Sáng ngày 5/6, sau khi nghe tờ trình, thẩm tra, Quốc hội thảo luận tại tổ Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Các vấn đề liên quan đến nhà ở xã hội đã sửa đổi, bổ sung, trong đó việc xác định giá bán, giá thuê, giá thuê mua.

Làm rõ “chi phí hợp lý” được tính vào giá bán nhà ở xã hội

Luật hiện hành xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội còn chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và các chi phí hợp lý khác... dẫn đến không thu hút được nhiều chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Vì vậy, dự thảo luật bổ sung chính sách: Giá bán được xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở... các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp (chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí hợp lý khác)…

Quy định này nhận được tán thành của đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

“Tuy nhiên, để kiểm soát chặt chẽ giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu làm rõ các chi phí hợp lý khác được tính vào giá bán hoặc phải quy định các nguyên tắc, điều kiện để chi phí có thể coi là hợp lý, hợp lệ khi tính vào giá bán”, cơ quan thẩm tra nêu quan điểm.

Ủy ban Pháp luật khuyến nghị “có thể tham khảo Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định một số nguyên tắc để chi phí được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế”.

Ngoài ra, Uỷ ban Pháp luật đề nghị làm rõ đối với các nhà ở xã hội đã hoàn thành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa bán, chưa cho thuê, chưa cho thuê mua hoặc đang cho thuê mua mà chưa đến hạn trả hết tiền thuê mua thì có được áp dụng quy định tại điều này hay không để bảo đảm quyền lợi của các chủ đầu tư nhà ở xã hội. Trường hợp có áp dụng thì cần bổ sung vào điều khoản chuyển tiếp.

“Đã là nhà ở xã hội thì Nhà nước phải duyệt giá”

Nêu ý kiến tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phân tích, nhà ở xã hội có 2 loại: Một, do Nhà nước đầu tư; hai từ nguồn vốn xã hội hóa, tức do doanh nghiệp đầu tư.

Theo ông, nếu nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư thì dự thảo quy định rõ UBND tỉnh có thẩm quyền giao chủ đầu tư thực hiện và “là người quy định giá bán và giá thuê”.

“Đất nhà ở xã hội không thu tiền, đương nhiên khi Nhà nước làm thì quy định giá bán cho các đối tượng được mua nhà ở xã hội”, Bộ trưởng nói.

Với nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính thấy, dự thảo luật chưa quy định “giá bán là ai duyệt”. Nhưng ông cho rằng, đã là nhà ở xã hội thì Nhà nước phải duyệt giá.

Giải thích cho đề xuất này, theo bộ trưởng, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, nhưng đất là Nhà nước giao đất sạch, không thu tiền sử dụng đất, thì Nhà nước phải khống chế mức bán tối đa. Có như vậy, nhà ở xã hội mới bán, cho thuê đúng đối tượng. Còn nếu không khống chế giá bán tối đa, sẽ rơi vào “kênh” nhà ở thương mại.

“Nhà nước phải quyết giá với nhà ở xã hội. Với nhà ở xã hội, Nhà nước đầu tư thì bán đúng giá, còn doanh nghiệp đầu tư thì phải quy định giá tối đa”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh, khi có giá bán tối đa, nếu doanh nghiệp tiết kiệm hơn thì sẽ có lời.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc còn đề nghị quy định trong luật về hạ tầng nhà ở xã hội nếu không sau này thực hiện sẽ rất khó. Trong đó, phí bảo trì và quản lý nhà ở xã hội phải giao cho UBND tỉnh ban hành, chứ không mỗi khu chung cư lại đặt ra một mức phí.

Theo ông, nhà ở xã hội trước đây quy định không quá 5 tầng nên chỉ đi cầu thang bộ, nhưng giờ phải đi thang máy và các hạ tầng hiện đại hơn, đòi hỏi bộ máy quản lý phải chuyên nghiệp.

“Muốn chuyên nghiệp thì phải có kinh phí bảo trì. Mà kinh phí bảo trì do người lao động, những đối tượng sử dụng nhà ở xã hội trả. Đây là những đối tượng nghèo, yếu thế, cho nên phải duyệt giá, phí, chứ không thể để chủ đầu tư tự nâng lên thế nào cũng được”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Dự thảo luật, khoản 3, Điều 80 quy định: “Căn cứ vào nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở được xác định trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo HĐND cùng cấp việc dành một tỷ lệ nhất định nguồn tiền thu được từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, dự án nhà lưu trú công nhân trên phạm vi địa bàn”.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, theo quy định của Luật Ngân sách, các khoản thu ngân sách không quy định nhiệm vụ chi. Tức, thu vào để hòa chung vào ngân sách chứ không quy định nhiệm vụ chi những việc cụ thể. “Nếu quy định như dự thảo sẽ rất khó khăn”, ông nhận xét.

Từ đó, ông đề nghị thiết kế lại theo hướng: Nhà nước có trách nhiệm đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng để giao đất sạch; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho khu vực nhà ở xã hội. “Chúng ta làm hạ tầng, có đất sạch thì chỉ định để chủ đầu tư làm nhà ở xã hội theo đúng quy hoạch được phê duyệt”. 

Hương Giang