Tại họp báo Chính phủ chiều muộn ngày 6/12, báo chí đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan vụ việc nhóm học sinh nam bạo hành cô giáo ở Tuyên Quang.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận và xử lý vấn đề này như thế nào để những vụ việc tương tự sẽ không xảy ra trong tương lai?”, báo chí hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trả lời, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, bộ này đã có văn bản gửi tỉnh Tuyên Quang yêu cầu chỉ đạo xác minh làm rất rõ sự việc.

“Việc xảy ra là nghiêm trọng, không thể chấp nhận được”, Thứ trưởng nhấn mạnh và thông tin, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan.

Nhấn mạnh vụ việc này gây bức xúc, nhưng ông Sơn cho rằng phải tìm hiểu nguyên nhân thấu đáo, từ đó có biện pháp xử lý nghiêm.

“Nếu trách nhiệm liên quan giáo viên, nhà trường hoặc liên quan học sinh, hay trách nhiệm tập thể để có giải pháp xử lý trước mắt, chấn chỉnh, xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm sâu sắc việc này”, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo nói.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nói thêm, liên quan đến bạo lực học đường, có việc giống nhau về hiện tượng nhưng khác nhau về bản chất. Cho nên, phân tích nguyên nhân vụ việc này và các vụ việc khác để đưa ra biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.

Đề cập đến giải pháp, ông Sơn nói, cần có biện pháp toàn diện. Đâu tiên là phải nhìn nhận lại đội ngũ giáo viên từ quy trình đào tạo bồi dưỡng, đánh giá chuyên môn, phẩm chất, kỹ năng trong quá trình giảng dạy.

“Giáo viên không chỉ một môn học mà cả giáo viên chủ nhiệm, giáo viên trong nhà trường; năng lực, kỹ năng từng nhà giáo thế nào cần rà soát, đánh giá”, ông Sơn nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cần đánh giá hiệu quả việc dạy và học, tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh… Nhà trường phải thường xuyên theo dõi đánh giá để phát hiện sớm, nguyên nhân sâu xa để ngăn chặn sớm.

Về phía phụ huynh cũng cần quan tâm đến con em. Theo ông Sơn, giáo dục không chỉ trong nhà trường mà phụ huynh cũng phải có trách nhiệm trong việc này.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo còn nhấn mạnh đến trách nhiệm của toàn xã hội. Vì bạo lực xảy ra trong trường nhưng là hiện tượng toàn xã hội.

“Nếu văn hóa trong xã hội, từ văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử, văn hóa trên không gian mạng làm tốt sẽ tác động tới học sinh nói chung”, theo lời ông Sơn.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định sẽ tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục làm tốt đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy, tư tưởng đạo đức, quản lý nhà nước, phối hợp với phụ huynh.

“Đây là việc chúng tôi rất trăn trở”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn bày tỏ.

Trước đó, ngày 5/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang, báo cáo về vụ việc xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, khi một số học sinh có hành động bạo lực, vi phạm đạo đức nghiêm trọng đối với cô giáo giảng dạy.

Sự việc xảy ra khoảng 10h30 ngày 29/11. Trong tiết 3 môn âm nhạc của lớp 7C, cô giáo P.T.H. (nữ giáo viên trong clip) nhắc nhở một số học sinh chưa chịu vào lớp thì bị phản ứng.

Khi tiết học bắt đầu, một số học sinh xin ra ngoài nhưng cô H. không đồng ý. Do vậy, giữa giáo viên và học sinh đã xảy ra khúc mắc.

Sau giờ dạy tiết 3 của lớp 7C, cô H. sang dạy tiết 4 của lớp 6A, một số học sinh lớp 7C sang lớp 6A có phát ngôn và hành vi thiếu chuẩn mực đối với cô H., bao gồm nói tục, có hành vi xúc phạm giáo viên, quay video và đăng lên mạng xã hội.

Ngày 30/11, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Dương, Công an huyện và các cơ quan chức năng đã yêu cầu Trường THCS Văn Phú họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của giáo viên, học sinh.

Sau đó, nhà trường đã họp, yêu cầu giáo viên và học sinh liên quan viết tường trình.

Cần thiết đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trả lời báo chí về ý tưởng đưa học thêm, dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo ông Sơn, đề xuất này không mới, trước kia Luật Đầu tư đã quy định đây là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư quy định việc này.

“Sau đó, Luật Đầu tư bỏ dạy thêm khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên bộ đã bỏ một số điều của thông tư này”, ông Sơn giải thích

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo, đa số giáo viên dạy thêm hiện nay là nhỏ lẻ. Giáo viên tham gia vào dạy thêm theo 3, 4 hình thức, thầy cô dạy nhỏ lẻ, dạy học sinh lớp khác, gia sư, phụ huynh nhờ; tham gia dạy thêm ở các trung tâm; tự thầy cô tổ chức trung tâm đó.

Ngoài ra còn có hình thức mới là dạy trực tuyến, một số thầy cố tổ chức một mình, có thêm đồng nghiệp tham gia, quy mô lớn.

“Việc dạy thêm học thêm không thể cấm được, bởi không có văn bản nào cấm. Nhưng nhiều vấn đề đặt ra dư luận, phụ huynh học sinh quan tâm. Con mình học ở đâu, thế nào, học phí ra sao; địa phương quan tâm nội dung thế nào; kinh doanh thì liên quan điều kiện và trách nhiệm”, ông Sơn nêu quan điểm.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết để bộ ngành, địa phương quản lý được, đảm bảo chất lượng, quyền lợi của người học cũng như đảm bảo quyền lợi thầy cô.

“Chúng tôi sẽ sửa đổi thông tư về quản lý dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thời gian dạy thêm, khi nào được dạy thêm chứ không thể cứ nói là nhỏ lẻ, bởi dạy trên mạng thì không nhỏ lẻ và nhỏ lẻ cũng phải quản lý”, ông Sơn nhấn mạnh.

Hương Giang