>> Kỳ III: Tan hoang hồ Lắk

>>Kỳ II: Rỗng “ruột” rừng biên giới Ia Jlơi    

>>Kỳ I: Man rợ với thiên nhiên

Huyện Krông Ana có 6 doanh nghiệp với gần 20 con tàu được cấp phép khai thác cát hoạt động tại 6 điểm. Thế nhưng, chỉ tính riêng trên đoạn bến Quỳnh Ngọc, số tàu khai thác cát đã vượt xa con số cho phép… Không chỉ trục lợi trái phép vào ban đêm, “cát tặc” còn ngang nhiên hút cát vào ban ngày mà không thấy bị cơ quan chức năng nào xử lý!

Cát tặc lộng hành

Tờ mờ sáng, sông Krông Nô đã ắp đầy sự xuôi ngược của tàu thuyền. Nước sông cuồn cuộn, đục ngầu. Dòng Krông Nô ầm ĩ dày đặc sự ồn ào bởi tiếng máy nổ vang cả khúc sông dài. Đứng trên bờ sông quan sát, thu vào tầm mắt của chúng tôi là hàng chục con tàu với những ống hút to cỡ thân người lớn đang cắm thẳng miệng xuống lòng sông. Bên cạnh là những chiếc xà lan loại khủng đang chờ hút đầy cát để vận chuyển về bãi tập kết. Nhờ một người quen giới thiệu, chúng tôi được lên tàu ra sông bắt đầu chuyến hành trình.

Mới 25 tuổi, nhưng Nguyễn Thế Hà, một thành viên của con tàu cát, đã có 10 năm kinh nghiệm trong nghề. Trò chuyện với chúng tôi, Hà cho biết: “Trước đây, chỉ cần thả ống xuống sông là tha hồ cát. Thế nhưng, chỉ sau vài năm khai thác, lượng cát giữa lòng sông đã cạn. Bây giờ, muốn có cát, chỉ còn cách hút cát ở hai bên bờ”.

Để chứng minh cho câu nói của mình, lập tức Hà cho tàu áp sát bờ, chêm thêm ga máy, quàng tay sang trái rồi quăng nhanh ống hút… Ầm ầm, tiếng đất cát hai bên bờ dòng sông cứ thế tụt xuống, cuộn chảy theo dòng nước xoáy đục ngầu đổ ập vào tàu chứa…

Cát tặc ngang nhiên cho tàu khai thác cát sát bờ sông. Ảnh: Tùng Anh

Chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, hàng chục khối cát đã nằm gọn trong khoang. “Với mức giá bán 90 nghìn đồng/khối, trừ hết chi phí xăng dầu, chủ tàu sẽ thu lãi 1 triệu đồng. Lợi nhuận cao thế nên người dân đổ xô hút cát bất chấp hậu quả không có gì là lạ”, Hà nói với chúng tôi.

Mang những vấn đề bức xúc đang diễn ra trên dòng Krông Nô, chúng tôi có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Cương, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Krông Ana. Ông Cương cho biết: Toàn huyện chỉ có 6 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, cụ thể là: Hợp tác xã Đoàn Kết, Doanh nghiệp Tư nhân Trung Thiện, Doanh nghiệp Tư nhân Minh Lợi, Hợp tác xã Phúc Lợi, Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Tây Nguyên và Doanh nghiệp Tư nhân Sông Núi. Thế nhưng, thực tế hiện nay, có tới 13 doanh nghiệp và hàng chục hộ gia đình, cá nhân đang ngày đêm khai thác trái phép… “Để dẹp nạn cát tặc không dễ bởi các tàu đều không có số hiệu, không đăng kí, đăng kiểm. Khi phát hiện sai phạm khó xử lý vì… không biết căn cứ vào đâu”, ông Cương cho biết.

Mất nhiều hơn được

Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng khai thác cát kiểu tận diệt, không có kiểm soát của cơ quan chức năng trong một thời gian dài đã khiến sông Krông Nô bị biến dạng nghiêm trọng. Cụ thể, theo phản ánh của người dân tại khu vực này: 3 năm trước, chiều rộng của sông Krông Nô chỉ khoảng 30 - 40m, thế nhưng đến nay, hai bên bờ sông đã bị nước lấn vào với sự xâm thực rất lớn và nhanh, có đoạn đạt hơn 100m, lòng sông bị xoáy sâu xuống cả chục mét.

Hai bên bờ sông đang ngày càng bị sụt lún, lấn sâu vào đất canh tác của nhiều hộ dân. Vào mùa mưa lũ, bà con nơm nớp lo sợ hoa màu, thậm chí cả tính mạng có thể bị cuốn trôi theo dòng nước. Chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh dọc dài bờ sông, đoạn do Doanh nghiệp Tư nhân Đức Tài khai thác, đã xảy ra hiện tượng sạt lở với chiều dài trên 20m. Bờ sông thuộc khu vực Hợp tác xã Đoàn Kết khai thác cũng bị sạt lở hơn 300m. Theo quy định, tàu khai thác cát phải cách bờ sông ít nhất 5m, độ sâu cho phép 4m. Nhưng với lợi nhuận khổng lồ, bất chấp quy định, các đối tượng vẫn cho tàu thuyền neo đậu hút cát sát ngay bờ sông.

 Hậu quả của việc khai thác cát bừa bãi khiến bờ sông bị sạt lở. Ảnh: Tùng Anh

Không chỉ để lại hậu quả nghiêm trọng về môi trường, dòng chảy, vấn nạn cát tặc còn gây thất thu nguồn thuế khá lớn cho huyện. Thống kê cho thấy, trên địa bàn huyện Krông Ana đang có 6 đơn vị được cấp phép khai thác cát, với tổng sản lượng 440.000 m3/năm. Tuy nhiên, theo số liệu mà PV Báo Thanh tra thu thập được, trên thực tế, số cát tặc đang khai thác phi pháp còn cao hơn gấp nhiều lần so với số doanh nghiệp được cấp phép. Cụ thể ngoài 6 đơn vị có phép, còn có 13 doanh nghiệp khác vẫn ngang nhiên khai thác cát trái phép mà không thấy bị cơ quan chức năng nào xử lý.

Ông Nguyễn Văn Sáng, Chi cục Trưởng Chi cục Thuế huyện Krông Ana cho biết: “Cát hiện nay đang là điểm nóng và vấn đề về thất thu thuế đang được tỉnh hết sức quan tâm. Đầu năm 2014, huyện đã thành lập Đoàn 4860 do cơ quan thuế chủ trì phối hợp cùng công an, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện, Phòng Hành chính và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn để chống thất thu thuế trong lĩnh vực này”.

Chưa tính thuế thu nhập doanh nghiệp, bình quân mỗi m3 cát được khai thác và xuất bán tại đây phải thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách khoảng 20.000 đồng. Thế nhưng, theo số liệu tổng hợp từ Chi cục Thuế huyện Krông Ana, số thực thu mỗi năm chỉ khoảng 2 - 2,5 tỷ đồng, bằng khoảng 50% so với thực tế khai thác và kinh doanh cát tại đây.

Thực trạng hàng trăm con tàu đang ngày đêm hoạt động hết công suất theo kiểu tận diệt trên dòng Krông Nô, không có đăng kí, đăng kiểm... đang thách thức các cơ quan chức năng vào cuộc tuần tra, truy quét...

Kỳ V:Cơ quan chức năng buông lỏng quản lý?

Kiên Tùng - Quỳnh Anh