Sáng ngày 22/10, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Dự thảo luật này có 8 chương, 156 điều.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, luật hiện hành ra đời cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, cơ quan quản lý cũng mới thành lập, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng.

Đến nay, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, luật hiện hành bộc lộ một số bất cập nhất định và chưa theo kịp với quốc tế như: Quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế…

Vì vậy, Chính phủ cho rằng, ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là cần thiết.

Hạn chế tối đa tạo thêm các ngoại lệ về phá sản

Một trong những điểm mới là mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác.

Dự luật cũng bổ sung yêu cầu công khai thông tin một cách toàn diện, bao gồm thông tin định tính và định lượng theo định kỳ, thường xuyên, bất thường nhằm tăng cường tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh của thị trường.

Thẩm tra dự luật này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Tuy nhiên cơ quan thẩm tra đề nghị, tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến chủ thể kinh doanh (như điều kiện kinh doanh, trình tự thành lập, quản trị doanh nghiệp, tổ chức kiểm soát và kiểm toán nội bộ…) bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng, thuận lợi, không tạo gánh nặng về tài chính, hành chính cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế nhấn mạnh, cần “tránh sự can thiệp quá sâu của cơ quan quản lý Nhà nước vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp và phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2020”.

Với quy định về phá sản doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm sau khi áp dụng biện pháp can thiệp, Ủy ban Kinh tế thấy, một số nội dung chưa phù hợp với quy định tại Luật Phá sản như chủ thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, việc áp dụng thủ tục thanh lý tài sản đối, thứ tự ưu tiên khi phân chia tài sản…

“Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ tính cần thiết phải có các quy định đặc thù này với lĩnh vực bảo hiểm, hạn chế tối đa việc tạo thêm các ngoại lệ so với quy định của Luật Phá sản”, ông Thanh nêu.

Thông tin về tài khoản của doanh nghiệp cần làm rõ

Điểm mới nữa là bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

leftcenterrightdel
 Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế. Ảnh: Đ.X

Trong quá trình này, Bộ Tài chính có quyền yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan; kể cả yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm…

Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp nhưng nội dung quy định còn chưa chặt chẽ.

“Với thông tin về tài khoản của doanh nghiệp cần làm rõ, trường hợp cần thiết dự thảo luật cần giao trách nhiệm quy định chi tiết nội dung này”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.

Ngoài ra, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị cần xem xét quy định về việc Bộ Tài chính tổ chức thi, cấp, công nhận chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm do chưa phù hợp với yêu cầu xã hội hóa ngày càng cao hiện nay, đặc biệt đối với lĩnh vực đào tạo.

Theo quan điểm của cơ quan thẩm tra, Bộ Tài chính chỉ nên tập trung vào việc ban hành chính sách và thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động này. Việc bồi dưỡng nâng cao trình độ, tổ chức thi và cấp chứng chỉ nghề nghiệp, đăng ký và quản lý hành nghề, kiểm soát chất lượng dịch vụ, kiểm soát đạo đức nghề nghiệp... nên giao cho tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Hương Giang