Quan điểm này được Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ khi trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Cố gắng “gấp đôi, gấp ba”

- Quốc hội khóa XV đi qua hơn nửa nhiệm kỳ ghi dấu ấn với rất nhiều điều đặc biệt. Nhìn lại năm qua, Chủ tịch Quốc hội có cảm xúc gì đặc biệt nhất?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Quốc hội theo Hiến pháp mỗi năm họp 2 kỳ, nhưng năm 2023 có 5 kỳ họp, gồm 2 kỳ họp thường kỳ và 3 kỳ họp bất thường. Có thể nói, 2023 là một năm có khối lượng công việc, hoạt động của Quốc hội lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng họp gần 20 phiên, chưa kể chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề trong năm qua.

Nhiều người hỏi chúng tôi vì sao ngày lễ, Tết, Quốc hội vẫn làm việc, đêm khuya vẫn sáng đèn? Với khối lượng công việc như vậy, nếu không làm thì làm sao đáp ứng được! Việc trình các dự án luật, nghị quyết lúc nửa đêm, về sáng là chuyện bình thường vì thực tế rất cấp bách.

Trong phát biểu khai mạc một kỳ họp Quốc hội, tôi từng nói biến công việc bất thường thành công việc bình thường, thường xuyên của Quốc hội, bây giờ dự báo ấy thành sự thật, nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan hữu quan, cán bộ, chuyên viên phục vụ vì tất cả đã có cơ hội cống hiến, đóng góp cho đất nước.

- Trong công tác lập pháp, ông nhiều lần nhấn mạnh ưu tiên cao nhất cho chất lượng, kiên quyết không chạy theo số lượng. Nhưng câu chuyện “đưa vào, rút ra” vẫn được đề cập nhiều, thưa Chủ tịch Quốc hội?

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Để khắc phục tình trạng bị động, “cái cần chưa có, cái có lại chưa cần”, hay tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo” như chúng ta thường nói, Đảng đoàn Quốc hội Khóa XV đã chủ động trình Bộ Chính trị ban hành kết luận về chương trình xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ. Đây là nhiệm vụ chính trị của toàn hệ thống, chứ không chỉ riêng của Quốc hội. Qua đó, bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn trước mắt bằng nghị quyết, thí điểm một số vấn đề cấp bách, Quốc hội chú trọng xây dựng pháp luật mang tầm nhìn dài hạn.

Riêng năm 2023, Quốc hội đã ban hành và cho ý kiến 26 dự án luật, trong đó thông qua 16 luật và 6 nghị quyết như luật (nghị quyết có quy phạm pháp luật); cho ý kiến 10 dự án luật khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thông qua 1 pháp lệnh và 10 nghị quyết như pháp lệnh.

Như vậy, tính từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2023, có 114/137 nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt hơn 83% khối lượng công việc nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ theo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đương nhiên, trong công tác lập pháp, có việc thêm mới, có việc rút ra, nhưng có kế hoạch và định hướng dài hạn. Trước kỳ họp thứ 6, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội 2 dự thảo nghị quyết. Một là dự thảo nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Hai là dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cho phép áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bên hành lang kỳ họp Quốc hội. Ảnh: P.Thắng

Với nội dung thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp một lần đã kết luận, đồng ý trình Quốc hội, nhưng nội dung thứ hai, họp 2 lần cũng không thông qua được để trình, vì rất khó và chưa nước nào làm.

Sau khi thống nhất với Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội tha thiết kiến nghị Quốc hội cho rút dự thảo nghị quyết về thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, chỉ trình nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu.

Quốc hội đồng ý tại phiên họp trù bị. Quốc hội họp 1 tuần, các tập đoàn đa quốc gia gửi thư đến Chủ tịch Quốc hội, đề nghị thông qua đồng thời cả hai nghị quyết, nếu không nên hoãn lại. Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ, báo cáo Quốc hội cho phép rút cả 2 dự thảo nghị quyết này.

Sau đó, các tập đoàn đa quốc gia lại thay đổi ưu tiên, đề nghị nếu chưa có nghị quyết hỗ trợ đầu tư vào công nghệ cao, thì sớm thông qua nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu. Họ lo tranh chấp về pháp lý, vì phải nộp thuế về nước có công ty mẹ.

Lúc này, chúng ta phải chấp nhận phương án tốt nhất có thể, giúp các tập đoàn chủ động lập kế hoạch tài chính và phương án nộp thuế. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lại xin Quốc hội đưa trở lại chương trình. Trước hết, xin đưa trở lại việc thông qua nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu, để giành quyền đánh thuế bổ sung, chống xói mòn cơ sở thuế. Như vậy, áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, năm 2024, chúng ta thêm được khoảng gần 15.000 tỷ đồng, mà nếu không có nghị quyết, không thu được khoản tiền này.

Cùng với đó, tại nghị quyết chung của kỳ họp, Quốc hội đồng ý chủ trương thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, giao Chính phủ xây dựng nghị định và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Kết quả được dư luận đánh giá tốt, nhiều tập đoàn đa quốc gia gửi thư cho Chủ tịch Quốc hội hết sức hoan nghênh, đánh giá cao Chính phủ và Quốc hội. Họ nói rất yên tâm, cam kết sẽ đầu tư lâu dài, kêu gọi các tập đoàn khác vào và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, tôi nghĩ có lẽ không nhiều nước làm được như vậy. Đó là điển hình của câu chuyện “kéo pháo vào, kéo pháo ra” trong làm luật, nhưng là để ứng xử với các tình huống phát sinh, đáp ứng yêu cầu cuộc sống và kiến tạo phát triển.

“Giữa được việc và mất lòng, tôi xin chọn được việc”

Lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ tại kỳ họp 6 được tiến hành rất chặt chẽ, khách quan, công tâm. Nổi bật là không khí đoàn kết, dân chủ trước, trong và sau khi lấy phiếu. Những người được lấy phiếu rất thoải mái, không căng thẳng; không có tình trạng vận động, lobby các đoàn đại biểu Quốc hội.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là người đứng đầu về số phiếu tín nhiệm cao.

“Kết quả tín nhiệm ấy có lẽ là sự ưu ái của cử tri, nhân dân và đại biểu dành cho tôi, bởi người đứng mũi chịu sào thường phải va đập, cọ xát”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Ông tự nhận bản thân có ưu điểm là thẳng thắn, nhưng nhược điểm là thẳng thắn quá. “Giữa được việc và mất lòng, tôi xin chọn được việc. Nếu mọi người cảm thông cho thì tốt, chứ không đành chịu, nhưng tôi cũng chưa thấy ai giận mình ra mặt cả, bởi mình vì việc chung thôi, không phải tạo ra áp lực, đòi hỏi vì điều gì khác”, ông Vương Đình Huệ nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, lấy phiếu tín nhiệm là một hình thức để đánh giá cán bộ, không phải kênh duy nhất, cũng không phải “chìa khóa vạn năng” và không bao giờ tuyệt đối được, nhưng qua lấy phiếu, sẽ giúp người được lấy phiếu tín nhiệm tự soi, tự sửa. 

Sớm chọn “tinh hoa” cho Quốc hội khóa mới

- Tại kỳ họp thứ 6, khi thảo luận về kinh tế - xã hội, có ý kiến đại biểu cho rằng, thay vì loay hoay tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, đã tới lúc cần “chiếc áo cơ chế mới”. Quan điểm của Chủ tịch Quốc hội về vấn đề này như thế nào?

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Xây dựng chính sách, thể chế không phải cho vui, mà phải hết sức thận trọng, tuân theo chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Vấn đề cấp bách đã chín, đã rõ và nhận được sự đồng thuận cao thì luật hoá để tổ chức thực hiện. Vấn đề cấp bách mà chưa đủ chín, chưa đủ rõ và chưa đồng thuận thì tiếp tục nghiên cứu; thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép. Cơ chế, chính sách thí điểm cũng phải có phạm vi, địa chỉ, không phải là luật song hành với luật hiện hành. 

Vừa rồi, một số bộ luật khó được xây dựng trên lập trường, nguyên tắc như vậy. Còn mong muốn thì vô cùng, luật không thể làm hài lòng tất cả mọi người, nhất là những lợi ích cục bộ, lợi ích không phù hợp lợi ích quốc gia dân tộc.

Đề xuất “áo cơ chế mới” cũng phải theo nguyên tắc trên. Nó phải phổ quát, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Hội nhập nhưng phải đảm bảo tự cường, tự chủ của ta.

Với tinh thần như vậy, nghị quyết Quốc hội nêu năm 2024 có nhiều khó khăn nhưng không phải chúng ta không có cơ hội, đôi khi phải biến nguy thành cơ. Với nền kinh tế, chúng ta chăm lo cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xây dựng nền tảng pháp lý, thì hết mưa trời lại sáng.

Chúng ta có thể vượt qua những giai đoạn thử thách khắc nghiệt nhất, khi bắt được đà thì nền kinh tế lên rất nhanh, sức chống chịu của người dân, doanh nghiệp cũng rất kiên cường.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: P.Thắng 

- Ông từng chia sẻ Quốc hội phải tiếp tục đổi mới. Với cơ chế tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách còn hạn chế như hiện nay, áp lực đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động của Quốc hội được đặt ra như thế nào, thưa ông?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Chất lượng và hiệu quả hoạt động Quốc hội phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất và giữ vai trò trung tâm là đại biểu Quốc hội. Có thể nói, thành quả của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cử tri, nhân dân đánh giá cao, rõ ràng đóng góp của đại biểu Quốc hội rất nổi bật. Bởi tất cả đều phụ thuộc vào đại biểu, dù chuyên trách hay không chuyên trách.

Bối cảnh hiện nay, việc tiếp tục đổi mới là nhu cầu của cuộc sống và trách nhiệm chúng ta phải làm. Tôi từng nói, Quốc hội các khóa trước quá thành công rồi nên việc kế thừa, giữ được phong độ đã khó, tiếp tục đổi mới và tiến lên phía trước dù nửa bước càng khó hơn, nhưng không được phép dừng lại. Vì thế, Quốc hội hết sức quan tâm, chăm lo quy hoạch xây dựng đội ngũ cho khóa sau, nhất là đại biểu chuyên trách. Khóa XV được quy hoạch 133 đại biểu chuyên trách nhưng ngay từ đầu, số lượng này đã chuẩn bị không đủ.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: P.Thắng

Rút kinh nghiệm, năm 2023, lần đầu tiên Đảng đoàn Quốc hội đề nghị tất cả Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng, cơ quan Trung ương và tất cả tỉnh ủy, thành ủy giới thiệu nhân sự cho Quốc hội, vào các chức danh đại biểu chuyên trách, ủy viên chuyên trách, ủy viên thường trực, lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội.

Kết quả đem lại ngoài mong đợi, có 1.000 nhân sự được các bộ, ngành, cơ quan giới thiệu cho Quốc hội. Qua quá trình sàng lọc, đã lựa chọn 300 người trong số đó để bổ sung vào nguồn quy hoạch đại biểu Quốc hội khóa tới. Các nhân sự được giới thiệu đều là “tinh hoa”, trong đó có một số đang là đại biểu đương chức, nhất là các phó đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, rồi nhiều lãnh đạo, kể cả cấp thứ trưởng trong quân đội, công an và các ngành, các cấp.

Quốc hội đang chuẩn bị theo hướng tăng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên khoảng 40%, tỷ lệ này phấn đấu tăng từng năm. Khoá này đã tốt, khoá sau phải chu đáo, đầy đủ hơn, bởi chất lượng đại biểu quyết định chất lượng hoạt động Quốc hội.

+ Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội!

"Chi cho con người cũng là chi cho đầu tư phát triển"

Các quyết sách của Quốc hội rất kịp thời, đảm bảo ổn định và phát triển bền vững, cả trước mắt và lâu dài. Một trong những quyết sách rất nổi bật trong năm 2023 là cải cách tổng thể chính sách tiền lương.

“Người dân tham gia vào sự nghiệp đổi mới đất nước, mà không được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới thì ý nghĩa của đổi mới giảm đi, nhất là sau dịch Covid-19, sức khỏe của người dân, doanh nghiệp bị bào mòn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Vì vậy, sau quyết định tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng, Quốc hội tiếp tục quyết định thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024. “Chi cho con người cũng là chi cho đầu tư phát triển. Ngân sách đã chuẩn bị số tiền rất lớn, khoảng 560.000 tỷ đồng cho cải cách tiền lương trong 3 năm, từ 2024 đến 2026”, theo Chủ tịch Quốc hội.

Cải cách tiền lương không phải tăng lương bình thường. Theo đó, chế độ tiền lương mới được trả theo vị trí việc làm, chức vụ và chức danh lãnh đạo. Tất cả cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước sẽ bãi bỏ từ 1/7/2024, nhưng có một nguyên tắc, khi chuyển sang áp dụng lương mới mà thấp hơn, thì phải đảm bảo ít nhất bằng lương hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ thêm, các nước rất ngạc nhiên khi Việt Nam chuẩn bị đủ nguồn tiền cho cải cách tiền lương. “Họ bảo, tưởng Việt Nam có đồng nào mang đi làm đường cao tốc hết rồi, nhưng không phải, việc nào ra việc đấy. Tăng thu ngân sách Trung ương phải dành 40% để cải cách tiền lương, dứt khoát không nói xuôi, nói ngược. Tăng thu ngân sách địa phương phải để ra 50% cho cải cách tiền lương. Nghị quyết Trung ương ghi thẳng thế, không cựa quậy được, kiên trì vậy mới có nguồn để cải cách tiền lương”, ông Vương Đình Huệ cho hay.

Hương Giang (Thực hiện)