà máy thủy điện phải vận hành hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm nước để vừa phục vụ tưới tiêu, vừa phục vụ phát điện.

Với vấn đề pháp lý, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tháo gỡ ngay những vướng mắc về nghị định, thông tư. Đặc biệt, ông lưu ý sớm trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về mua bán điện trực tiếp tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 để xem xét.

Về tải điện, người đứng đầu Chính phủ quán triệt yêu cầu thúc đẩy thi công, khẩn trương hoàn thành Đường dây 500kV mạch 3 Phố Nối - Quảng Trạch trong tháng 6/2024 để đưa điện từ miền Trung, miền Nam ra Bắc.

Cùng với đó là hoàn thành các đường dây tải điện nhập khẩu để bổ sung điện cho sản xuất, tiêu dùng.

Phân phối điện phải hợp lý, nhất là chú ý lúc cao điểm; tăng cường sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, Thủ tướng nêu rõ và giao Bộ Công thương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn tiết kiệm điện.

Riêng về giá điện, Thủ tướng lưu ý, triển khai theo lộ trình phù hợp, không điều hành “giật cục”. Tinh thần được người đứng đầu Chinh phủ nêu rõ là, giá điện cạnh tranh, nhưng phải có sự điều tiết của Nhà nước.

Các bộ, ngành cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, chống tiêu cực trong ngành điện nói chung, sản xuất và tiêu thụ điện nói riêng, Thủ tướng nêu rõ.

Điều chỉnh kịch bản cung ứng điện

Báo cáo của Bộ Công Thương cho hay trong quý 1/2024, sản lượng điện lũy kế đạt 69,34 tỷ kW giờ, tăng 11,77% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng điện bình quân ngày đạt 762 triệu kW giờ, tăng 10,4% so cùng kỳ năm 2023.

Diễn biến thủy văn 3 tháng đầu năm không thuận lợi, nên để tiết kiệm nước tối đa, nhiệt điện than đã được huy động cao; tăng cường truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc, giúp hệ thống điện đáp ứng nhu cầu trong 3 tháng đầu năm.

Để đảm bảo cung ứng điện, Bộ Công Thương đã có hoạch riêng trong các tháng cao điểm mùa khô, giám sát chặt chẽ việc cung cấp nhiên liệu (than, khí); đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải điện, đặc biệt là đường dây 500kV Quảng Trạch - Phố Nối...

Về phương án cung ứng điện, Bộ Công Thương cho hay so với kế hoạch cũ, kế hoạch cung cấp điện được điều chỉnh với mức tăng trưởng phụ tải điện. Cụ thể, mức tăng trưởng điện cho cả năm là 10,4%, phương án điều hành dự phòng trong các tháng cao điểm mùa khô là 11,4%.

Hai chỉ số này đều được điều chỉnh tăng hơn cao hơn 1,25% so với kế hoạch được duyệt. Việc này là nhờ tích trữ nước tại các hồ thủy điện, quy đổi ra sản lượng điện là khoảng 11,3 tỷ kW giờ. Các đơn vị chuẩn bị nhiên liệu, đảm bảo cung ứng than, khí cho điện.

Với miền Trung và miền Nam, Bộ Công thương cho hay đã thực hiện chạy bổ sung khí LNG từ ngày 15/4, đồng thời các nhà máy nhiệt điện sẵn sàng cho khả năng chạy dầu.

Với miền Bắc tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt công suất đỉnh, đặc biệt trong các tháng nắng nóng cao điểm (tháng 5 đến tháng 8). Trong trường hợp các yếu tố bất lợi xếp chồng như lưu lượng nước về kém, sự cố các nhà máy điện kéo dài và sẽ cần thực hiện điều chỉnh phụ tải cũng như huy động thêm nguồn máy phát diesel, theo Bộ Công thương.

Hương Giang