Ngày 21/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam.

Tại sao hút khách du lịch vào Việt Nam lại “đi trước, về sau”

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trước đại dịch, du lịch Việt Nam chưa có khả năng cạnh tranh cao, sau đại dịch lại chưa có đột phá.

Ông trăn trở dù Việt Nam mở cửa nền kinh tế sớm, trong đó có mở cửa du lịch… trong khi du lịch nội địa phục hồi mạnh, số lượng du khách vượt kế hoạch đề ra thì du lịch quốc tế vẫn có "điểm nghẽn".

“Do cơ chế hay cách làm? Do tổ chức thực hiện hay các bộ, ngành chưa làm đầy đủ trách nhiệm? Các doanh nghiệp đã làm gì? Đã đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực du lịch chưa? Sản phẩm du lịch có nhiều đổi mới sáng tạo chưa? Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã đưa vào ngành du lịch chưa? Công tác truyền thông, quảng bá du lịch đã xứng tầm chưa?”, Thủ tướng nêu loạt câu hỏi và đề nghị các ý kiến phân tích nguyên nhân tại sao du lịch quốc tế lại “đi trước, về sau”.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Ảnh: N.Bắc 

Nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề là chúng ta có quyết tâm khôi phục ngành Du lịch, tạo sự phát triển đột phá trong năm 2023 hay không với việc thu hút khách du lịch quốc tế, lấy văn hoá làm nền tảng thúc đẩy phát triển du lịch.

Do đó, Thủ tướng mong các địa phương, ngành suy nghĩ và thảo luận, tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy phát triển du lịch và thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, đặc biệt trong thời điểm sôi động của du lịch quốc tế dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch, đồng thời bàn giải pháp lâu dài, căn cơ để phát triển ngành du lịch bền vững trong tương lai.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, đơn giản thủ tục cấp visa

Hơn 2 năm qua, du lịch Việt Nam là một ngành chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Năm 2020, lượng khách quốc tế giảm tới 80%, tổng thu từ khách du lịch giảm đến 59% so với cùng kỳ. Năm 2021, lượng khách quốc tế giảm gần 96%, nguồn doanh thu giảm sâu.

Từ tháng 3/2022, Việt Nam mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, đón khách quốc tế sớm hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ.

Tuy nhiên, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 chưa được như kỳ vọng, mới đạt khoảng 42% so với kế hoạch đề ra.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: N.Bắc

Để thúc đẩy du lịch quốc tế đến Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề xuất, áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả các thị trường khách và tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp, tăng cường ứng dụng công nghệ.

Kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch vào Việt Nam. Xem xét thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu cho khách du lịch quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa (ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE); du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe…

Đồng thời, tập trung liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch vùng; kết nối tour, tuyến, điểm du lịch trong vùng và liên vùng. Tăng cường hợp tác công tư, phát huy tối đa nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ liên kết, phát triển du lịch; hình thành mô hình liên kết giữa các địa phương, có tham gia của cơ quan quản lý nhà nước và một số doanh nghiệp lớn…

Nâng cao khả năng cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ…

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, doanh nghiệp, địa phương phải thay đổi cách tư duy, tiếp cận, cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa trong xử lý các vấn đề cụ thể.

Định hướng là “cung cấp những dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không chỉ cái chúng ta sẵn có”, Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thời gian tới.

Trong đó, ông yêu cầu quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về du lịch. Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng miền, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế.

leftcenterrightdel
Thủ tướng trao đổi với các đại biểu tham dự hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Ảnh: N.Bắc

Chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị, hình thành nên các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực…

Đi cùng với đó là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế, trong đó các vấn đề liên quan visa, thuế…

Thủ tướng cũng lưu ý phải nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực du lịch về hạ tầng, cơ sở vật chất, chi phí logistics, nhân lực, cách làm, tổ chức các tuyến du lịch...

Theo đó, phải xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Nâng cao khả năng cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ…

Ngoài ra, để du lịch thực sự là ngành mũi nhọn, ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, Thủ tướng nhấn mạnh, phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, sự hợp tác, cạnh tranh bình đẳng và luôn làm mới chính mình của các doanh nghiệp.

“Tất cả cùng cố gắng, cùng tìm ra giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, lợi thế đất nước, chung sức đồng lòng khôi phục và phát triển ngành du lịch hiệu quả, thiết thực hơn, mang lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân”, Thủ tướng phát biểu.

Hương Giang