Trong khuôn khổ các chương trình thuộc chuỗi hoạt động kỷ niệm 5 năm thành lập và Ngày hội ĐMST Việt Nam 2024, hôm nay (2/10), Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) phối hợp với Mạng lưới ĐMST và khởi nghiệp đại học, cao đẳng Việt Nam (VNEI) đồng tổ chức Hội thảo “ĐMST và khởi nghiệp trong giáo dục đại học Việt Nam: Năng động và hợp tác”.

Tầm quan trọng của ĐMST trong hệ thống giáo dục 

Tại hội thảo, Giám đốc NIC Vũ Quốc Huy một lần nữa khẳng định về vai trò và tầm quan trọng của ĐMST trong hệ thống giáo dục đại học nói riêng và ĐMST nói chung trong hành trình thực hiện mục tiêu “xây dựng đất nước hùng cường” tới đây.

Giám đốc NIC Vũ Quốc Huy bày tỏ hy vọng và tin tưởng về hiệu quả phối hợp trong hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao giữa các trường đại học trong nước và quốc tế cùng NIC.

leftcenterrightdel
 Giám đốc NIC Vũ Quốc Huy trao đổi một số ý kiến tại hội thảo. Ảnh: T.T

Chia sẻ một số mô hình ĐMST của Thụy Sĩ hiện nay tại hội thảo, ông Hub Langstaff, Giám đốc Chương trình SwissEP tại Việt Nam, chương trình hỗ trợ của Thụy Sỹ về xây dựng hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp triển khai ở 7 nước đang phát triển trong đó có Việt Nam đã nhấn mạnh tới tiềm năng to lớn của ĐMST ở Việt Nam hiện nay.

Ông Hub Langstaff nêu một số khuyến nghị cần triển khai khắc phục để hệ sinh thái ĐMST thực sự phát huy hiệu quả.

Đồng quan điểm này, TS Sarah Mamiese, Giám đốc AFD Campus, Cơ quan Phát triển Pháp đánh giá cao tới các hoạt động ĐMST của Việt Nam trong thời gian gần đây, nhất là với việc hình thành phát triển NIC như một biểu tượng thành công của ĐMST hướng tới tương lai cùng với tinh thần nhiệt huyết đam mê ĐMST của Việt Nam.

Trong phần tham luận của mình, TS Sarah cũng chia sẻ về đổi mới và mô hình hiện nay liên quan tới ĐMST chúng ta đang theo đuổi, nhấn mạnh rằng, đổi mới là yếu tố quyết định trong bối cảnh cả thế giới đang tìm kiếm giải pháp để phát triển hiệu quả bền vững, phát triển kinh tế mà không gia tăng tác động đến môi trường.

Theo TS Sarah, hiện nay, các định hướng kinh tế tuần hoàn có thể cho phép dung hoà phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và nhân loại… do đó, việc tiến hành hoạt động nghiên cứu thực tế theo hướng tiếp cận đổi mới để tìm ra các giải pháp thực sự hiệu quả, tránh bẫy đổi mới và làm chủ đổi mới vì một tương lai tốt đẹp là hết sức cần thiết.

Cũng tại hội thảo, TS Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch VNEI, Tổng Giám đốc BK Holdings, Đại học Bách Khoa Hà Nội đề xuất về việc có thể đưa các lãnh đạo của các trường đại học của Việt Nam đi thăm quan, khảo sát thực tế các mô hình ĐMST của các trường đại học trên thế giới để thấy được tính thiết thực cũng như hiệu quả của ĐMST trong đại học, gắn với mục tiêu phát triến kinh tế - xã hội quốc gia.

Có thể thấy, các tham luận đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh, tổng thể về ĐMST trong khu vực đại học cũng như góc nhìn quốc tế về Việt Nam và ĐMST ở Việt Nam hiện nay.

Đưa khởi nghiệp, ĐMST thành môn học lồng ghép trong nội dung đào tạo rèn luyện

Đáng chú ý, trong phiên diễn đàn mở, dưới sự dẫn dắt của ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc BK Fund, BK Holdings, 6 diễn giả gồm có TS Trần Nam Tú, Phụ trách Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS Bùi Quang Hưng, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh; PGS.TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế; ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Trường Đại học FPT; PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenika; PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra quan điểm, đánh giá thiết thực với nhiều góc nhìn đa dạng phong phú liên quan tới ĐMST nói chung, trong đó có ĐMST trong các trường đại học nói riêng.

Trong đó, các diễn giả đều bày tỏ sự nhất trí đó có thể là quyết tâm thay đổi, tạo khác biệt, là tư duy kiến tạo hoặc nâng cao năng lực ĐMST cho sinh viên, gắn bó chặt chẽ với cộng đồng hay là tinh thần tiếp cận nhanh nhất với khởi nghiệp: Đưa khởi nghiệp, ĐMST thành môn học độc lập trong chương trình đào tạo, cũng như lồng ghép trong nội dung đào tạo rèn luyện, tạo ra nguồn nhân lực ĐMST từ môi trường giáo dục đáp ứng yêu cầu tổng hợp cả về kiến thức và kỹ năng liên quan, nhất là ĐMST gắn với tác động tạo giá trị cho xã hội.

Bên cạnh đó là kết nối ươm tạo và hỗ trợ, có đầu vào đầu ra theo chuỗi để thực hành hiệu quả, từ nhà trường bước thẳng vào doanh nghiệp, thương mại hoá sản phẩm ngay từ trường đại học với mạng lưới tạo hệ sinh thái ĐMST gắn bó chặt chẽ với học sinh, sinh viên.

leftcenterrightdel
Các bạn học sinh, sinh viên tìm hiểu thông tin về công nghệ tín dụng kỹ thuật số. Ảnh: M.H

Như chia sẻ của ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Trường Đại học FPT thì nên tránh các ý tưởng ĐMST trong giáo dục đại học chỉ dành trên ý tưởng, mang giá trị “vị nghệ thuật”, chỉ phục vụ cho các cuộc thi, thay vào đó, ĐMST phải mang lại giá trị cho cuộc sống, tạo ra giá trị cho cộng đồng; nếu hệ thống giáo dục nói chung mà còn sử dụng văn mẫu, toán mẫu thì chưa phải là ĐMST.

Dưới góc nhìn của nhà quản lý, về mặt chính sách, TS Trần Nam Tú, Phụ trách Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng tình với các ý kiến trao đổi, chia sẻ tại hội thảo đồng thời cho rằng, trong hệ thống giáo dục đại học hiện nay, cần nghiên cứu thống kê lại có bao nhiêu cơ sở có điều kiện triển khai ĐMST trong giáo dục và có những cơ sở nào có điều kiện mà không triển khai ĐMST bởi thực tế cho thấy, ĐMST còn phụ thuộc vào không chỉ cá nhân mà còn cả tập thể lãnh đạo cùng môi trường của cả hệ thống.

Từ đó, chúng ta sẽ có cái nhìn tổng thể, đa chiều về ĐMST trong các trường đại học hiện nay, góp phần điều chỉnh bổ sung chính sách hợp lý.

Trong khuôn khổ hội thảo, Ban Tổ chức đã công bố 15 thành viên mới của VNEI nâng tổng số thành viên mạng lưới lên là 71 (trước đó, từ năm 2023, VNEI chỉ có 31 thành viên).

Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ ban hành 2 đề án về “đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2035 và định hướng tới năm 2045” và “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Hai đề án này đều hướng tới việc chuẩn bị dồi dào nguồn nhân lực công nghệ cao, nhất là đội ngũ đông đảo chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và vi mạch bán dẫn trở thành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Theo đó, việc đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại cần chú trọng tới việc thiết kế lại chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao các kỹ năng mềm cho sinh viên; tạo mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp; nâng cao chất lượng của các vườn ươm công nghệ; đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước đối với dạy nghề theo nhu cầu của thị trường và yêu cầu cụ thể của người sử dụng lao động… tất cả nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng bền vững, tô đậm màu cho bức tranh ĐMST của Việt Nam trên bản đồ thế giới.


Thanh Lương