Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Dương Quốc Huy cho biết, Thanh tra Chính phủ và Bộ Thanh tra Campuchia có quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp và hiệu quả, được gây dựng và vun đắp từ những năm 1990 của thế kỷ trước.

Các thế hệ lãnh đạo của hai cơ quan đã 5 lần ký bản ghi nhớ hợp tác. Lần gần đây nhất là ngày hôm qua, 10/6/2024, giữa Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong và Bộ trưởng Huốt Hạ.

“Có thể nói, chuyến thăm làm việc lần này của ngài Bộ trưởng đã mở ra một chương mới cho quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai cơ quan thanh tra hai nước”, Phó Tổng Thanh tra Dương Quốc Huy nhấn mạnh và cho biết thêm, hôm nay, Thanh tra Chính phủ mời Bộ trưởng và đoàn đến thăm một trong những tập đoàn kinh tế quan trọng của Việt Nam.

leftcenterrightdel
Phó Tổng Thanh tra Dương Quốc Huy phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: PV 

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là tập đoàn kinh tế - công nghiệp đóng vai trò chủ lực, trụ cột của nền kinh tế, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, giữ vai trò xương sống về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế, an ninh quốc phòng, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Mỗi năm tập đoàn đóng góp hàng trăm nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách Nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

“Chúng tôi luôn đánh giá cao những đóng góp to lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho đất nước”, Phó Tổng Thanh tra Dương Quốc Huy nhấn mạnh.

Ông Lê Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc cho biết, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với bề dày hơn 60 năm hình thành và phát triển, đến thời điểm hiện nay đã là một trong những doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn kinh tế hàng đầu, xây dựng được một chuỗi giá trị khép kín với 5 lĩnh vực hoạt động: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; công nghiệp khí; chế biến dầu khí; công nghiệp điện và năng lượng tái tạo; dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.

leftcenterrightdel
Ông Lê Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: PV 

Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản hợp nhất của tập đoàn tương đương 42,5 tỷ USD, nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất là 22,3 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng 9% tổng thu cả nước.

Tập đoàn được tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Fitch Ratings xác nhận xếp hạng tín nhiệm ở mức BB+. Giá trị thương hiệu năm 2023 đạt 1,4 tỷ USD.

Đối với một tập đoàn kinh tế quy mô lớn, để nâng cao hiệu quả hoạt động, quản trị rủi ro, đảm bảo sự tuân thủ các quy định hiện hành, thì công tác quản trị doanh nghiệp cùng với hệ thống kiểm soát nội bộ đóng vai trò hết sức quan trọng, khi không chỉ giúp bảo vệ doanh nghiệp khỏi các rủi ro, sai sót, mà còn góp phần nâng cao mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp cũng như các bên liên quan.

Giới thiệu về hệ thống kiểm soát nội bộ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bà Nguyễn Thu Hương, Phó Ban Kiểm soát nội bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, cơ sở để tập đoàn xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ là khung kiểm soát nội bộ COSO 2013 - là một quá trình được chi phối bởi ban quản trị của doanh nghiệp, nhà quản lý và các nhân sự khác, được thiết kế để đưa ra sự đảm bảo hợp lý nhằm đạt mục tiêu về hoạt động, báo cáo và tuân thủ.

Bên cạnh đó, quy định pháp luật của Việt Nam về xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ của tập đoàn trên cơ sở Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Chứng khoán 2019 và Luật Kế toán 2015.

leftcenterrightdel
 Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - ông Lê Ngọc Sơn tặng quà lưu niệm cho đại diện Đoàn Bộ Thanh tra Campuchia. Ảnh: PV

Hệ thống kiểm soát nội bộ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được quản trị theo mô hình 3 tuyến trong quản lý rủi ro của doanh nghiệp. Cụ thể: Tuyến 1: Cung cấp sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng: Quản lý rủi ro (các phòng/ban nghiệp vụ); tuyến 2: Cung cấp kiến thức chuyên môn, hỗ trợ giám sát và liên tục cải tiến các phương pháp quản lý rủi ro (quản lý rủi ro, quản lý chất lượng); tuyến 3: Đánh giá độc lập, khách quan và tư vấn về tất cả các vấn đề liên quan đến việc đạt mục tiêu của doanh nghiệp (kiểm toán nội bộ).

Mức độ trưởng thành của hệ thống kiểm soát nội bộ tại tập đoàn dựa trên 17 tiêu chí. Trên cơ sở những tiêu chí quy định. Hệ thống kiểm soát nội bộ tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên được đánh giá đều nằm ở mức 3 (đã chuẩn hoá), một số ít các đơn vị đang dần tiệm cận đến mức 4 (được giám sát)…

leftcenterrightdel
Đoàn đại biểu 2 bên chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: PV 

Về định hướng hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ của tập đoàn trong thời gian tới, bà Nguyễn Thu Hương, Phó Ban Kiểm soát nội bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, mục tiêu mức độ trưởng thành của hệ thống của kiểm soát nội bộ đạt mức 4,5 theo COSO 2013.

Để thực hiện mục tiêu đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đưa ra các giải pháp cụ thể, như: Hoàn thiện khung pháp lý: Quản lý Nhà nước, hệ thống văn bản nội bộ của Tập đoàn; hoàn thiện cơ cấu tổ chức kiểm soát theo tiêu chuẩn quản trị quốc tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, ứng dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo.

Thay mặt Đoàn Đại biểu cấp cao Bộ Thanh tra Campuchia, ông Huốt Hạ cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt, trọng thị, chân tình của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ Campuchia, Bộ trưởng Bộ Thanh tra Campuchia Huốt Hạ chúc mừng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với những thành tựu đạt được trong suốt thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp như năng lượng tái tạo, thăm dò và khai thác dầu khí... được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao và công nhận sánh ngang với nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.

Bộ trưởng Thanh tra Campuchia chúc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngày càng lớn mạnh và đạt được nhiều thành tựu hơn nữa. Đồng thời đề nghị trong thời gian tới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nghiên cứu đầu tư vào Campuchia trong việc tìm kiếm và khai thác dầu khí, đặc biệt về các mặt xăng dầu, khí đốt.

Phương Anh