Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, sáng ngày 16/11.  

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được thảo luận tại đợt 1 kỳ họp thứ 6. Thời điểm trình Quốc hội thảo luận, có tới 16 nội dung được thiết kế 2-3 phương án.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, trong 26 nội dung của dự thảo luật, có 6 nội dung đã tiếp thu gọn còn 1 phương án; 5 nội dung Đảng đoàn Quốc hội đã báo cáo cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, vẫn còn 14 nội dung có 2 phương án.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường cho thấy có 5/22 ý kiến đề nghị thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ 6; 6/22 ý kiến nhận định rõ tính chất cần thiết sớm thông qua dự thảo luật nhưng phải bảo đảm chất lượng.

Trong khi đó, 11/22 ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng, dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật một cách thấu đáo nhất, cân nhắc cẩn trọng việc thông qua dự án luật khi còn quá nhiều ý kiến khác. Nhóm ý kiến này đề nghị chưa thông qua dự án luật tại kỳ họp 6.

Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, việc thông qua dự thảo luật được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý để phát huy có hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn.

Dù vậy, quá trình rà soát, hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và toàn bộ dự thảo luật cần thêm thời gian để bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể của dự án luật.

“Với vai trò hết sức quan trọng của Luật Đất đai, chất lượng của dự án luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, tránh trường hợp luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân”, theo ông Thanh.

Cơ quan thẩm tra còn nhấn mạnh, các dự thảo nghị định và văn bản hướng dẫn luật cũng cần thêm thời gian để hoàn thiện đồng bộ, bảo đảm có hiệu lực cùng lúc với hiệu lực thi hành của luật sau khi được ban hành, nhất là một số nội dung mới về giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất...

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo luật tại kỳ họp 6.

Sau kỳ họp thứ 6, các cơ quan sẽ báo cáo những nội dung của dự thảo luật xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền để có định hướng tiếp tục hoàn thiện các nội dung chính sách lớn, phức tạp cũng như tổng thể dự thảo luật.

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp 6.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đồng tình, nhất trí chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp này”, ông Vương Đình Huệ nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo luật còn một số nội dung có 2 phương án. Ủy ban Kinh tế đến nay vẫn chưa trình quan điểm, vẫn xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Vương Đình Huệ cho rằng, lần này trình dự luật cần thu hẹp tối đa các vấn đề để còn một phương án.

Về các nội dung còn khác nhau, ông đề nghị Ủy ban Kinh tế, cơ quan soạn thảo, các cơ quan tập trung lập luận các ưu điểm, nhược điểm để làm sáng tỏ các quan điểm, đề xuất lựa chọn phương án tốt nhất.

Trước đó, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp 4 (tháng 10/2022), kỳ họp 5 (tháng 5/2023).

Hương Giang