Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên sáng 17/4. Đây là dự án luật chuyên biệt, được Quốc hội khóa XV đưa vào chương trình.

“Tách phiên toà là rất cần thiết”

Một trong những vấn đề mới, còn ý kiến khác nhau là tách vụ án hình sự.

Theo cơ quan chủ trì xây dựng luật là TAND Tối cao, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, phải tách vụ án hình sự có người phạm tội là người chưa thành niên và người đã thành niên để giải quyết độc lập.

“Quy định này phù hợp với chính sách chuyên môn hóa đối với điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán khi giải quyết vụ án có người chưa thành niên tham gia tố tụng và phù hợp với thông lệ quốc tế”, tờ trình nêu.

Ý kiến khác cho rằng không nên tách vụ án hình sự vì sẽ phát sinh nhiều vụ án, thêm nhiều thủ tục tố tụng không cần thiết và đề nghị giữ như Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.

Trước ý kiến còn băn khoăn, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình làm rõ thêm.

Theo ông Bình, nếu không tách vụ án hình sự thì trên thực tế người chưa thành niên bị xét xử ở trong một phòng xử không thân thiện và tiếp cận với toàn bộ nội dung vụ án, đặc biệt là những vụ án xâm hại sức khỏe, tính mạng hay buôn lậu ma túy.

“Nếu các cháu phải ra tòa, một môi trường không thân thiện, tiếp cận với phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là người lớn phạm tội thì trên thực tế là tác động ngược chiều, chứ không phải tác dụng tốt cho các cháu. Ấn tượng về một phiên tòa như thế, không phải phiên tòa thân thiện, thì nặng nề hơn là việc phải tổ chức phiên tòa thân thiện”, Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh.

Thêm nữa, theo ông Bình, nếu vụ án do các thẩm phán không hiểu về tâm lý trẻ em thì không đảm bảo các lợi ích của người chưa thành niên.

“Việc tách phiên tòa là rất cần thiết”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Với lo ngại “các cháu phải ra toà hai lần liệu có nặng không?”, ông Bình khẳng định “không nặng hơn”. Bởi theo Chánh án TAND Tối cao, đây là tách đối tượng, không phải tách hành vi.

“Nếu tách hành vi thì bất lợi cho các cháu, nhưng tách đối tượng thì không bất lợi. Có thể các cháu không phải ra tòa lần hai mà tham gia phiên tòa trực tuyến, hoặc ghi âm, ghi hình sau đó công bố tài liệu của các cháu với tư cách là người làm chứng”, ông Bình giải thích.

Đề xuất 3 cơ quan có quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng

Thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cũng là vấn đề còn ý kiến khác nhau.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: P.Thắng

Biện pháp xử lý chuyển hướng là biện pháp giám sát, giáo dục, phòng ngừa thay thế cho hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định của luật này.

Cụ thể gồm các biện pháp: Khiển trách; xin lỗi bị hại; bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; cấm tiếp xúc; hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; cấm đến một địa điểm nhất định; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản thúc tại gia đình (sau đây gọi là biện pháp xử lý chuyển hướng ngoài cộng đồng) và biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cả 3 cơ quan là cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án đều có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần giao thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng tất cả các biện pháp xử lý chuyển hướng cho tòa án để thực hiện đúng chức năng Hiến định: “Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp”.

“Nếu giao cho toà phải chờ kết thúc điều tra thì không kịp thời; chưa kể phải mở phiên tòa hay phiên họp. Nhưng có những biện pháp xử lý chỉ cần vỗ vai “cháu đi xin lỗi bạn đi”, hay “cháu về nói bố mẹ bồi thường bạn bị gãy tay, mang đến bệnh viện bồi thường cho người ta”. Những chuyện như thế ngay giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra cũng có thể làm được, không cần thiết phải chờ đến tòa mở một phiên họp”, Chánh án TAND Tối cao nêu.

Ông Bình nói thêm, “các cháu vào siêu thị ăn cắp đồ thì cơ quan điều tra cấm đến siêu thị và giao cho nhân viên công tác xã hội quản lý, không cho cháu vào siêu thị. Những việc này không cần thiết phải mở phiên tòa để cấm việc như thế”.

Tương tự, có những việc cơ quan điều tra và viện kiểm sát hoàn toàn có thể làm được, không cần thiết phải chờ kết thúc điều tra mới ra tòa. “Năng động thì nên giao”, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu quan điểm.

Theo dự kiến, dự luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 7 vào tháng 5 tới.

Hương Giang