Nội dung này được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà quán triệt khi kết luận Hội nghị Triển khai công tác năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao, ngày 8/4.

Nghiên cứu phương án chi trả chi phí xét nghiệm phát hiện bệnh lao 

Theo Phó Thủ tướng, Bộ Y tế phải tiếp tục cập nhật thông tin, số liệu bài bản, hệ thống, chính xác về tình hình bệnh lao tại Việt Nam (tỷ lệ phát hiện ca nhiễm mới, hiệu quả điều trị, số ca tử vong…); khuyến cáo của các tổ chức quốc tế; thực tế huy động nguồn lực từ Nhà nước, xã hội, quốc tế…

Từ đó, Bộ Y tế đánh giá toàn diện, cẩn trọng về kết quả thực hiện các mục tiêu đặt ra cho công tác phòng, chống bệnh lao khi Việt Nam vẫn nằm trong số 30 nước chịu gánh nặng chi phí bệnh lao cao nhất thế giới.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng quán triệt Bộ Y tế phải chỉ rõ các khó khăn, thách thức, nguy cơ bùng phát và gánh nặng điều trị nếu không có giải pháp kiểm soát và đẩy lùi hữu hiệu bệnh lao.

Về nhiệm vụ thời gian tới, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế ban hành quy định, hướng dẫn chuyên môn về công tác dự phòng, phát hiện, điều trị bệnh nhân lao từ tuyến cơ sở đến Trung ương.

Đây là căn cứ nhằm kiện toàn, củng cố bộ máy, tổ chức hệ thống phòng, chống lao thống nhất, xuyên suốt trong phạm vi cả nước.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu phương pháp, quy chuẩn kỹ thuật, đơn giá phát hiện, xét nghiệm, phác đồ điều trị… để làm căn cứ thanh toán bảo hiểm y tế, hoặc bố trí từ ngân sách Nhà nước, huy động nguồn lực xã hội dành cho các hoạt động thuộc chương trình phòng, chống lao.

“Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu phương án chi trả chi phí xét nghiệm phát hiện bệnh lao cũng như bao phủ bảo hiểm y tế cho mọi bệnh nhân lao”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Ông lưu ý phải thực hiện đấu thầu tập trung để bảo đảm có đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống lao. Bộ Y tế chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị y tế để triển khai điều tra toàn quốc về tình hình bệnh lao trong năm 2025…

Khoảng 40% ca lao tiềm ẩn trong cộng đồng

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, tình hình dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam còn rất phức tạp, nhất là sau khi kết thúc đại dịch COVID-19.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Hội nghị Triển khai công tác năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao. Ảnh: Minh Khôi 

Số bệnh nhân lao được phát hiện, đưa vào điều trị và được báo cáo hằng năm mới chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính. Tỷ lệ bệnh nhân lao được chữa khỏi hoàn toàn là trên 90%, lao kháng thuốc là 75%.

“Hiện có khoảng 40% ca lao tiềm ẩn trong cộng đồng chưa được phát hiện, cùng với 2% bệnh nhân lao kháng thuốc. Đây là nguyên nhân lây lan chính trong cộng đồng”, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay, gần 30% người dân Việt Nam có tiếp xúc với vi khuẩn lao.

Về một số khó khăn trong công tác phòng, chống lao, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Đinh Văn Lượng cho biết, 12/63 tỉnh, thành phố chưa có bệnh viện lao và bệnh phổi, dẫn đến thiếu nhân sự chuyên trách để triển khai các can thiệp phòng, chống bệnh này.

Trong khi, mô hình y tế tuyến huyện chưa đồng nhất tại 63 địa phương, nên khó khăn khi thực hiện thanh toán thuốc lao và các dịch vụ khám bệnh lao từ bảo hiểm y tế.

Cán bộ y tế chuyên ngành phòng, chống lao rất thiếu, chế độ chính sách hạn chế. Nhận thức của người dân về bệnh lao vẫn còn sai lệch, chưa đầy đủ…

Nhấn mạnh bệnh lao là vấn đề sức khoẻ cộng đồng, GS.TS Trần Văn Sáng, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lao - Bệnh phổi, Đại học Y Hà Nội cho rằng, cần có sự tham gia của mọi người dân để chấm dứt căn bệnh này. Theo đó, quan trọng nhất là phát hiện sớm, điều trị ngoại trú tại cơ sở và có mạng lưới giám sát để bệnh nhân lao điều trị khỏi hoàn toàn.

Đồng quan điểm, GS.TS Đinh Ngọc Sỹ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh, cần phá vỡ “quỹ đạo” dịch tễ thường quy của bệnh lao thông qua đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng đồng bộ vaccine mới, thuốc mới, phác đồ điều trị mới.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đề nghị tập trung nguồn lực mạnh mẽ, triển khai điều tra dịch tễ sâu trong cộng đồng để tạo chuyển biến căn bản trong công tác phòng, chống bệnh lao.

Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ chú trọng tầm soát, điều tra dịch tễ bệnh lao trong đối tượng học sinh, theo ông Anh Đức.

Hương Giang