Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội năm 2023, chiều 22/4.

Có văn bản quy định chi tiết chậm ban hành đến 25 tháng

Trình bày báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, trong năm 2023, các cơ quan của Quốc hội phát hiện 6 văn bản có dấu hiệu trái quy định của pháp luật.

Các cơ quan của Quốc hội cũng phát hiện 7 văn bản chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hoặc còn những vướng mắc, bất cập, có thể tạo ra kẽ hở trong công tác quản lý cần được rà soát, hoàn thiện.

Cạnh đó, có văn bản còn nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể, chưa có sự thống nhất giữa các văn bản luật gây khó khăn trong triển khai thực hiện.

Báo cáo dẫn ví dụ tại Luật Phòng, chống ma túy, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn tổ chức học văn hóa cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Chưa có văn bản hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế về định mức và đơn giá dịch vụ cho việc xác định tình trạng nghiện dẫn đến việc khó khăn trong việc bố trí kinh phí, thanh quyết toán hàng năm từ ngân sách cho công tác này…

Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho hay, theo báo cáo của các cơ quan Quốc hội, vẫn còn nhiều văn bản quy định chi tiết được ban hành chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Cụ thể, trong số 325 văn bản được giám sát, có 32 văn bản ban hành chậm hơn thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết. Trong đó văn bản chậm ít nhất là 14 ngày, văn bản chậm nhiều nhất là 35 tháng 24 ngày, một số văn bản chậm từ 22 đến 25 tháng.

Qua qua giám sát còn phát hiện 83 điều, khoản thuộc 24 luật, 1 pháp lệnh, 5 nghị quyết giao quy định chi tiết nhưng chưa ban hành văn bản.

Trong đó, Chính phủ có 24 điều, khoản của 10 luật; Thủ tướng Chính phủ có 2 điều, khoản của 2 luật; Viện KSND Tối cao có 12 điều, khoản của 2 luật; TAND Tối cao có 10 điều, khoản của 3 luật, pháp lệnh; Bộ Y tế có 12 điều, khoản của 4 luật; Bộ Xây dựng có 9 điều, khoản của 2 luật….

Xử lý dứt điểm văn bản có nội dung trái pháp luật

Đánh giá chung, ông Cường nói, so với các kỳ giám sát trước đây, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2023 đã có sự chuyển biến tích cực, đạt những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên tình trạng chậm ban hành văn bản vẫn còn tồn tại. Vẫn còn nợ đọng văn bản, văn bản có nội dung chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật đã được kết luận, kiến nghị hướng xử lý cụ thể trong kỳ giám sát trước, đến nay vẫn chưa được khắc phục.

“Trong kỳ giám sát, tiếp tục phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật, chưa bảo đảm tính, đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật”, Tổng thư ký Quốc hội hấn mạnh.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên, theo ông Cường, là do một số nội dung quy định là những vấn đề mới, khó, phức tạp, cần nhiều thời gian nghiên cứu, đánh giá, xin ý kiến đối tượng chịu tác động của văn bản và xin ý kiến chuyên gia.

Việc xem xét, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, văn bản có nội dung trái luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa kịp thời, nghiêm minh.

Trên cơ sở giám sát, các cơ quan của Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, nghị quyết, pháp lệnh.

Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, các bộ, ngành và cơ quan hữu quan được đề nghị khẩn trương ban hành và chỉ đạo ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung còn nợ và xử lý dứt điểm văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật, chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Hương Giang