Anh hùng Bông Văn Dĩa - người có 2 chuyến đi - về đều mang ý nghĩa mở đầu, góp phần quan trọng hình thành tuyến đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển, sinh năm 1905, người gốc ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Hoạt động cách mạng từ năm 1934, năm 1940, ông được kết nạp Đảng, rồi tham gia cướp chính quyền ở Hòn Khoai.

Cuộc khởi nghĩa bị khủng bố, ông bị thực dân Pháp kết án khổ sai đày ra Côn Đảo - nơi ông gặp và quen đồng chí Lê Duẩn.

Suốt những năm lưu đày chịu nhiều cực hình tra tấn, ông vẫn luôn giữ vững khí tiết cách mạng, cùng với Chi bộ nhà tù đấu tranh và tổ chức nhiều cuộc vượt ngục đưa các chiến sĩ của ta về đất liền hoạt động.

Cách mạng tháng Tám thành công, ông cùng các chiến sĩ tù Côn Đảo trở về tiếp tục hoạt động cách mạng.

Ông trở lại Rạch Gốc hoạt động, giả làm lái buôn, kiếm tiền qua Thái Lan mua vũ khí. Ông đã tổ chức mua 16 tấn vũ khí cung cấp cho các chiến trường Nam bộ. Chính những ngày tháng làm công tác mua sắm, vận chuyển vũ khí từ Thái Lan về Nam bộ đã đưa ông đến một sự gặp gỡ kỳ ngộ với Thuyền trưởng Lê Văn Một sau này.

Năm 1954, ông được Trung ương Cục miền Nam giao nhiệm vụ đưa đón cán bộ, vận chuyển tài liệu, nắm đầu mối liên lạc từ chiến khu với Tây Nam bộ, căn cứ U Minh.

Bắt đầu từ năm 1961, ông được Trung ương Cục miền Nam giao nhiệm vụ chuẩn bị thuyền vượt biển ra Bắc - một chuyến đi mà chỉ nội tình tiết diễn ra quanh nó đã đủ cho nhà văn nữ Mã Thiện Đồng góp thành phần quan trọng trong cuốn “Ký ức tàu không số” (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2011).

Chuyến mở đường ra Bắc bắt đầu từ ngày 1/8/1961, có 8 thành viên, do Bông Văn Dĩa là Thuyền trưởng. Quãng thời gian này còn có 2 thuyền của Bến Tre, 1 của Bà Rịa và 1 của Trà Vinh. Do phương tiện thô sơ giữa sóng to biển lớn, nên 6 thuyền ra Bắc thì 1 thuyền không tới đích, 1 vào Hà Tĩnh, 1 vào Nghệ An, 1 cập đảo lạ gần Việt Nam, 1 vào Ma Cao. Riêng thuyền của Bông Văn Dĩa là đến được bờ biển Quảng Bình, nhưng ngay lập tức, ông bị dân quân bắt vì tưởng đó là biệt kích ngụy.

Mọi cuộc hỏi cung của ta đối với “tên biệt kích” này đều không thu được kết quả. Ông nhất định không tiết lộ nhiệm vụ, chỉ một mực yêu cầu giải về Trung ương hoặc cho gặp Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn. Đúng lúc đó, đồng chí Lê Duẩn đến Quảng Bình công tác. Nghe báo cáo, đồng chí Lê Duẩn lập tức đến gặp. Hai người bạn tù Côn Đảo ôm chầm lấy nhau...

Sau thời gian ở Hà Nội, ông Bông Văn Dĩa, với tư cách là Bí thư Chi bộ cùng 7 đồng chí khác nhận nhiệm vụ đi chuyến trinh sát, mở đường từ Bắc vào Nam.

Đêm 10/4/1962, tàu trinh sát rời Nhật Lệ đi về hướng Nam.

Ngày 14/4/1962, khi thuyền đến vùng biển Nha Trang thì gặp tàu Mỹ. Chúng nghi ngờ và cho tàu chạy vòng quanh, quần đảo từ 8 giờ sáng đến 14 giờ chiều. Anh em trên thuyền phải bỏ hết hải đồ, la bàn xuống biển, đóng vai dân chài ra khơi đánh cá bị gió đẩy xa bờ. Địch bị ta nghi binh không đeo bám nữa. Thuyền tiếp tục hành trình về hướng Nam, đến 10 giờ đêm 18/4 cập vào Vàm Lũng.

Sau thời gian nghiên cứu, khảo sát, ông cùng Khu ủy Khu 9 xác định: So với Hòn Ông, Hòn Bà, Thổ Chu, Hòn Chuối, Nam Du, chỉ có cửa Vàm Lũng là khá an toàn, khi nước cường có thể vào tận nơi, lại là chỗ địch khó càn tới. Xác định thế, ông Bông Văn Dĩa cùng 5 thủy thủ quay trở ra miền Bắc. Đến ngày 1/8/1962 thì vào bờ biển Nam Định. Chuyến đi trinh sát, mở đường từ Bắc vào Nam đã thành công.

Sau khi Quân ủy Trung ương thông qua nghị quyết mở đường vận chuyển chiến lược trên biển, đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí đã rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) lên đường đi Cà Mau do ông Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, ông Bông Văn Dĩa làm chính trị viên cùng 11 thủy thủ.

Ngày 19/10, tàu vào Vàm Lũng an toàn. 30 tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc đã được chiến trường miền Nam tiếp nhận an toàn. Đường biển, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam đã trở thành hiện thực, tạo tiền đề cho những chuyến vận chuyển thành công tiếp theo...

Bông Văn Dĩa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành người chiến sĩ tiên phong mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Với những thành tích và công lao cống hiến đặc biệt, năm 1967, ông được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông mất năm 1983.

Dung Phương