Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, mục đích của chuẩn cơ sở giáo dục đại học đầu tiên là để sắp xếp, thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Tập trung vào thực hiện các nghị quyết của Đảng, chủ trương của Nhà nước để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống. Vì vậy mà chuẩn cơ sở giáo dục đại học có những tiêu chí, chỉ số rất cụ thể.

Khi có chuẩn cơ sở giáo dục đại học, chuẩn chương trình đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ từng bước rà soát, sửa đổi, điều chỉnh các thông tư theo hướng đơn giản hóa, nâng cao quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học theo đúng quy định của luật. Điều này sẽ giúp đơn giản hóa, thuận lợi cho quản lý Nhà nước, cho các trường đại học, các trung tâm kiểm định và cho cả kiểm định viên. Việc thực hiện tốt chuẩn cơ sở giáo dục đại học sẽ làm cho công tác kiểm định, tự đánh giá, đánh giá ngoài đơn giản hơn và đảm bảo sự nhất quán trong hệ thống.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, bộ chuẩn ban hành sẽ có nhiều tác động trong hệ thống và muốn sử dụng thực sự hiệu quả cần phải hiểu thật sự thấu đáo. Bên cạnh những tiêu chuẩn, tiêu chí mang tính định tính thì cũng cần phải có những yêu cầu tối thiểu, mang tính định lượng.

Khi ban hành bộ chuẩn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của nhiều chuyên gia, qua các diễn đàn, các cơ sở giáo dục đại học. Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi xây dựng thông tư, nghị định không phải tập trung khía cạnh để quản lý mà định hướng hỗ trợ nhiều hơn.

Chia sẻ về công tác kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương cho biết, từ khi có Luật Giáo dục đại học, nhất là từ sau khi có Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học… công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học ngày càng được quan tâm.

Ngoài ra, còn có hệ thống các văn bản dưới luật, trong đó có Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Đặc biệt, ngày 14/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 78/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030”. Đây là căn cứ để Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện đến các cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm kiểm định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch từ nay đến năm 2025, trong đó lưu ý các trung tâm kiểm định, các cơ sở giáo dục đại học chủ động triển khai Quyết định số 78 của Thủ tướng Chính phủ.

Về tổ chức thực hiện, theo Cục trưởng Huỳnh Văn Chương, hiện nay Việt Nam có 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và 10 tổ chức kiểm định nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoạt động.

Tính đến ngày 30/4/2024, cả nước có 1.773 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Trong đó, có 1.254 chương trình đào tạo đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước, 519 chương trình được đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài. Song hành tổ chức thực hiện, vấn đề kiểm tra, giám sát được quan tâm.

Theo ông Chương, việc ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tham gia kiểm định nước ngoài và được công nhận, là sự ghi nhận nỗ lực của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và đang đi đúng theo kế hoạch đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Lê Phương