Tham dự hội nghị có hơn 300 đại biểu đại diện cho trên 4 triệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và 20 đại biểu nông dân sáng tạo trong cả nước.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường khẳng định, đây là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam, là dịp tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng trong 5 năm qua, rút ra bài học và đề ra phương hướng, mục tiêu cho phong trào trong 5 năm tới. 

Phong trào NDSXKDG, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng được Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989 đã trở thành phong trào cách mạng của giai cấp nông dân trong thời kỳ đổi mới.

Tại Hội nghị lần thứ IV, 6 đại biểu được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 92 đại biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và 211 đại biểu được tặng Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh: “Đây cũng là dịp để giao lưu, học hỏi cách làm hay, kinh nghiệp quý, mô hình tốt ở các địa phương. Đặc biệt là các biện pháp, cách thức giúp đỡ các hộ từ nghèo khó vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Tăng cường hợp tác, liên kết những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi với nhau để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của hàng hóa nông sản”.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đánh giá cao việc Hội Nông dân Việt Nam phát động phong trào thi đua yêu nước trong đông đảo hội viên. Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Trong những năm qua, phong trào đã giành được những kết quả to lớn, rõ nét, sinh động, đã phát triển sâu rộng trên phạm vi cả nước, trong nhiều lĩnh vực, cuốn hút hàng triệu hội viên nông dân hăng hái thi đua, vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, ngành nghề, phát triển kinh tế trang trại ở nông thôn. Nông dân ngày càng ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp”.


 

Quang cảnh hội nghị

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gửi lời thăm hỏi ân cần tới bà con nông dân cả nước, những người đã làm nên đóng góp tích cực, to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội chúc mừng các đại biểu NDSXKDG, đi đầu trong phong trào thi đua, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Các đồng chí đại diện cho hàng trăm ngàn, hàng triệu nông dân làm ăn giỏi trong cả nước vượt lên nghèo đói, đang xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, đại biểu cho tinh thần, ý chí, nghị lực nông dân Việt Nam”.

Theo báo cáo tổng kết phong trào giai đoạn 2007 - 2011, bình quân hàng năm, số lượng hội viên, nông dân đăng ký đạt danh hiệu NDSXKDG các cấp tăng 4,3%, đạt 8,21 triệu lượt. Số hộ đạt danh hiệu đến năm 2011 là 4,2 triệu, chiếm 51,6% số hộ đăng ký.
 
So với giai đoạn 2002 - 2007, số hộ có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần. Số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng 5 lần

Phong trào đã góp phần thúc đẩy việc thành lập các loại hình trang trại, gia trại. Đến nay, cả nước có hơn 20.000 trang trại. Diện tích đất sử dụng bình quân mỗi trang trại 7,9ha, doanh thu bình quân 1,9 tỷ đồng/năm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, muốn nông thôn trở thành nông thôn mới, nông dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, nông nghiệp trở thành nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất chất lượng hiệu quả lớn thì phải phát huy vai trò của nông dân, Hội Nông dân Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp lãnh đạo và Hội Nông dân Việt Nam chú ý nhân rộng hơn nữa các điển hình, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ để thành quả thi đua đóng góp thiết thực vào cuộc sống của bà con.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Những người NDSXKDG là những người có ý chí, có tài năng, nghị lực và đã thành công, phải làm cho kinh nghiệm của họ lan tỏa trong phong trào nông nghiệp, làm cho chúng ta có nhiều nông dân giỏi hơn nữa trên các mặt trận trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, nghề biển, công nghiệp chế biến. Chính bà con sẽ đóng góp một cách tích cực vào phong trào nông dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, để đất nước ta ngày càng giàu có, thịnh vượng; nông dân, nhân dân ta ngày càng tự do, ấm no, hạnh phúc".

Ông Đoàn Văn Tính, thôn 1, xã Đức Hạnh, Đức Minh, Bình Thuận: Tôi vốn là người làm thuê

Tôi rất phấn khởi khi được về tham dự Hội nghị lần này. Sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, năm 1992 tôi vào Bình Thuận làm thuê. Lúc đầu chỉ biết làm để có đủ ăn, đủ mặc, nhưng rồi vừa làm vừa học hỏi, dần dần tôi có được thành quả của ngày hôm nay.

Trong quá trình làm thuê nhiều việc khác nhau, tôi thấy việc ươm cây giống có thể phát triển vì thế đầu tư vốn để làm. Hiện nay, tôi đã có nhà máy chế biến hạt điều và mủ cao su. Trung bình có 60 công nhân, thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng. Nộp ngân sách địa phương hơn 2 tỷ đồng/năm.

Bà Ny-ê Bích Đào - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai: Khuyến khích phát triển trên chính mảnh đất quê hương

Tại Gia Lai hiện có trên 500 mô hình kinh tế, trồng lúa, nuôi nhím, nuôi bò... được cho vay vốn theo mô hình nhỏ.

Hội Nông dân tỉnh Gia Lai hàng năm có phối hợp với các huyện, xã tập huấn cho nông dân định hướng "trồng cây gì, nuôi con gì". Người dân tham gia rất phấn khởi.

Sắp tới, Hội Nông dân tỉnh Gia Lai sẽ đẩy mạnh tập huấn theo từng mô hình địa bàn, khuyến khích người nông dân tự vươn lên làm giàu, có huy động các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh để phát triển sản xuất.


Đại Dương