Chiều ngày 20/3, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về các giải pháp để cán bộ “không muốn, không dám và không thể tham nhũng”, Viện trưởng Lê Minh Trí đưa ra 3 giải pháp.

Theo ông, đầu tiên, là về thể chế, cơ chế quản lý, hệ thống pháp luật phải chặt chẽ, không để lợi dụng để “không thể” tham nhũng.

Để “không dám” tham nhũng thì xử nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu có ý đồ chiếm đoạt, vụ lợi, giúp răn đe, làm cho đối tượng có ý đồ không lành mạnh, vi phạm pháp luật phải “chờn”.

Còn để “không muốn” tham nhũng, ông Trí kiến nghị cần có chế độ, chính sách đãi ngộ tốt hơn cho cán bộ, công chức.

Theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao, dù chế độ chính sách cho cán bộ các cấp đã có nhiều cố gắng, có chế độ định kỳ tăng lương, nhưng với chế độ chính sách hiện hành, “cán bộ nếu tự sống bằng đồng lương của mình thì hết sức khó khăn”.

“Còn lại một tỷ lệ sống được cũng nhờ vào các nguồn khác. Có khi nhờ cha mẹ, nhờ anh em, nhờ bên vợ, nhờ bên chồng… Tức là có sự hỗ trợ để hoàn thành công việc, còn chế độ như hiện nay thì cán bộ rất khó khăn, đặc biệt là cấp cơ sở”, ông Trí cho hay.

Chia sẻ về nguồn ngân sách hiện nay có hạn, nhưng Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh rằng, bên cạnh đòi hỏi hoàn thành công việc tốt, cũng phải nghiên cứu lộ trình, giải pháp để có chế độ chính sách đảm bảo mức tối thiểu cho cán bộ an tâm công tác.

“Chúng ta phải luôn luôn quan tâm đến chỗ này để ít nhất giảm bớt khó khăn cho những người tâm huyết, nhiệt huyết đang muốn làm, muốn giữ gìn đạo đức trong sáng của mình, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp trong công việc của mình”, ông Lê Minh Trí nói.

Khắc phục sở hở của pháp luật để không thể tham nhũng

“Chia lửa” cùng Viện trưởng, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đề cập đến vấn đề hoàn thiện thể chế để không thể tham nhũng. Theo ông, đây là vấn đề Bộ Công an rất quan tâm.

leftcenterrightdel
 Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Đ.X 

“Ngoài điều tra, chứng minh tội phạm, xử lý các đối tượng phạm tội, thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, thì một trong những nhiệm vụ quan trọng của điều tra vụ án là xác định sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế - xã hội để kiến nghị khắc phục, góp phần tạo cơ chế không thể tham nhũng”, ông Tô Lâm cho hay.

Ông Lâm dẫn chứng điển hình qua một số vụ án ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, cơ quan điều tra có nhiều kiến nghị khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác đầu tư công, công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế, giáo dục… Từ đó, góp phần minh bạch vấn đề này với mục tiêu “một vụ việc nhưng cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”.

Đại tướng Tô Lâm cũng nhấn mạnh, cần làm sao cho những đối tượng tham nhũng phải bị xử lý nghiêm. Những người, đơn vị, công ty đang có kiểu cách làm việc như vậy phải chấm dứt ngay, khắc phục hậu quả nếu không sẽ bị xử lý.

Từ đó, tư lệnh ngành Công an cho rằng, phải rà soát lại tất cả những quy định mà trong quá trình thực hiện “bộc lộ sơ hở” để những đối tượng lợi dụng có hành vi phạm tội. Trong đó, một số lĩnh vực như chứng khoán, tài chính doanh nghiệp thể hiện rất rõ như vậy.

“Thật ra, các vụ án, vụ việc như vậy không nhiều. Chứng khoán xử lý 1 vụ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng chỉ 2 vụ nhưng đã để cho chúng ta những bài học, kinh nghiệm mà phải chấn chỉnh, kể cả các thông tư, nghị định, pháp lệnh, thậm chí cả Luật nếu có quy định còn chỗ hở thì phải sửa để phòng ngừa tội phạm, không để đối tượng lợi dụng tham nhũng”, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh.

Vẫn theo Đại tướng Tô Lâm, trên lĩnh vực đất đai cũng như vậy, cũng đã để lại rất nhiều bài học. Cơ quan điều tra đã có những kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách để phòng ngừa tội phạm.

Hương Giang