Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người chiến sỹ cộng sản kiên cường

Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn (SN 1902), tại làng Đông, tổng Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), trong một gia đình nông dân. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có truyền thống yêu nước, với nhiều sĩ phu nổi tiếng, tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm than, nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, đồng chí đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng.

Cuối năm 1923, đồng chí Lê Hồng Phong bí mật sang Xiêm (Thái Lan) gặp các nhà yêu nước Việt Nam.

Năm 1924, sang Quảng Châu (Trung Quốc), gia nhập nhóm Tâm Tâm xã và sau đó gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người giác ngộ cách mạng.

Năm 1925, đồng chí Lê Hồng Phong gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tham dự lớp huấn luyện cán bộ cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức, trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam được trang bị lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Đồng chí được học tập toàn diện về quân sự và chính trị tại Trường Quân sự Hoàng Phố, Trường Hàng không ở Quảng Châu (Trung Quốc), Trường Lý luận quân sự của lực lượng không quân Xô Viết ở Leningrad (nay là thành phố Saint Petersburg), Trường Đào tạo phi công quân sự cũng tại Liên Xô.

Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong, tỉnh Nghệ An tổ chức dâng hương, dâng hoa tại Khu Lưu niệm đồng chí Lê Hồng Phong ở xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên; tổ chức kỷ niệm cấp tỉnh và phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội thảo khoa học về Lê Hồng Phong đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An...

Sau khi tốt nghiệp, đồng chí Lê Hồng Phong hoạt động trong lực lượng Hồng quân Xô viết và nhận trọng trách liên lạc giữa Đảng Cộng sản Đông Dương với Quốc tế Cộng sản. Trong thời gian này, đồng chí được học tập lý luận cách mạng tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Moskva (Liên Xô), tốt nghiệp khóa 3 năm (1928 - 1931), sau đó vào học tiếp năm thứ nhất lớp nghiên cứu sinh.

Tháng 11/1931, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong được phân công trở về nước lãnh đạo việc khôi phục, phát triển tổ chức Đảng, đưa cách mạng Đông Dương vượt qua giai đoạn khó khăn, hiểm nghèo.

Tháng 3/1934, đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài (còn gọi là Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng), chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Đại hội lần thứ I của Đảng.

Cuối năm 1934, đồng chí dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Moskva từ ngày 25/7 đến ngày 21/8/1935.

Cùng đó, tháng 3/1935, Đại hội lần thứ I của Đảng đã diễn ra thành công, đồng chí Lê Hồng Phong (được bầu vắng mặt) làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 7/1936, tại Thượng Hải (Trung Quốc), đồng chí triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương bổ sung Nghị quyết Đại hội lần thứ I.

Tháng 11/1937, đồng chí Lê Hồng Phong về nước và bí mật hoạt động tại Sài Gòn, trực tiếp cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng trong tình hình mới.

Tháng 3/1938, đồng chí tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, góp phần vào việc thành lập Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương đấu tranh chống phát xít, chống hoạt động phá hoại của bọn Tờrốkít và các khuynh hướng cô độc, hẹp hòi, tả khuynh ở trong Đảng.

leftcenterrightdel
Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ở xóm Hồng Phong, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Xuân Thống 

Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ nhất tại Chợ Lớn, kết án 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc.

Ngày 23/12/1939, chúng đưa đồng chí về quản thúc tại quê nhà Nghệ An.

Ngày 20/1/1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, giam tại Khám Lớn, Sài Gòn.

Cuối năm 1940, chúng đày đồng chí ra Côn Đảo.

Tại đây, biết đồng chí Lê Hồng Phong là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, thực dân Pháp tìm mọi cách tra tấn, hành hạ. Trước sự độc ác, dã man của kẻ thù, đồng chí vẫn nêu cao chí khí cách mạng, tích cực vận động và chỉ đạo anh em tù đấu tranh chống địch đánh đập, chống lại những luật lệ hà khắc của nhà tù.

Sức khỏe suy kiệt dần vì đòn thù và bệnh tật, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 6/9/1942.

 Son sắt, thủy chung với đồng chí, với quê hương, đất nước

Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, Nghệ An rất đỗi tự hào là vùng địa linh, nhân kiệt, nơi sản sinh bao lớp thế hệ anh hùng hào kiệt, nhiều người con ưu tú mà tên tuổi của họ mãi được lưu danh và gắn liền với những trang sử vàng của dân tộc, tiêu biểu như: Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên, Phan Đăng Lưu, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Thị Minh Khai...

Trong những tên tuổi bất diệt đó, Lê Hồng Phong thuộc lớp cán bộ tiền bối, tiêu biểu của Đảng - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương đã có nhiều đóng góp to lớn đối cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An. Mạch nguồn của truyền thống quê hương, gia đình, dòng họ là nơi khởi nguồn của lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, kiên trung, bất khuất và nhân cách trọng tình thương và lẽ phải của đồng chí Lê Hồng Phong từ rất sớm.

leftcenterrightdel
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cùng lãnh đạo tỉnh và huyện Hưng Nguyên dâng hương trước phần mộ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (20/8/2022). Ảnh: Thành Duy 

 Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí đã thể hiện một tấm gương sáng ngời của người cộng sản: Sống vì Đảng, chết không rời Đảng, trọn đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong sự nghiệp cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong không những là người lãnh đạo kiên định và tài năng của Đảng, mà còn là tấm gương người cộng sản kiên cường.

Tổng Bí thư Lê Hồng Phong thuộc thế hệ những người cộng sản đầu tiên, cốt cán của Đảng. Tuy thời gian hoạt động cách mạng không dài, nhưng ông đã sống một cuộc đời cách mạng sôi nổi và vinh quang; đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; đã để lại cho Đảng những bài học quý báu cả về lý luận và thực tiễn hoạt động cách mạng.

leftcenterrightdel
Huyện đoàn Hưng Nguyên phối hợp với Đoàn xã Hưng Thông tổ chức kết nạp đoàn viên mới tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong cho 16 thanh niên là những học sinh ưu tú, tiêu biểu của Trường THPT Lê Hồng Phong. Ảnh: Kiều Hoa

 40 tuổi đời, gần 20 năm hoạt động cách mạng liên tục, tên tuổi của đồng chí Lê Hồng Phong gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng bất khuất của Đảng và dân tộc ta. Cuộc đời của đồng chí là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, trọn đời hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Những đóng góp to lớn, sự hy sinh cao cả, đạo đức trong sáng của đồng chí sống mãi trong lòng nhân dân. Đồng chí Lê Hồng Phong mãi mãi xứng đáng là tấm gương sáng của người cộng sản kiên cường để các thế hệ người Việt Nam ngợi ca và học tập.

leftcenterrightdel
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đời sống vật chất và tinh thần của xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên ngày một đi lên. Ảnh: Xuân Thống

Phát huy truyền thống của quê hương Xô viết anh hùng, học tâp tấm gương người cộng sản mẫu mực, kiên cường, trọn đời hiến dâng cuộc sống của mình cho Đảng và sự nghiệp giải phóng dân tộc của đồng chí Lê Hồng Phong, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã kiên trì, bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thành tựu quan trọng qua các thời kỳ cách mạng, góp phần cùng nhân dân cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Xuân Thống